(Baonghean.vn) - Đối với bà con xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu thì cái tên Vi Thành Tích là niềm tự hào của họ. Bởi ông là người giúp họ tự tin đưa các giống mới vào ruộng đồng, biết làm thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế...  Nhờ đó nhiều gia đình thoát nghèo, làm được nhà mới, sắm sanh đồ dùng sinh hoạt đầy đủ, không còn cảnh thiếu đói giáp hạt.

Là một CCB, ông luôn tâm niệm,  người lính Cụ Hồ vẫn luôn phải là những “chiến sỹ tiên phong” dù trên chiến trường hay ở đời thường. Do vậy, trong vai trò Chủ tịch Chi hội CCB xã Châu Hội, ông xác định, phải làm sao cho đời sống của đồng đội mình, các CCB bớt đói, giảm nghèo để họ hăng hái nhiệt tình, gắn bó xây dựng hội và hỗ trợ bà con dân bản phát triển kinh tế. 
 
Châu Hội có đến 13 chi hội CCB, đa số là hộ nghèo, sống phụ thuộc vào rừng, thu nhập không ổn định, nhiều trẻ bỏ học giữa chừng, trình độ nhận thức không đồng đều nên rất khó khăn trong triển khai các hoạt động phong trào, phát triển kinh tế, xã hội. Ông Tích đã bàn với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội CCB xã, xin ý kiến chỉ đạo của BTV Đảng ủy triển khai chương trình hoạt động nâng cao mức sống của các hội viên. 
 
Để người dân tin và làm theo, ông Tích xác định không thể “nói suông” mà phải “làm” cho dân thấy, dân mới nghe theo. Năm 2011, ông cùng với các CCB bản Hội 3 nhận thầu ruộng với bản nhằm gây quỹ cho hội viên. Với diện tích nhận khoán là 1.600m2 đất nông nghiệp chuyên canh trồng lúa nước hai vụ, các hội viên cùng góp tiền mua giống, phân công lao động hợp lý từ khâu làm đất đến thu hoạch. Năm ấy, chi hội 3 thu hoạch được 1.800 kg thóc, số thóc này cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo vay không lấy lãi. Những kết quả bước đầu đó đã tạo được sự tin tưởng đối với 25 gia đình CCB ở đây.
 
Với những kiến thức được trang bị qua việc tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp, hiểu biết về kỹ thuật trồng lúa nước, ông Tích bàn với các hội viên canh tác giống lúa lai thay cho giống lúa thuần địa phương. Giống lúa lai Nhị ưu 838 thời gian sinh trưởng ngắn, thân cứng, đẻ nhánh mạnh, rễ phát triển nhanh, chống chịu sâu bệnh tốt, rất thích hợp với điều kiện khí hậu miền núi cao được ông và chi hội chọn đưa vào sản xuất. Trên diện tích nhận khoán, giống lúa lai Nhị ưu 838 được trồng cho năng suất 58tạ/ha, bình quân mỗi vụ thu về gần 9,5 tạ lúa. Để đảm bảo thời gian sinh trưởng cho cây trồng, Chi hội CCB bản Hội 3 còn đảm nhận cải tạo 2 tuyến mương dẫn nước tưới tiêu vào ruộng cho toàn xã. Mỗi vụ thu hoạch xong, xã trả cho quỹ hội thêm 2 tạ lúa. Nguồn quỹ của Chi hội CCB bản Hội 3 ngày càng lớn, cho được nhiều hội viên vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
 
Thấy Chủ tịch Tích cùng các CCB bản Hội 3 trồng lúa mà làm được nhiều việc, các CCB ở  bản khác cũng đến học hỏi cách làm, muốn được tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế của hội.
 
Từ chuyện trồng lúa trên đất nhận khoán, các CCB bản Hội 3 có thêm lương thực để chăn nuôi trâu, bò tăng thêm nguồn thu nhập. Nhờ vào việc làm đó, nhiều gia đình CCB không còn bị đói, không phá rừng, không trộm cắp, con cái được đến trường học tập. Gia đình hội viên Lim Xuân Bảo ở bản Lè, nhờ ông Vi Thành Tích hướng dẫn tham gia vào nhận thầu ruộng với bản, nay đã thoát nghèo. Ông chia sẻ: Từ khi có quỹ hội giúp đỡ, gia đình tôi thay đổi rất nhiều. Gia đình tôi đã làm được nhà mới, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, không còn cảnh thiếu đói, nhất là đói giáp hạt hàng năm, mua sắm được các phương tiện đồ dùng sinh hoạt trong gia đình”.
 
Ông Tích còn đưa ra sáng kiến cho các hội viên CCB của bản Việt Hương quyên góp số tiền quỹ được 32,6 triệu đồng, lấy số tiền này giúp cho hội viên nghèo vay với lãi suất thấp hơn lãi suất vay Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình. Từ phong trào này đã xuất hiện 10 hội viên cho thu nhập mỗi năm từ 60 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Bà Hoàng Thị Huân chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi rất nghèo ở trong chiếc lán chỉ có 1 đến 2 gian, nhưng khi vay được vốn của hội, gia đình đã phát triển trồng mía, chăn nuôi bò, chắt chiu tiền làm được nhà để ở. Gia đình rất vui”. Đánh giá về đảng viên Vi Thành Tích, ông Ngân Văn Việt, Chủ tịch Hội CCB Quỳ Châu cho biết: “Đồng chí Tích thực sự là tấm gương sáng cho hội viên học tập và làm theo. Lời nói và việc làm của đồng chí luôn đi đôi với nhau, cụ thể như vận động anh em làm ruộng, xây dựng quỹ hội cho hội viên vay không lấy lãi để xóa đói, giảm nghèo”.
 
Với những việc làm thiết thực của ông Vi Thành Tích – một CCB người Thái ở vùng núi Quỳ Châu, có thể thấy, bà con dân bản nơi núi rừng Tây Bắc của quê hương Bác đã hoàn toàn đúng, khi suy tôn ông “là niềm tự hào” của họ, là điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những việc làm của ông Vi Thành Tích còn là minh chứng thuyết phục khẳng định “làm theo Bác chính là những hành động thiết thực, cụ thể ngay nơi mình sống, làm việc, với những người  đồng đội, đồng nghiệp, bà con mà mình gắn bó hàng ngày”.
 
Như Trang