(Baonghean) - Khi đặt chân đến với mảnh đất biên cương Tri Lễ (Quế Phong), chắc hẳn mỗi người đều có ấn tượng sâu đậm đối với khung cảnh và sự vật nơi đây. Đó có thể là làn sương mây dày đặc giăng lối Bù Chồng Cha, những con đường quanh co hiểm trở, những nếp nhà lợp gỗ sa mu nhuốm màu cổ kính của đồng bào Mông, những ngôi nhà sàn cổ của đồng bào Thái, những vườn chanh leo tràn đầy sức sống... Với chúng tôi, ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất này chính là những thửa ruộng bậc thang chạy men theo những sườn núi.
 
images995361_dsc_0892.jpgNhững thửa ruộng bậc thang ở Tri Lễ (Quế Phong)
 
Mùa Đông năm trước, theo chân các đoàn viên Chi đoàn UBND huyện Quế Phong vào tặng quà và áo ấm cho trẻ em bản Huồi Mới 1, chúng tôi thực sự mê mẩn trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang bắt gặp trên đường. Lúc ấy, bà con đang chuẩn bị vụ cấy, mọi người đang cùng nhau be bờ, đắp nước. Gần như thửa nào cũng “no” nước. Từ lưng chừng con dốc lên Huồi Mới, tranh thủ nghỉ chân và hướng tầm mắt bao quát về phía trung tâm xã Tri Lễ, trong mắt chúng tôi hiện lên một bức họa hùng vỹ mà điểm nhấn chính là những đường cong uốn lượn và cao dần theo từng nấc của những thửa ruộng bậc thang. Chợt liên tưởng đến cảnh ít lâu nữa, khi cây lúa được gieo cấy, bén xanh, tới thì con gái, trổ hạt đơm bông rồi cuối cùng là chín vàng chắc hẳn bức tranh ấy càng trở nên lung linh, quyến rũ. Nghĩ tới sự hấp dẫn của bức tranh với gam màu vàng chủ đạo, chúng tôi quyết định sẽ trở lại Tri Lễ đúng vào mùa lúa chín để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ cùng nụ cười của những người nông dân nơi vùng cao này.
 
Những thửa ruộng bậc thang ở Tri Lễ (Quế Phong)
 
Mới đây, Xồng Bá Cha - anh bạn người Mông ở bản Minh Châu nhắn tin: “Lúa trên này đã chín vàng, ruộng bậc thang màu vàng đẹp lắm, nhà báo tranh thủ lên xem, ít hôm nữa bà con gặt hết sẽ không xem được nữa đâu!”. Nhận được dòng tin này, chúng tôi vội vàng thu xếp công việc rồi ngược rừng lên Tri Lễ để thỏa nguyện mơ ước được chiêm ngưỡng sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang ở miền Tây xứ Nghệ. Sau một đêm nghỉ lại ở Thị trấn Kim Sơn, sáng mai chúng tôi mượn “con ngựa sắt” vượt Bù Chồng Cha, qua Thị tứ Châu Thôn rồi thẳng tiến lên Tri Lễ. Mùa hè, trời nắng như đổ lửa nhưng do ưu thế về độ cao nên dải đất biên cương này có vẻ như mát mẻ hơn. Anh bạn Xồng Bá Cha cho rằng Tri Lễ thấp hơn từ 3-5 độ C so với Thị trấn Kim Sơn. Có lẽ vì thế mà cái nắng ở đây dễ chịu hơn, ngọn gió cũng mát lành hơn. Đây cũng chính là lý do dẫn đến việc những thửa ruộng ở Tri Lễ sinh trưởng chậm hơn, trong khi vùng thấp cơ bản đã gặt xong thì cây lúa ở đây mới bắt đầu ngả sang màu vàng. 
 
Những thửa ruộng bậc thang ở Tri Lễ (Quế Phong)
 
Chúng tôi dừng xe ở bản Đôn, nơi bắt đầu có những thửa ruộng bậc thang chín vàng. Ở đây có một cánh đồng khá rộng chạy giữa thung lũng, chung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Do diện tích trải dài nên ruộng ở đây bờ thửa không cao lắm nhưng vẫn có nét hấp dẫn riêng. Nếu ví đây là một bức họa thì cánh đồng chín vàng với những đường lượn sóng chính là tâm điểm. Chung quanh là bản làng ẩn hiện dưới rừng cây, xa hơn nữa là những dãy núi điệp trùng, tít tắp. Bức tranh kỳ vỹ ấy có sự giao thoa giữa bàn tay tạo tác của thiên nhiên, đất trời và bàn tay con người xây nên sự sống. Nó gợi lên sự no ấm, tươi vui của bản làng, của mỗi nóc nhà. Tình cờ, chúng tôi gặp ông Lô Văn Bình đi thăm ruộng. Bước chân ông mê mải, bàn tay ông xuýt xoa những bông lúa nặng trĩu đã cúi gập mình. Chúng tôi cảm nhận được phần nào niềm vui sướng của lão nông khi có một mùa vàng bội thu, khi những tháng ngày phía trước không phải lo cái ăn, cái đói. Ông Bình cho hay, cánh đồng với những thửa ruộng bậc thang của bản Đôn đã có từ rất lâu đời. Nghĩa là từ khi ông sinh ra, cánh đồng trước bản đã trải dài, mang lại nguồn sống cho bao thế hệ. 
 
Rời cánh đồng bản Đôn, chúng tôi sang bản Nóng 1- cái tên bản dễ gợi lên cảm giác ngột ngạt nhưng thực tế không phải vậy. Ngược lại, đến đây bỗng thấy sảng khoái hơn khi ngồi bên hiên nhà sàn ngắm vẻ đẹp của ruộng bậc thang phía trước. Những làn gió mát rượi từ cánh đồng thổi vào mang theo hương lúa thơm nức. Đến đây một lần chắc hẳn không mấy ai quên được mùi thơm tinh khiết tỏa ra từ những thửa ruộng đang chín, là sự kết tinh của mạch nước, khí trời và công sức con người bao thế hệ. Hỏi chuyện cụ Lương Văn Xuyên, một trong những người lớn tuổi nhất bản Nóng 1 về sự ra đời của những thửa ruộng bậc thang, cụ trả lời: “Ồ! Nó có từ lâu lắm rồi. Hồi tôi còn thanh niên, ở đây đã có nhiều ruộng. Sau này bà con tiếp tục khai hoang, mở rộng để có thêm nhiều cái ăn...”. Dõi cặp mắt về những thửa ruộng đang “leo” lên sườn đồi phía trước, cụ Xuyên thong thả buông lời: “Lúa năm nay được mùa, bản năm nay lại no, vài ngày nữa dân bản sẽ bắt đầu gặt...”. 
 
Mặt trời đã gần đứng bóng, chúng tôi vẫn quyết định vào Huồi Mới 1. Dọc đường, qua các bản làng được chứng kiến và cảm nhận hết niềm vui của bà con Tri Lễ khi năm nay đã có một mùa vàng. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng hò reo của trẻ nhỏ, tiếng máy tuốt lúa rào rào như không nghỉ. Đường vào Huồi Mới 1 vẫn còn hết sức gian nan với một lối mòn trên sườn núi và vô số khúc cua, vực sâu thử thách tay lái. Đến lưng chừng dốc, lại dừng chân để phóng tầm nhìn về phía trung tâm xã. Lần này, không phải liên tưởng hay tưởng tượng như lần trước nữa, trước mắt chúng tôi đã hiện ra một bức tranh kỳ vỹ với gam màu vàng chủ đạo. Vậy là niềm mơ ước được chứng kiến vẻ quyến rũ, gợi cảm của những thửa ruộng bậc thang nhìn từ trên cao, vào mùa lúa chín đã thành hiện thực. Lúc này, chúng tôi thực sự gác bỏ lại một bên những lo toan bộn bè của cuộc sống, tạm rời xa cái ngột ngạt và oi bức của phố phường. 
 
Chúng tôi gọi những thửa ruộng bậc thang chín vàng dưới chân núi là những “nấc thang no ấm”. Những “nấc thang” này là kết quả sáng tạo của đồng bào vùng cao, khi mặt bằng để khai hoang ruộng nước không nhiều, phải bạt các sườn đồi để làm nên những thửa ruộng, vừa tiện lấy nước từ trên đỉnh núi, vừa giữ được nước ở lâu trong chân ruộng. Vì lẽ thế mà những thửa ruộng bậc thang có một vẻ đẹp riêng, đó là sự mềm mại của những bờ ruộng và thửa ruộng uốn cong theo từng tầng bậc, làm nên vẻ lãng mạn và quyến rũ. Khung cảnh hùng vỹ và hoang sơ này chắc hẳn sẽ làm say lòng bao du khách đến từ miền xuôi. Nói cách khác, những thửa ruộng bậc thang ở Tri Lễ chính là tiềm năng giúp địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đó cũng là nơi vẫy gọi những con người ưa thích khám phá phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ, bản sắc của mỗi bản làng…
 
Công Kiên