(Baonghean) - Có một việc, đã nói mãi rồi mà vẫn không chuyển. Đó là khi giá xăng giảm, mà giá cả các mặt hàng, nhất là giá cước vận tải không chịu giảm. Đến nỗi, mới đây, đích ông thân Bộ trưởng Giao thông Vận tải phải lên tiếng trên báo chí rằng, nếu cần thiết có thể vận động một cuộc tẩy chay những hãng xe không giảm giá cước.
 
Hành động đó, cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chủ quản trước việc các doanh nghiệp vận tải chây ỳ, không chịu giảm giá cước vận tải. Nhưng cũng bộc lộ sự bất lực của các cơ quan nhà nước trước sự vô cảm của các doanh nghiệp vận tải. Vì không thể đưa ra được một biện pháp hành chính mạnh mẽ có tính bắt buộc nên mới phải lên tiếng theo cách “vận động tẩy chay”. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao các cơ quan nhà nước lại phải chấp nhận “bó tay” như thế? 
 
Lý do là giá cước vận tải bằng ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, nên không thể can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính được, mà Nhà nước chỉ can thiệp các loại giá cả nằm trong diện bình ổn giá giá theo quy định của Chính phủ. Vì lẽ, theo Nghị định số 177/20013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013, thì hoạt động điều tiết giá của Nhà nước bao gồm các hoạt động: bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá... trong đó giá cước vận tải không thuộc diện bình ổn nên các cơ quan nhà nước không thể can thiệp được. Cho nên dẫn đến tình cảnh trớ trêu là chấp nhận bất lực vì phải thực hiện đúng luật. Từ đây mới thấy, trước nay, không ít người cứ kêu gào mọi thứ phải tuân theo quy luật điều tiết của thị trường, phản đối Nhà nước can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính. 
 
Vì không can thiệp, nên thực tế là 6 tháng qua, giá xăng giảm sâu 39% (25.640 đồng/lít xuống còn 15.670 đồng/lít) song giá cước taxi chỉ giảm 3 - 9%. Mới đây, nhiều doanh nghiệp còn đề nghị tăng mức giá vé từ 20 - 60%. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa xây dựng được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa nên chưa có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Do đó, vì lợi ích cục bộ họ cấu kết với nhau cùng không giảm giá. Đến lúc này mới thấy tầm quan trọng từ “bàn tay điều tiết giá cả của Nhà nước”. Và mới thấm thía, hiểu sâu vì sao Đảng, Nhà nước ta lại kiên quyết thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là để khi cần, Nhà nước vẫn can thiệp được vào thị trường theo hướng có lợi cho người dân.
 
Trong thực tế, giá cước vận tải luôn là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ, do đó người dân luôn quan tâm, theo sát mỗi diễn biến, biến động của giá cước vận tải. Vì thế rất cần sự điều thiết của Nhà nước đối với loại giá cả này. Và cách ngắn nhất, hiệu quả nhất để có thể phá hủy “thành trì” giá cước vận tải là bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hoá vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần. Phải có biện pháp mạnh mang tính hành chính bắt buộc. Chỉ kêu gọi suông sẽ không có kết quả gì!
 
Duy Hương