(Baonghean) - Xưa nay, trong cuộc đời này, được là được mà mất là mất. Làm gì có chuyện mất mà lại là được. Nói như người Nghệ ta thì: mần chi có chuyện ngược đời ra rứa!
Ấy thế mà lại có đấy! Vừa mới có thôi và đang nóng hổi tính thời sự. Đang khiến cho bàn dân thiên hạ lo sốt vó về cái chuyện mất mà là được đó. Ấy là để dọn đường dư luận cho việc tăng giá điện sẽ diễn ra trong nay mai. Một người có vị trí “cầm trịch” ở Bộ Công thương đã phát biểu tại cuộc họp báo nói về giá điện diễn ra hôm 2/2 vừa rồi, rằng “Giá điện tăng, mọi người cùng được hưởng lợi”. Nghe xong cứ tưởng, hoặc là người nói, nói nhầm. Hoặc là người nghe, nghe nhầm. Nhưng không phải, và người đưa ra phát ngôn thuộc diện “bất hủ” đó tiếp tục dành thời gian giải thích và đưa ra luận thuyết mới rằng: Giá điện hiện nay quá thấp, thậm chí, đang được bán dưới giá thành nên nhiều tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành Điện tại Việt Nam đã rút lui, vì sợ lỗ. Nếu giá điện bán lẻ tăng, sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn vào ngành Điện, chi phí hạ, người dân, doanh nghiệp sẽ hưởng mức giá điện cạnh tranh nhất… và như vậy “ai cũng được hưởng lợi”(!).
Thề có trời đất và quỷ thần hai vai chứng giám, xưa nay mỗi lần giá điện tăng là mọi thứ đều tăng theo. Đang chỉ phải trả một đồng thì nay tăng lên hai, rõ ràng là phải mất, phải tốn thêm một đồng. Lợi đâu chưa thấy mà chỉ thấy túi tiền vốn đã thường xuyên rất eo hẹp và lép kẹp của dân thêm phần gầy guộc, mong manh. Còn với các nhà sản xuất lớn, tiêu thụ lượng điện nhiều như xi măng, phân bón, nước sạch, dệt may… thì chỉ cần mỗi kilo điện tăng thêm vài trăm đồng thì chi phí sản xuất liền đội lên hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng. Số chi phí dôi dư đó, lại được tính vào giá thành sản phẩm. Cuối cùng, người tiêu dùng, nơi tiêu thụ phải gánh chịu. Và rút cục là nền kinh tế lãnh đủ vì thiếu sức cạnh tranh. Vậy sao lại bảo tăng giá là ai cũng được hưởng lợi? Nghĩ mãi cũng không luận ra được vì sao lại có thể như thế được. Và tính toán mãi cũng chỉ thấy việc tăng giá điện chỉ duy nhất có lợi cho ngành Điện. Vì chẳng cần phải lao tâm, khổ tứ gì nhiều mà chỉ cần gạt cái kim đồng hồ tính tiền lên một chút là từ lỗ to thành lỗ nhỏ. Mà rất có thể là chuyển từ lỗ thành lãi. Từ thâm hụt sang dôi dư bạc tiền. Điều đó, xưa nay, đã rõ như ban ngày. Cần chi phải bàn thêm, nói thêm.
Cái cần bàn ở đây là mần răng người ta lại cả gan nói càn, nói lướt như vậy? Là coi thường người nghe hay là lại giở chiêu “cả vú lấp miệng em” cốt cho được công, được việc của mình mà bất chấp tất cả. Muốn tăng giá, kiếm thêm tiền từ túi thiên hạ thì cũng phải bỏ chút thời gian, công sức để tìm ra một vài lý do có vẻ chính đáng và có sức thuyết phục hơn chứ ai lại dùng cái cách ngược đời, gây sốc đến thế!?
Nói năng hàm hồ như vậy thì có mà: Nói cho Tây nghe!
Nghệ Nhân