Clip: Robinson xứ Nghệ
Năm 2012, thủy điện chuẩn bị tích nước, gia đình Lang Văn Mão và hơn 1.300 hộ khác phải di dời nhà cửa, bỏ lại ruộng nương đến khu tái định cư. Nhiều gia đình chọn phương án tự di dời, đến những miền đất mới định cư. Ảnh: Phương Cường
Năm 2013, trước cuộc sống khó khăn ở khu tái định cư, nhiều thanh niên trong làng đã bỏ xứ đi đến các vùng miền khác để làm ăn, riêng Lang Văn Mão trở về các đảo heo hút trên hồ thủy điện Hủa Na để tìm kế sinh nhai. Ảnh: Phương Cường
Từ bến thượng lưu, Mão đánh thuyền máy hơn nửa giờ đồng hồ tìm cho mình một ốc đảo dựng chòi và bắt tay vào làm kinh tế. Ảnh: Phương Cường
Cuộc sống của những ngày đầu một mình anh vật lộn với bao khó khăn bủa vây và đằng đẵng nỗi lo sợ về thất bại. “Lúc đầu tôi chọn hòn đảo làm nơi định cư để đánh bắt cá mang ra chợ bán và bảo vệ rừng lùng trên hồ thủy điện” - anh Mão nói. Lượng cá đánh bắt được mỗi ngày một ít đi, anh quyết định đầu tư mua lồng về nuôi cá. Mỗi năm 1 lứa, gia đình anh thu được hơn 50 triệu đồng nhờ thức ăn sẵn có trên lòng hồ. Ảnh: Phương Cường
Năm 2016, anh Mão mở rộng khu chăn nuôi, mua thêm bò, gà, vịt nuôi trên các đảo. Số lượng đàn bò và đàn gia cầm không ngừng được tăng lên mỗi năm. Đến nay anh có hơn 10 con trâu, bò và hàng trăm con gà trên đảo. Ảnh: Phương Cường
Hiện nay, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu hơn 300 triệu từ việc khai thác lùng, chăn nuôi cá, trâu bò, gia cầm và đánh bắt cá trên lòng hồ. Trong đó, việc khai thác lùng là nguồn thu chính. “Từ khoảng tháng 8 đến tháng 12 là thời gian rừng lùng mọc măng nên tuyệt đối không được chặt phá” - anh Mão cho biết. Ảnh: Phương Cường
Ngày 7/7/2017, Lang Văn Mão đại diện cho hơn 3.500 đoàn viên thanh niên huyện miền núi Quế Phong được Tỉnh đoàn Nghệ An tặng giấy chứng nhận tuyên dương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Phương Cường
Trong những năm qua, nhiều người đã đến tìm hiểu phương pháp làm kinh tế của người thanh niên đồng bào Thái huyện miền núi Quế Phong này. Ảnh: Phương Cường