(Baonghean) - Về vùng miền núi huyện Yên Thành, chúng tôi ấn tượng với thương binh Nguyễn Văn Thuấn, ở xóm 14 B, xã Mỹ Thành. Ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn nhiều lần xung phong đi đầu hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới…
 
Năm 1978, ông Nguyễn Văn Thuấn phục viên trở về địa phương với nhiều thương tích. Không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, người thương binh 4/4 ấy đã mày mò tìm đủ mọi phương cách để làm kinh tế. Sau nhiều lần trăn trở, sẵn có nghề cơ khí được học trong quân đội, ông Thuấn mở tiệm sửa chữa cơ khí phục vụ bà con trong vùng. Ban đầu chỉ sửa chữa những dụng cụ gia đình, như ắc quy, dán nồi, dán chậu... Sau một thời gian tay nghề vững, có kinh nghiệm hơn, ông nhận sửa chữa cả xe đạp điện, xe máy và thay thế phụ tùng ô tô... 
 
images817793_anh_ong_thuan_dang_huong_dan_nghe_cho_tho.jpgÔng Thuấn làm việc tại xưởng sửa chữa cơ khí của gia đình.
 
Ông tự, tìm tòi sáng chế ra máy cày bừa, máy chế biến thức ăn gia súc, máy cắt rau, cắt cỏ, cắt chuối, giảm thời gian và chi phí cho người dân quê ông. Hiện nay, máy xay tổng hợp rau, củ, quả và xương do ông sản xuất đã được các trường mầm non trên địa bàn huyện tin dùng, xuất đi một số xã ở các huyện Đô Lương, Diễn Châu. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thuấn còn đào tạo nghề và tạo việc làm cho 6 lao động trong xã với mức lương từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ông mở xưởng cơ khí riêng cho ba người con trai làm ăn. Anh Nguyễn Văn Tư (con ông Thuấn) ra ở riêng tại xóm 8, xã Mỹ Thành cho biết: “Nhờ cha đào tạo nghề nên đến nay tôi đã tự mở xưởng riêng, công việc làm ăn cũng khá giả, tôi cũng đã tạo việc làm cho 2 công nhân với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng”.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thuấn còn là một điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Mỹ Thành. Năm 2011, khi xã có chủ trương giải tỏa đất mở đường liên xã, liên thôn xây dựng nông thôn mới, ông là một trong những người đi đầu hiến đất cho xã. Năm 2012, ông xung phong hiến thêm đất, dỡ bỏ tường rào, tự tháo dỡ quán của nhà mình để làm đường giao thông. Nói về việc hiến đất, ông Thuấn chia sẻ: “Khi xã có chủ trương kêu gọi nhân dân hiến đất, tôi nghĩ mình là người lính Cụ Hồ thì phải gương mẫu đi đầu, vì thế tôi đã hiến 250m2 đất, tháo dỡ ốt, tường bao quanh nhà. Nếu xã còn kêu gọi, gia đình tôi sẽ lại tiếp tục hiến đất mở đường”.
 
Làm giàu cho bản thân và gia đình, đào tạo nghề cho con em trong xã và sẵn sàng hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới, thương binh Nguyễn Văn Thuấn đã học tập Bác bằng những việc làm cụ thể, góp phần vào phong trào XĐGN ở cơ sở.
 
Quỳnh Trang (Đài Yên Thành)