(Baonghean) - Mới đây, cùng đoàn công tác của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đến thăm và làm việc tại Trại giam số 6 Thanh Chương. Giữa sân phân trại K1, trời nắng chang chang, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nam bác sỹ trong bộ blouse trắng, đang dùng ống nghe khám bệnh cho một phạm nhân với những vết chạm trổ quanh mình, xen lẫn đó là nhiều nốt lở loét khiến nhiều người phải rùng mình, ớn lạnh. Bác sĩ trẻ ấy vẫn ân cần khám bệnh, tư vấn cho phạm nhân đó mà không hề có sự kỳ thị hay phân biệt nào. Kết thúc ca khám bệnh, phạm nhân rưng rưng xúc động khi được bác sỹ nắm chặt tay, khuyên bảo cải tạo cho tốt và uống thuốc đúng liều. Người bác sỹ trẻ ấy chính là Trần Văn Cương, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An… Anh được đồng nghiệp tôn vinh là tấm gương sáng tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. 

Năm 2004, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội với tấm bằng loại ưu, được nhiều bệnh viện mời ở lại công tác nhưng anh đã chọn Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bằng sức trẻ, tài năng và tinh thần xung kích anh nhận nhiệm vụ ở khoa chuyên môn khó - Khoa Hồi sức cấp cứu. Năm 2011, anh được giao trách nhiệm Trưởng Khoa Cấp cứu. Với đặc thù của khoa là điều trị cho bệnh nhân nặng nên anh luôn coi trọng việc chẩn đoán ban đầu để có biện pháp hỗ trợ tích cực trong cấp cứu.
 
Qua kinh nghiệm thực tiễn, anh đã tìm ra cho mình cách tiếp cận bệnh nhân nhi hiệu quả bằng ánh mắt, cử chỉ, tuỳ từng trường hợp bệnh nhân để thăm khám, gây thiện cảm và tạo lòng tin, bình tĩnh đối với các cháu. Nếu trong một lúc có nhiều bệnh nhi nhập viện, bằng nghiệp vụ quan sát, kinh nghiệm nghề nghiệp anh ưu tiên xử lý ngay trường hợp nguy kịch. Vì thế  rất nhiều ca bệnh đã được anh cứu sống trong khi nếu chỉ chậm một lúc có thể dẫn đến diễn biến xấu. Điển hình như ca bệnh của một bé gái bị viêm phổi nặng, nhập viện trong tình trạng khó thở, quấy khóc. Bằng nghiệp vụ chuyên môn, anh đã thấy biểu hiện nguy kịch của bệnh nhân này. Ngay lập tức anh cho bệnh nhân thở máy, cùng với đó là đặt các dụng cụ kích phổi, sau 3 tiếng bệnh nhân tỉnh lại trong sự vui mừng khôn tả của gia đình. Đây cũng là cơ sở để anh thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh: “Ứng dụng phương pháp điều trị hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bằng surfactant và đề xuất triển khai tại một số bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh Nghệ An”. 
 
images813199_4c.jpgBác sỹ Trần Văn Cương khám bệnh cho bệnh nhi.
Trên cương vị trách nhiệm quản lý được giao, trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống bác sỹ Trần Văn Cương luôn luôn nêu gương, nhận những phần việc khó về mình, ân cần bày vẽ cho những bác sỹ trẻ mới ra trường, tiếp thu, học hỏi những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm. Đồng nghiệp còn cảm phục anh vì tinh thần làm việc hết trách nhiệm, xem bệnh nhân như con, cháu của mình. Có những ca bệnh nặng, anh nhận trực theo dõi diễn biến thâu đêm cho đến lúc bệnh nhân ổn định anh mới trở về phòng. 
 
Trên vai trò là một hướng dẫn viên cấp cứu, chăm sóc hồi sức sơ sinh, anh đã cố gắng đem hết khả năng của  mình tham gia các khoá đào tạo cho nhân viên bệnh viện cũng như đi tập huấn cho các bệnh viện huyện trong tỉnh. Trong công tác quản lý, để tăng hiệu quả công việc chuyên môn trong bối cảnh quá tải bệnh nhân, anh gương mẫu nghiêm túc thực hiện và luôn đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, nhân viên trong khoa duy trì hoạt động quản lý chất lượng ISO 9001.2008. Trao đổi về vấn đề y đức cần có đối với một người thầy thuốc, bác sỹ Trần Văn Cương chia sẻ: “Y đức của một bác sỹ chính là sự quyết liệt trong việc cứu chữa bệnh nhân dù chỉ còn một tia hy vọng nhỏ nhoi, và là phải xem bệnh nhân như người nhà, họ ốm như mình ốm. Lời dạy đó của Bác Hồ trong bức thư gửi các y, bác sỹ tôi luôn đau đáu khi theo nghề chữa bệnh cứu người”.
 
Bài, ảnh: Thanh Nga