(Baonghean) - Ở nhiều bản làng vùng cao, người cao tuổi có xu hướng tìm vào những vùng thung lũng phì nhiêu nơi đầu khe, suối làm trang trại. Cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc phù hợp với người già và cũng là một cách để họ sống vui, sống có ích hơn giữa một bầu không khí trong lành nơi sơn dã.

Cột mốc vùng biên
 
Một ngày đầu mùa hè, đến xã biên giới Na Ngoi (Kỳ Sơn), chúng tôi gặp ông  Xồng Pa Rê trú bản Buộc Mú. Ông chuẩn bị chuyển đến căn nhà canh nương của mình trên rẫy. Chỉ cách đó dăm cây số nữa là cột mốc chủ quyền biên giới L10, trên đỉnh núi Pùxailaileng. Gọi là lán canh nương, kỳ thực đó là một căn nhà Mông mái lợp ván sa mu, nơi định cư thực sự của ông Pa Rê. Từ năm 2002, ông rời bản lên vùng núi cao này khai khẩn đất hoang. Đến giờ, ông đã có một vùng trang trại rộng chừng 3ha. Trong trang trại, ông trồng ngô, gừng, cỏ nuôi trâu bò. Gia súc thì có bò, lợn dê, gà đen… Đây là những thứ sản vật của vùng núi cao. Căn nhà lợp ván của ông như một cây nấm khổng lồ, một cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia giữa vùng miền Tây đầy nắng gió.
 
images995249_ng_y_c_ng_c__nhi_u_ng__i_cao_tu_i___r_y_ph_t_tri_n_kinh_t__trang_tr_i.jpgNgày càng có nhiều người cao tuổi ở rẫy phát triển kinh tế trang trại.
 
Ông Pa Rê nhớ lại. Hồi đầu lên lập trang trại, nơi đây còn rất hoang vu. Bầu bạn hàng ngày của ông chỉ có bầy gà, lợn, họa hoằn lắm mới có một vài người bản đi săn ghé thăm. Thấy ông chí thú với vườn nương, lại chịu khó đi vào sâu lập trang trại, các anh lính biên phòng trên chốt thỉnh thoảng ghé thăm, động viên. “Dù chưa làm giàu được nhưng bố cũng đã có một đàn trâu, bò phải bấm tất cả các đốt ngón tay mới đếm hết.” – ông Pa Rê khoe. Dù chưa thể khá lên bằng nghề làm rẫy, những người như ông Pa Rê đã và đang là những hạt nhân trong phong trào người cao tuổi làm trang trại ở xã biên giới Na Ngoi.
 
Gần đây, trên đỉnh Pùxailaileng đã có con đường tuần tra biên giới đi qua. Con đường bê tông phẳng đẹp tiện lợi, dân bản đã có thể dùng xe máy để lên rẫy. Từ đó, những nông sản như sắn, gừng cũng dễ vận chuyển về. Thế nên, những nhà ở các bản lân cận cũng vào núi lập trang trại. Cách phía dưới trang trại của ông Pa Rê là trang trại của ông Xồng Giống Mà. Ông Mà vào đây lập trang trại hơn 2 năm nay. Bắt đầu, ông cũng đã có được vài lứa mía nấu mật. Đàn gà gô từ vài chục đã lên đến trên trăm con. Chìa cho chúng tôi những khúc mía to bằng bắp tay, một giống mía chỉ còn trong những bản người Mông, ông Giống Mà chia sẻ: “Bố cũng có con làm cán bộ ngoài xã. Mình không làm cán bộ được thì làm rẫy cho tốt. Thế cũng là người có ích rồi!”
 
Người Mông là một cộng đồng rất chăm chỉ. Từ tấm bé, họ đã biết đi phát rẫy, làm nương. Đến khi về già ngoài 60, như ông Pa Rê, ông Giống Mà, họ vẫn chưa hề biết đến một ngày nghỉ ngơi. Cái chân không còn dẻo dai, mắt và tai không còn thính nhạy để lên rừng săn bắn. Tuy vậy, họ vẫn đang là những người có ích đối với gia đình và nêu gương sáng trong phong trào làm kinh tế tại địa phương.
Anh Hà Văn Khôi - cán bộ Ban Nông nghiệp xã Na Ngoi chia sẻ: “Những người như ông Pa Rê, ông Giống Mà là những cá nhân rất cố gắng trong phát triển kinh tế. Họ là những điển hình trong phong trào người thoát nghèo, làm trang trại ở xã...”.
 
Những người ở rẫy
 
Ở rẫy ăn thịt chuột
Ở núi ăn thịt sóc rừng
Ở suối cạn có ngày trôi trâu
 
Đó là những câu dân ca nói về cảnh ở rẫy của người cao tuổi vùng cao huyện Con Cuông. Ở rẫy, đã trở thành một nét đặc trưng của những người cao tuổi nơi đây. Đối với ông Lương Yên (Chi Khê – Con Cuông) thì đi ở rẫy không chỉ để phát triển kinh tế. Từ hàng chục năm nay, khi đã nghỉ hưu ông dành phần lớn thời gian cho việc nương rẫy. Nhưng điều quan trọng nhất đối với cựu chiến binh chống Mỹ này thì sống trong không gian này ông mới thực sự là chính mình. Sau giờ làm việc trên rẫy, ông Yên lại đắm mình trong những điệu lăm. Những điệu dân ca đã trở nên quen thuộc đối với ông từ thuở thiếu thời và cả những năm trong quân ngũ. Bây giờ, khi đã về ở rẫy, ông vẫn không thể xa rời những thứ mà theo ông là rất đỗi thiêng liêng, đó là những điệu dân ca truyền thống của cộng đồng. Trong căn chòi của ông lúc nào cũng sẵn chiếc sáo và chiếc đàn xi xo. Ông chơi thành thạo và rất ưa thích những nhạc cụ từ tre nứa này. Vào buổi trưa hè hay đêm thanh vắng, tiếng sáo của ông lại vang khắp “bản Xăn”, tên gọi ông tự đặt cho cái quần cư ở rẫy nhỏ bé và thân thiết của mình. 
 
Người cựu chiến binh mang trong mình chất độc da cam, chia sẻ rằng, đối với ông không có một nơi an dưỡng nào tuyệt vời hơn giữa màu xanh núi rừng và trong niềm vui lao động. Trong trang trại, ông gây dựng từ nhiều năm nay, bây giờ đã mang lại những mùa quả ngọt. Cuộc sống vui thú nơi điền viên giúp ông vợi bớt phần nào nỗi buồn phiền.
 
Tại huyện miền núi Con Cuông, nhiều khoảnh rừng đang có sự hiện diện của những người cao tuổi phát triển kinh tế hộ. Những trang trại với quy mô vừa và nhỏ giúp họ có những đóng góp quan trọng đối với gia đình vào cộng đồng. Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Hội NCT huyện Con Cuông, thì ngoài thung lũng Tung Cồng (Yên Khê) còn có thung lũng Hảy Tung (bản Tân Sơn), bản Khe Rạn (Bồng Khê) cũng có nhiều trang trại nhỏ của người cao tuổi. Ở rẫy đang trở thành phong trào sôi nổi của người cao tuổi vùng cao…
 
Hữu Vi