(Baonghean) - Tại buổi làm việc với các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí trong tỉnh, do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì tổ chức vào ngày 25/4/2012, nhà báo Nguyễn Quốc Hiếu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Nghệ An đã nêu và đề nghị các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí và các cơ quan chủ quản báo chí cần phải quan tâm, chấn chỉnh kịp thời, đó là tình trạng một số nhà báo, phóng viên báo chí thường xuyên gây nhũng nhiễu, phiền toái ở cơ sở.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nói đến, tại các kỳ giao ban báo chí hàng tháng của tỉnh. Trước đây, đại diện một số cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng phóng viên, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và ngành không những không tham gia tuyên tuyền các phong trào thi đua, những điển hình tiêu biểu ở các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mà chỉ “chăm chắm” vào các mặt trái, các dấu hiệu sai phạm, tiêu cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp… nhưng không phải để “làm báo”, mà là chỉ để “làm tiền”! Thậm chí, có những phóng viên, cộng tác viên chỉ chờ các cơ quan báo chí khác phát hiện, phản ánh vấn đề, vụ việc tiêu cực, sai phạm lên mặt báo, rồi sau đó mới lân la tìm đến yêu cầu được “làm việc”.

Nắm được đặc điểm một số cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành, doanh nghiệp ngại lên mặt báo khi “có chuyện”, một số phóng viên, cộng tác viên đã nghĩ ra đủ mọi cách, mọi chiêu thức để tiếp cận, đe dọa, hứa hẹn, ra điều kiện… với mục đích cuối cùng là chỉ để lấy phong bì. Có trường hợp còn nhân lúc cơ quan, đơn vị “có chuyện” để đến “kêu gọi tuyên truyền, quảng bá” với hợp đồng đưa ra là hàng chục triệu đồng, nếu không ký thì những chuyện tiêu cực, lục đục nội bộ sẽ có thể bị đưa lên mặt báo. Cách “tác nghiệp” này chẳng khác nào kiếm ăn trên sự đau khổ, thậm chí trên sự “bại vong” của người khác. Bởi vậy, những phóng viên, cộng tác viên “tác nghiệp” theo kiểu này thường được những người làm báo chân chính và xã hội gọi là nhà báo “kền kền”.

Trong khi đội ngũ những người làm báo chân chính đang ngày đêm miệt mài bám cơ sở..., bám phong trào, tìm tòi, chấp nhận tác nghiệp trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để có những tin, bài, phóng sự mang tính phát hiện chân thực thì những nhà báo “kền kền” chỉ nhởn nhơ, chờ cơ hội để tìm cách nhũng nhiễu, vòi vĩnh cơ sở. Các nhà báo “kền kền” đã và đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường tác nghiệp của đông đảo đội ngũ những nhà báo, phóng viên, cộng tác viên chân chính.

Thực tế, việc một số lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị ngại tiếp xúc với báo chí, ngại trả lời báo chí như gần đây Báo Nghệ An đã từng phản ánh, một phần có nguyên nhân từ những ảnh hưởng tiêu cực do các nhà báo “kền kền” này gây ra.

Hiện nay, báo chí cả nước cũng như Nghệ An đang tham gia tích cực vào việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để việc tuyên truyền Nghị quyết T.Ư 4 đạt được hiệu quả thì vấn đề nhà báo “kền kền” cần phải sớm được loại bỏ. Các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và các toà soạn báo cần gương mẫu thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn ngay đội ngũ những người làm báo; có biện pháp tuyên truyền để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hiểu và phối hợp tố giác những nhà báo “kền kền” là hết sức cần thiết để xây dựng và bảo vệ môi trường báo chí lành mạnh.


Ngô Yên