Ấy là năm 2004, cánh phóng viên chúng tôi có dịp vào Huồi Pốc. Sáng sớm đi từ quốc lộ mà vãn chiều mới vào đến bản. Tôi còn nhớ như in cái màu nắng hoang của đại ngàn trễ xuống từng thung lũng mờ mờ hơi nước. Người dẫn đường cho chúng tôi hôm đó là anh Kiên, kế toán trường PTCS Nậm Cắn 2. Kiên sinh năm 1978, sau khi tốt nghiệp trường chuyên ngành Kế toán, anh lên với Kỳ Sơn, quyết tâm gắn bó với mảnh đất biên giới xa xôi này. Ở Huồi Pốc, anh đã lập gia đình với một cô giáo trong trường và cả 2 cùng nhau theo đuổi sự nghiệp trồng người. Khi chúng tôi đặt chân đến bản là lúc chúng tôi được nghe một khúc nhạc của người Mông lanh lảnh cất lên từ một chiếc loa phóng thanh của một nhà dân nào đó. Không thật hiểu, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được âm điệu tươi vui của tiếng khèn, nghe như trong đó có bước nhảy của chàng trai, cô gái người Mông, có tiếng róc rách suối nguồn, có niềm tự hào của những bàn chân người Mông trên những đỉnh núi cao, xa nhất...Đón chúng tôi từ sườn dốc, già làng Lầu Xái Hờ vỗ vỗ vào chiếc camera: "Lần đầu tiên có truyền hình vào bản ta đấy. Dân mong lắm! "Người già và trẻ nhỏ trong bản đổ ra nhìn cánh phóng viên, tò mò với những vật dụng lỉnh kỉnh.
Phải qua một con dốc cao nữa, chúng tôi mới tới được Trường PTCS Nậm Cắn 2. Trường nằm trên đỉnh quả đồi lớn, chính giữa bản. Vì vậy, Huồi Pốc như được tách đôi và ngôi trường này chính là cái gạch nối "làm duyên" giữa đôi bên. Phía chân núi, mấy cô giáo và phụ nữ bản đang hí húi chắt từng ca nước nhỏ đổ vào can nhựa để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Già Xái Hờ bảo rằng, nước ở đây quý hơn vàng. Cả bản chỉ có vài mạch ngầm, mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ chắt được vài trăm lít nước. Muốn tắm gội phải đi xa qua mấy quả đồi, nơi có tổ tuần tra của đồn biên phòng đóng quân. Vì thế đời sống của các thầy cô giáo ở đây kham khổ lắm. Mỗi sáng mai, họ thường đọc 2 câu thơ của Bác:" Nếu để pha trà đừng rửa mặt. Nếu đem rửa mặt chớ pha trà" để làm vui cho cảnh thiếu nước của mình
Trường PTCS Nậm Cắn 2 được thành lập vào năm 2002 với mục đích phổ cập tiểu học và trung học cơ sở cho trẻ em trong độ tuổi đến trường của bản Huồi Pốc. Năm đầu tiên thành lập, Phòng Giáo dục huyện đã 3 lần đổi hiệu trưởng mà vẫn chưa đi vào ổn định, phần vì hoàn cảnh ở đây quá khó khăn, phần vì công tác vận động học sinh đến trường chưa tốt. Năm 2003, thầy giáo Nguyễn Văn Khoa (quê Nam Đàn) được điều chuyển vào làm Hiệu trưởng và có sự tăng cường của nhiều giáo viên có kinh nghiệm, sức trẻ và lòng nhiệt huyết. Bằng cách nhờ già làng, trưởng bản nâng cao ý thức mỗi người dân, cộng với tinh thần không ngại khó của đội ngũ giáo viên đến từng nhà vận động các em tới trường, mà ban đầu trường chỉ được một lớp, rồi dần lên đến 2, 3... lớp. Đến nay, trường Nậm Cắn 2 có 350 học sinh, trong đó có 250 học sinh tiểu học. Một nửa trong số 31 cán bộ, giáo viên là người miền xuôi tình nguyện lên đây gắn bó cùng Huồi Pốc. Và hình ảnh những thầy cô giáo đã trở nên đẹp đẽ, thiết thân với người dân bản vùng biên này. Những đêm chúng tôi ở lại là những đêm Huồi Pốc không ngủ, cả bản đang rộn rã mừng ngày Hiến chương các nhà giáo. Dân làng nghỉ làm rẫy và thể hiện lòng biết ơn với các thầy cô giáo bằng những bài ca, điệu nhảy, tặng các thầy cô những quả dưa chuột hái về từ núi cao, những cây mía chắc mập trong vườn...
Nhớ Huồi Pốc, thi thoảng tôi gọi điện cho thầy Nguyễn Xuân Khoa. Vẫn cái giọng khàn khàn, đùng đục ấy, thầy nói với tôi:" Sao mấy năm rồi nhà báo không trở lại Huồi Pốc? Giờ lên đây không còn phải leo dốc nữa, đi xe ôm theo đường vành đai biên giới, dừng lại đỉnh dốc rồi đi bộ 30 phút là tới bản". Tôi lại nhớ về cái bắt tay rất chặt của trưởng bản Cử Xái Xo (nay là Bí thư chi bộ): "Huồi Pốc mong ngày được đón một lãnh đạo huyện vào thăm, cán bộ to nhất vào đây là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện đấy, nhà báo ạ". Tôi chợt nghĩ, bây giờ đường đã thông, nhiều vị lãnh đạo có thể đi...