Chị Phạm Thị Hương Lan (28 tuổi) ở xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông nên chị Lan luôn nuôi chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Vì thế chị đã từ bỏ công việc thu nhập ổn định ở thành phố Hà Nội về nhà nuôi lợn, chăm gà.

Quyết định của chị đã bị gia đình, bố mẹ, anh em, hàng xóm phản đối, rằng đi học là để thoát li không phải chân lấm tay bùn, có việc làm ổn định, làm bố mẹ được “mở mày, mở măt”...”Ngày bỏ về bố mẹ phản đối kịch liệt lắm, đầu tiên thì khuyên ngăn sau thấy mình quyết tâm quá nên không nói gì nữa, nhưng bố mẹ lại tỏ ra thất vọng kinh khủng“ chị Lan nhớ lại.

103651-3_thumb.jpg

Chị Phạm Thị Hương Lan quyết định bỏ công việc trên thành phố về quê lập nghiệp.

Chị Lan chia sẻ, năm 2012, tốt nghiệp chuyên ngành báo chí của Trường Đại học Khoa Học Huế , chị xin vào làm ở VOV. Trong quãng thời gian công tác tại đây, chị cũng được tiếp xúc được khá nhiều mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao và đồng thời chị cũng lập gia đình.

Đồng lương ổn định, nhưng cả 2 vợ chồng đều có chung khát vọng làm giàu bằng nghề nông trên mảnh đất quê hương nên đã thôi thúc chị. Chính vì thế chị quyết tâm nghỉ việc về nhà, đem những kiến thức đã học được vào áp dụng sản xuất tại gia đình.

“Ngày đầu khởi nghiệp 2 vợ chồng gặp muôn vàn khó khăn, cái khó khăn lớn nhất với tôi là nguồn vốn eo hẹp, chỉ vỏn vẹn có 30 triệu đồng. Nhưng rất may mắn là chồng tôi trước đó có khoảng thời gian dài làm trong viện chăn nuôi nên về mảng kĩ thuật nắm bắt khá vững” chị Lan chia sẻ.

Được sự ủng hộ của gia đình, năm 2014, chị Lan mạnh dạn vay vốn ngân hàng, cùng với vốn của gia đình và huy động sự giúp đỡ của anh, em họ hàng, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và mua con giống.

Gia đình chị Lan hiện đang nuôi hàng nghìn con gà Ai Cập hậu bị.

Vừa làm vừa tiếp tục học hỏi, nâng cao kỹ thuật. Chỉ sau 4 năm, đến giờ trang trại của chị Lan luôn duy trì hàng trăm con lợn to nhỏ, bình quân mỗi năm xuất bán 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa bình quân khoảng trên dưới 100 con con tùy theo giá cả thị trường.

Nhằm bảo vệ môi trường tận dụng hiệu quả nguồn phân thải, gia đình chị đầu tư xây dựng hầm bioga sử dụng công nghệ khí sinh học đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm cho đàn gia súc, giảm sử dụng điện lưới, chủ động điện trong sản xuất.

Ngoài ra, vợ chồng chị còn nuôi hàng nghìn con gà Ai cập, trong đó gà mái đẻ luôn duy trì hàng trăm con và hàng nghìn con gà hậu bị. Toàn bộ hệ thống chuồng nuôi lợn gà của chị Lan đều được xây dựng theo hướng khép kín, áp dụng kỹ thuật nuôi theo kiểu đệm lót sinh học nhiều ngăn, có máng ăn, nguồn nước uống tự động. Trung bình mỗi ngày thu được hàng trăm quả trứng và được bán với giá trung bình khoảng 2.500 đồng/quả.

Chị Lan cho biết, quy mô chăn nuôi lợn gà của gia đình vẫn còn nhỏ, sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình chị chỉ lãi được khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, hai vợ chồng chị cũng đang ấp ủ dự định mở rộng quy mô chăn nuôi lên để hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn hiện tại.

“Dù mức thu nhập trên tuy không cao hơn công việc cũ là mấy nhưng với mức thu nhập như thế thì có thể sống khá tốt ở quê. Ngoài ra, cuộc sống ở quê rất thỏa mái, không bị áp lực nghề nghiệp, không phải bon chen như trên thành phố, muốn làm gì thì làm...” chị Lan tâm sự.

Từ những quyết định mà mọi người cho là “khùng”, sau một thời gian kiên trì và phấn đấu, đến nay chị Lan đã chứng minh cho mọi người thấy con đường mình chọn quay lại làm nông dân là đúng. Nhưng có lẽ điều làm cho chị vui nhất đó là được làm công việc mà mình thích và được làm giàu trên mảnh đất mà mình sinh ra.