(Baonghean) - Không phải là 10 viên, 10 lọ, hay 10 hộp! Người ta vừa bắt được một vụ sản xuất thực phẩm chức năng “nhựa” ngay ở Hà Nội với tang vật thu giữ 10 tấn! Lưu ý, đây không phải là tang vật của 10 vụ mà chỉ là 1 vụ! Không ngoa nếu gọi đây là một “nhái đại tập đoàn”.
 
Cuộc chiến với hàng giả đang đau đầu thật! Nghe thông tin này, dường như tất cả những người từng bỏ ra rất nhiều thời gian với rất nhiều triệu đồng và cả rất nhiều sự kỳ vọng để uống “viên con nhộng” nhằm giảm cân, nhằm tăng đề kháng, thậm chí nhằm chữa trị cả ung thư… đang phải gào lên tiếng nói phẫn nộ bởi sự tàn bạo của những thủ đoạn kiếm tiền bất nhẫn nhất. 
 
Hàng giả dường như có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm. Giờ đây không chỉ túi xách, giày, dép, đồng hồ, mắt kính hay quần áo nữa, mà đáng sợ hơn là thực phẩm, là thuốc, là sách, là bằng tốt nghiệp… Thậm chí họ làm giả cả tem chống hàng giả. Hàng giả thấp thoáng ở chợ Đồng Xuân, hàng giả len lỏi ở chợ Bến Thành, hàng giả còn tìm được đường vào ngự cả bên trong siêu thị. Còn ở chợ cóc, chợ huyện, chợ trung tâm thì hàng giả tất nhiên làm sao mà thiếu được. Nghe nói ở một tỉnh phía Bắc còn có cả chợ đầu mối chuyên cung cấp sản phẩm kiểu này cho… “con buôn”! 
 
Những nỗ lực của các cơ quan chức trách dường như vẫn đang như muối bỏ biển. Người ta kiểm tra, người ta phát hiện, rồi bắt, rồi xử phạt, rồi tịch thu tiêu hủy liên tục, rất liên tục! Nhưng, hình như vẫn không xuể. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi vẫn bén chân mọi ngõ ngách và hiển diện bán công khai trước cổng trường, được “nhân viên công ty” tận tình mang đến chào bán tận nhà. Không ít lần, các cơ quan có trách nhiệm thông qua phương tiện truyền thông đã phát đi thông điệp khuyến cáo người tiêu dùng hãy chọn những cửa hiệu, thương hiệu có uy tín để tránh mua phải hàng giả. Nhưng, trước những thủ đoạn tinh vi, cảm giác như người tiêu dùng bước ra khỏi nhà là lạc vào “ma trận” của hàng giả, hàng thật. 
 
Hàng nhái, hàng giả ở đâu ra? Nhiều nguồn lắm. Hàng nhái được sản xuất trong các xóm làng. Thậm chí có những công ty “nhớn” “copy” của nhau. Và có cả triệu hàng nhái được sản xuất đồng loạt từ nước ngoài rồi tràn vào nội địa.
 
Ai mua phải hàng nhái, hàng giả? Thưa rằng, bất cứ ai nếu không cảnh giác, hoặc đã rất cảnh giác nhưng thiếu… may mắn! “Nhà” sản xuất và tiêu thụ hàng giả cũng có đối tượng khách hàng và thị phần nhắm đến hẳn hoi. Họ khai thác sự thiếu hiểu biết, họ tranh thủ sự giới hạn về thông tin sản phẩm, họ gõ cửa tâm lý ham rẻ và sính mác ngoại của một bộ phận người tiêu dùng, và như thế là quá đủ để tung tác. 
 
Làm sao ngăn chặn được hàng giả? Trước hết cần nhận thức, hàng nhái, hàng giả dường như tồn tại ở mọi nơi trên thế giới kể cả các nước có nền kinh tế phát triển. Có thể coi đây như là một trong những căn bệnh của kinh tế thị trường. Chúng ta không chấp nhận “sống chung với lũ” nhưng chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng một lúc là “làm sạch” ngay được. Một trong những biện phát đấu tranh trực tiếp là cần “rà” lại các chế tài xem ta đã đủ sức răn đe hay chưa? Ngoài ra, đi cùng với các biện pháp có tính “kỹ thuật” như dán tem chống giả, in mã vạch, kiểm tra, xử lý, tiêu hủy… là nâng cao “kỹ năng tiêu dùng” của xã hội. Khi người tiêu dùng chưa quay lưng với hàng giả thì có lẽ cuộc chiến này còn lâu mới thành công được. 
 
Tuy nhiên, người tiêu dùng làm sao có thể “quay lưng” mỗi khi không nhận ra đâu là giả và đâu là thật? Thậm chí để kết luận điều ấy thì kể cả cơ quan chức năng còn phải giám định nữa là. Cái thiếu, cái khó, cái mấu chốt là ở chỗ ấy! Nên chăng, hãy tìm mọi giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng bằng cách trang bị cho họ kỹ năng “vạch mặt chỉ tên” hàng giả chứ không chỉ mải “khuyên” họ. Hàng thật có mặt mọi nơi thì hàng giả cũng có thể có mặt mọi nơi. Hình thành cho người tiêu dùng thói quen “truy vấn” chất lượng trước khi mua hàng. Giá như người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay với sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ ngần ấy thôi cũng đã là một đòn giáng chí tử rồi. Trong câu chuyện hàng giả này, người tiêu dùng hiển nhiên là nạn nhân, nhưng ở một vài trường hợp nào đó, quan sát ở một góc độ nào đó thì họ cũng gián tiếp là thủ phạm. 
 
Bảo vệ người tiêu dùng cũng là bảo vệ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chân chính. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp chính trực cũng phải vào cuộc chống hàng giả, làm lành mạnh cuộc sống. “Cuộc chiến” hàng giả, vì thế không chỉ của riêng ai. Còn không, như sáng nay một người bạn nói tếu: “Đã xe máy “tàu”, đội mũ bảo hiểm giả, rồi còn phải uống nước “đốc tơ” có… ruồi thì đúng là đau đầu thật”!
 
An Khánh