(Baonghean) - Không được sống trong đầy đủ như trẻ em thành thị, trẻ em nghèo miền núi Kỳ Sơn tự tạo cho mình những niềm vui giản đơn trong ngày hè ngập nắng. Nhiều em phải vất vả mưu sinh, phụ giúp gia đình kiếm tiền để mua sắm sách vở, chuẩn bị cho năm học mới…
Em Hạ Quốc Phòng (xã Mường Típ, Kỳ Sơn) hiện học ở Trường THCS DTNT huyện vui vẻ khoe: “Nghỉ hè, em cùng bố đi bắt cá trong khe hoặc đi bẫy thú trên rừng. Ăn những món tự tay mình kiếm được thật là hạnh phúc”. Cũng giống như Phòng, Ốc Văn Công ở bản La Ngan, xã Chiêu Lưu lại đi bẫy chuột làm thức ăn cho gia đình. Đó chính là công việc thường ngày, và là niềm vui của những đứa trẻ miền núi vào dịp hè.
Còn đối với đa phần trẻ em vùng cao, niềm vui ngày hè là được thỏa thích tắm thác, tắm suối, được ngụp lặn dưới nước. Dù biết là mất an toàn, nhưng các em cũng không còn chỗ chơi nào khác. Một niềm vui khác mà các bạn nhỏ vùng cao ao ước đó là được đi chợ biên. Nhìn các bé đầu đội nắng, chân trần rảo bước trên đường đá mà miệng vẫn líu lô nói với mẹ đủ biết chúng háo hức, vui sướng cỡ nào. Đến chợ, được ngắm nhìn nhiều loại áo quần sắc màu thổ cẩm rực rỡ, nhìn người người qua lại bán mua... trong lúc mẹ mải bán những món hàng mang đi. Đến lúc mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu mới được mẹ mua cho vài cái bánh rán hoặc bịch bỏng ngô, sang hơn thì được ăn chè hoặc kem. “Cái kem nó bé lắm, chỉ dám mút thôi, cắn thì ba lần là hết. Về nhà có tiền cũng không ai bán mà mua”, cô bé Loong Y Mận quê tận xã Mường Típ theo mẹ đi chợ biên phân trần.
Tận mắt chứng kiến và cảm nhận được niềm vui giản đơn của trẻ em miền núi, chúng tôi không khỏi xót xa cho những thiệt thòi mà các em phải chịu. Các em dù tuổi còn nhỏ nhưng không nề hà bất cứ công việc gì như: Vác gùi đi bộ cả chục cây số vào rừng sâu để đốn củi, hái rau, bẻ măng… bán lấy tiền kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Em Vừ Y Phua ở bản Tổng Khư, xã Na Ngoi chia sẻ: “Em giúp bố mẹ phát rẫy, trồng lúa trồng ngô, ngày nào cũng dậy từ mờ đất, cơm đùm, cơm nắm lên rẫy đến lúc mặt trời đi ngủ mới trở về nhà. Mệt muốn đứt hơi luôn. Em thấy thương bố mẹ mình quá”.
Dọc con đường nắng như thiêu đốt, đặt chân lên xã Nậm Cắn – xã biên giới giáp nước bạn Lào, nơi đây chẳng khác gì chảo lửa. Tôi bắt gặp những đứa trẻ manh áo không lành đứng chơi giữa nắng bên đường và anh chị chúng đang gùi nước về nhà. Mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc, tóc vàng hoe, bết lại. Những bàn chân trần răn nứt nhảy lò cò trên con đường đá dăm khiến lòng tôi se sắt. Những ngôi nhà thưng gỗ im ỉm cửa đóng then cài. Mùa này, dân bản ở trên rẫy nhiều hơn ở nhà. Chỉ có mấy chị em của một ngôi nhà ở bản Thạch Thành đang giã gạo. Đó là công việc vất vả. Đứa chị tên Quy học lớp 8 mà bé như học sinh tiểu học. Thấy người lạ bấm máy ảnh, mấy đứa nhỏ nhìn nhau rồi khúc khích cười nhưng vẫn không quên cố gắng nhún chân bàn đạp vào cối. Quy nói: “Bố mẹ và các anh đi rẫy, em vừa trông nhà, trông 5 đứa em và giã gạo. Đến bữa thì đi lấy nước về thổi cơm. Chiều tối mẹ đưa rau hái trên rừng về nấu”. Khi được hỏi có phải tắm cho các em không thì Quy lắc đầu “chúng nó tự tắm ở các ống nước chảy trên suối về”. Sau khi giã gạo xong, việc đãi vỏ, nhặt thóc là của chị, mấy đứa em Quy ùa nhau chạy đến ống nước ghé đầu cho nước tràn vào miệng, lên mặt, lên người.
Xuôi về Thị trấn Mường Xén, vách núi đã che bóng nắng nhưng gió Lào vẫn hầm hập thịt da. Dưới dòng Nậm Mộ đã cạn thành khe (vì có nhà máy thủy điện ở xã Tà Cạ ngăn đập) có không ít người đang gò lưng đãi vàng. Vi Chiến Thắng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, chưa học hết cấp II nhưng kinh nghiệm đãi vàng có từ năm 10 tuổi: “Lúc nhỏ, em theo cha mẹ phụ giúp, đến bây giờ quen rồi, bố mẹ đi rẫy thì em đi một mình. Mùa hè, nước cạn, dễ làm hơn mùa mưa nên phải tranh thủ. Có khi làm cả đêm luôn”. Xung quanh, có nhiều em còn ít tuổi hơn Thắng cũng theo bố mẹ ra sông đãi vàng. Cũng bơm nước, hất sỏi, chạy tới chạy lui bưng bê như những lao động thực thụ. Dường như tuổi thơ của các em đã trôi theo dòng nước trên con sông đục ngầu này.
Biết đến bao giờ trẻ em vùng cao mới thoát khỏi nỗi lo áo cơm cùng gia đình để biết mùi vị đích thực của mùa hè tuổi thơ!?
Mạc Khuê