Tháng 7 năm 1967 Trường Thanh thiếu nhi Rẻo cao Kỳ Sơn được thành lập tại khu rừng Xốp Thập (xã Hữu Lập). Lúc này chỉ có 3 cán bộ công nhân viên, 6 thầy cô giáo (kể cả ban giám hiệu) cùng 107 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Thầy trò tự vào rừng chặt gỗ, tre, nứa dựng tạm lớp học và ký túc xá. Chiến tranh ác liệt, cuộc sống của thầy và trò gian nan vất vả đủ bề, nhưng mọingười đều nhiệt tình nêu cao quyết tâm giảng dạy, học tập rèn luyện, lao động xây dựng nhà trường.
Tháng 8 năm 1969, Trường chuyển về địa điểm mới tại bản Xốp Thặng (Hữu Lập). Tại đây lớp học cũng bắt đầu từ tranh, tre, nứa lá. Tháng 11 năm 1973, Trường lại một lần nữa chuyển lên khu vực bản Phẩy (xã Tà Cạ; nay là khối 4 - thị trấn Mường Xén) nơi bãi rừng nguyên sinh còn loang lổ những hố bom và cả những quả bom bi chưa nổ lăn lóc trên mặt đất. Thời kỳ này cầu treo bản Phẩy chưa có nên phải cử một cán bộ hành chính chuyên làm nhiệm vụ chèo đò chở các em qua sông. Từ năm học 1974 - 1975 trường được đổi tên là Trường PTTH Rẻo cao Kỳ Sơn. Năm học 1991 - 1992, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đổi tên Trường PTTH Rẻo cao Kỳ Sơn thành Trường PTDTNT Kỳ Sơn; năm học 1993 - 1994 sáp nhập Trường Bổ túc văn hoá (trường PTLĐ của huyện) vào Trường PTDTNT của huyện; ngày 8 tháng 9 năm 2000 Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định tách Trường PTDTNT thành 2 trường: Trường THPT DTNT Kỳ Sơn và Trường THCS DTNT huyện.
Đóng trên địa bàn, khi còn là Trường Thanh thiếu nhi Rẻo cao đã phải đương đầu với bom đạn chiến tranh, đói rét, bệnh tật; đến nay trở thành Trường THPT DTNT Kỳ Sơn, lại phải chia sẻ khó khăn của một huyện nghèo, sự nghiệp xã hội hoá giáo dục chưa phát triển; khó khăn riêng của Trường kéo dài trong nhiều năm: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp, chất lượng học sinh không đảm bảo thuận lợi cho việc dạy và học. Vượt lên khắc phục khó khăn, cấp uỷ, Ban giám hiệu nhà trường đã kiên trì phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển giáo dục tại một huyện vùng cao biên giới.
Trong 40 năm qua, Trường THPT DTNT Kỳ Sơn đã có gần 2.500 học sinh lớp 12 tốt nghiệp ra trường, hàng trăm học sinh được vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Nhiều em đã trở thành bác sỹ, kỹ sư, nhà giáo, doanh nhân thành đạt... Và đặc biệt hơn là đội ngũ đông đảo cán bộ chủ trì từ huyện, xã đến bản làng hầu hết là học sinh từ mái trường này; trong số đó phải kể đến ông Mùa Bá Xỉ, nay là Mùa Nỏ Tu - nguyên Chủ tịch UBND huyện; ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện, bà La Thị Thuỷ - Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo; ông Trần Toàn - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Kỳ Sơn nay là Giám đốc Công ty Thiết bị trường học Nghệ An, cô Trần Thị Châu - Hiệu trưởng Trường THCS.... và rất nhiều thế hệ học sinh ra trường, học lên nữa đã tiếp bước thầy, cô đang đứng trên bục giảng hôm nay.
Đánh giá của cấp Đảng, chính quyền huyện Kỳ Sơn cho thấy, Nhà trường có tập thể đảng viên có trình độ, gương mẫu, đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt; hiểu biết đặc điểm khó khăn của địa phương, hoà đồng chia sẻ với đồng bào các dân tộc ít người, gần gũi yêu thương học sinh, tận tình với công việc giảng dạy. Nhiều thầy cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, xứng đáng được xã hội và học sinh tôn kính. Trường đã xây dựng tốt nền nếp kỷ cương, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống trong cán bộ giáo viên, trong học sinh nên trong những năm qua không có giáo viên, học sinh nghiện hút, tiêm chích hay vi phạm các tệ nạn xã hội. Những thành tích mà Trường THPT DTNT Kỳ Sơn đã bền bỉ vượt khó, phấn đấu đạt được trong 40 năm qua thực sự góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của huyện nhà; xứng với niềm tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Kỳ Sơn.
Hải Vi