Ngập trong đám bụi mù mịt, và phải mất hơn một tiếng đồng hồ từ... Quốc lộ 7 lắc lư trên chiếc xe uoát của Bộ đội biên phòng Nghệ An chúng tôi mới có thể đến được với xã Tam Hợp. Từ bản Xốp Nậm - trung tâm xã - chúng tôi được các anh ở Đồn biên phòng 551 "hộ tống" đến bản Phồng - "thủ phủ" của người Tày Poọng. Chúng tôi được Trung uý Vừ Bá Rể - cán bộ vận động quần chúng, người thường xuyên "nằm vùng" ở bản Phồng làm "tài xế", khác những dự đoán về một nơi "thâm sơn cùng cốc", chỉ cần mười phút đi xe máy theo những con đường mòn ven sườn núi là chúng tôi đã có thể đến với bản Phồng. Nhìn từ xa, giữa làn sương mờ của một sớm đầu Xuân bản Phồng nằm yên bình, xinh đẹp trong thung lũng. Trải dài dưới chân núi là từng thửa ruộng lúa nước xanh mơn mởn đang trong thời kì gieo mạ. Ngồi sau xe Vừ Bá Rể và dõi theo bàn tay anh chỉ, tôi được biết để vận động 37/114 hộ dân bản Phồng chuyển từ phát nương làm rẫy sang trồng lúa nước là một quá trình vất vả. Người dân ở đây, trình độ nhận thức còn hạn chế, lại sống theo lối tự cung tự cấp nên việc chuyển đổi canh tác, cây trồng cần một thời gian dài thử nghiệm. Trước đây vì công cụ sản xuất thô sơ, cây trồng không được chăm bón đúng kỹ thuật nên lúa rẫy, lúa nương thu hoạch không được bao nhiêu, hết mùa là hết gạo. Nay nhờ canh tác lúa nước lại biết chăn nuôi nên nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh đói, cảnh khổ. Toàn bản đã có 107 ngôi nhà kê, 16 xe máy, 4 máy xay, 228 con lợn, 170 con bò và 20 con trâu.
Đến bản Phồng, ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình cụ Vi Văn Minh và cụ Vi Thị Đào. Giữa buổi trưa, ti vi đang chiếu phim truyền hình nên rất nhiều người trong bản đến xem phim. Ở ngoài hiên cụ ông và cụ bà đang thoăn thoắt, nhịp nhàng đưa từng lóng nứa để đan ép xôi. Nghề đan lát chính là một trong những nét bản sắc của người Tày Poọng. Họ có khả năng đan lát các đồ dùng sinh hoạt với nhiều hoa văn rất đẹp và hầu hết các dụng cụ gia đình đều được làm bằng nứa. Sang nhà trưởng bản Viêng Văn Độ - một người tuổi chưa đến 40 mà đã có "thâm niên" làm "trưởng bản" hơn 10 năm, ngồi cạnh bếp lửa trong gian bếp ấm cúng câu chuyện được mọi người nhắc đến nhiều nhất vẫn là "bản sắc" của dân tộc Tày Poọng. Anh Độ đã kể cho chúng tôi nghe nhiều phong tục của người mình, đặc biệt là trong các dịp Tết, dịp lễ: "Ngày Tết gia đình nào dù có khó khăn đến đâu cũng phải có muối, cơm, gà để cúng ở bàn thờ. Tất cả những thức ngon nhất của gia đình đều được dùng để cúng cha mẹ. Trong lễ ăn hỏi thì lễ vật nào cũng phải đi đôi, ví như 4 gắp cá, 2 con lợn, 6 con gà... Vợ anh Độ, chị Vi Thị Sen rất hồ hởi lấy chân váy ra khoe với chúng tôi. Vui thì rất vui vì "trước kia nhà nào giàu nhất làng mới có một bộ để mặc" nhưng chị cũng buồn vì "không phải là những bộ váy như trước kia đâu". Thoáng chạnh lòng khi nhìn xuống chiếc váy sặc sỡ của chị, tôi thấy không khác gì những chiếc váy thổ cẩm được bày bán rất nhiều trong chợ thị trấn. Cả bản Phồng hiện cũng chỉ còn một người biết ngôn ngữ của người Tày Poọng, đó là ông Vi Văn Lợi. Mùa Xuân này, cụ ông Vi Văn Lợi bước sang tuổi 101. Tuổi cao, mắt đã mờ nhưng xem ra ông vẫn còn rất minh mẫn. Cụ hiện có con trai làm Phó chủ tịch HĐND xã, có cháu đi học ở tỉnh và gia đình cụ là một trong 5 gia đình khá giả nhất bản. Năm 1954 gia đình cụ là một trong 10 nhà đầu tiên chuyển từ khe Khặng xã Môn Sơn (Con Cuông) về đây sinh sống. Cụ nhớ rất rõ những ngày tháng gian khổ vì phải sống du canh du cư và chịu sự áp bức của quân Pháp xâm lược. "Thời nay, được Nhà nước giúp, bà con ta có ăn, có mặc, cuộc sống đổi thay nhiều" - cụ nói.
Đúng vậy, bản Phồng hơn 50 năm qua đổi thay như hôm nay một phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Nhưng cũng vì thế, đại đa số người dân nơi đây vẫn đang có thái độ trông chờ, ỉ lại. Nhà nước hiện nay vẫn đang còn phải hỗ trợ 100% giống cây, con, toàn bản vẫn đang còn 77% hộ nghèo. Tình trạng học sinh học đến lớp 7, lớp 8 bỏ học là chuyện bình thường. Bản hiện chỉ có 3 em đang theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề. Để vận động con em đến trường đông đủ, năm học này tất cả các em đi học đều được Đồn biên phòng tặng mỗi em một bộ quần áo. Nói về những khó khăn này, trưởng bản Viêng Văn Độ lại trầm ngâm: "Bản hiện đã trồng được 50 ha rừng cây keo lai, rừng lên đẹp lắm nhưng chỉ sợ con trâu con bò phá đi thôi. Mình đã có công làm giờ lại phải vận động bà con làm chuồng trại để nuôi nhốt".
Chưa có sự phát triển vượt bậc như các bản trung tâm và các xã vùng xuôi nhưng cuộc sống yên bình của hơn 100 hộ dân nơi đây và những chính sách quan tâm của Nhà nước đã phần nào khẳng định sự lựa chọn nơi đây để "an cư lập nghiệp" của đồng bào Tày Poọng là hoàn toàn đúng đắn. Tết này cùng với niềm vui chung với Tết cổ truyền của dân tộc, 54 hộ dân bản Phồng sẽ có thêm niềm vui nhà mới. Đây là nhà của dự án 134 hỗ trợ cho những gia đình còn ở nhà dột, nhà tạm. Cùng với tiếng búa, tiếng bào lách cách những ánh mắt hi vọng của người dân Tày Poọng trao gửi cứ deo dẳng mãi bước chân chúng tôi lúc ra về.