(Baonghean) - Bắt đầu từ tháng 2/2011, chị Tạ Thị Ngân (nhân viên BĐVH, xã Diễn Hoa, Diễn Châu) kiêm luôn nhiệm vụ bưu tá xã. Sau gần 1 năm nhận nhiệm vụ, chị thấy yên tâm công tác vì thu nhập được nâng cao, công việc ổn định. Hàng ngày, khi các loại báo, tạp chí, công văn từ huyện chuyển về điểm bưu điện, chị phân loại và nhanh chóng chuyển đến các địa chỉ kịp thời, đảm bảo tất cả chi bộ, các tổ chức đoàn thể đều đọc báo đảng trong ngày.

Chị Ngân cho biết: "Là nhân viên bưu điện văn hóa xã, được tập huấn nghiệp vụ hàng năm, chịu sự quản lý của bưu điện nên việc phát hành phải luôn đảm bảo. Nếu chậm trễ, nếu để thất lạc sẽ bị trừ vào lương hàng tháng... Mỗi tháng được xã hỗ trợ thêm 520.000 đồng từ nhiệm vụ phát xã, cộng với tiền phụ cấp nhân viên bưu điện xã và dịch vụ bưu phẩm nên vẫn có thể bám trụ với nghề".


Ở Thanh Chương, đến nay toàn huyện có khoảng 10 địa phương triển khai mô hình nhân viên bưu điện văn hóa xã kiêm phát xã. Sắp tới, Bưu điện huyện Thanh Chương sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện. Ông Thái Khắc Sung, Giám đốc Bưu điện Thanh Chương cho biết: "Đây là mô hình hợp lý để cải thiện đời sống cho nhân viên bưu điện xã, đồng thời nâng cao chất lượng phát hành báo. Hiện nay nhân viên bưu tá làm việc theo hợp đồng, phụ cấp hàng tháng, ít ỏi nên khó để đòi hỏi họ tâm huyết với nghề và cũng không có gì ràng buộc.

Trong khi đó, nhân viên BĐVH xã do hệ thống bưu điện quản lý, có nghiệp vụ, được tập huấn thường xuyên có thể đảm đương trách nhiệm của một bưu tá. Theo lộ trình, thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương để triển khai ra tất cả các điểm bưu điện trên địa bàn toàn huyện".


 
Hiệu quả mô hình này thì đã thấy rõ: tránh sự chồng chéo, cồng kềnh; tăng thu nhập cho nhân viên bưu điện; công tác phát hành đảm bảo nhanh, kịp thời... Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Bà Cao Thị Kim Quế, Phó Giám đốc Bưu điện huyện Diễn Châu cho biết: "Bắt đầu từ năm 2011, Bưu điện huyện triển khai mô hình nhân viên BĐVH xã kiêm phát xã nhưng đến hết năm chỉ mới thực hiện được ở 1 điểm (BĐVH xã Diễn Hoa). Nguyên nhân là vì các xã địa bàn rộng, nhân viên BĐVH xã không đủ thời gian để làm tròn vai trò của một bưu tá, phần nữa là do một số bưu tá không đồng ý "chuyển nhượng" công việc của mình sang cho người khác và chính quyền một số địa phương không đồng ý, tạo điều kiện để triển khai mô hình này...".


Năm 2010, Bưu điện tỉnh đãtriển khai thực hiện đề tài khoa học "Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả các điểm BĐVH xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An", trong đó giải pháp được quan tâm đó là triển khai mô hình "Nhân viên BĐVH xã kiêm phát xã". Đến nay, toàn tỉnh đãcó 39 điểm BĐVH xã thực hiện mô hình này. Thiết nghĩ, vì hiệu quả của việc phát hàng báo đảng, ngành Bưu điện cần có biện pháp thiết thực để triển khai mô hình này một cách đồng bộ.


Duy Nam