(Baonghean) - Ở xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn) có cụ Nguyễn Đình Tùng năm nay bước qua tuổi 102, nghĩa là cụ đã đi qua hơn một thế kỷ. Ở độ tuổi này, cuộc đời trải qua bao sóng gió, thăng trầm, có nhiều thứ cụ Tùng không còn nhớ rõ, nhưng nhắc tới những ngày Thu tháng Tám lịch sử trên mảnh đất quê hương, ký ức của cụ như vẫn tươi mới, vẹn nguyên...

Ký ức mùa thu
 
Một chiều tháng Tám, nắng mùa Thu rải ánh vàng xuống các ngọn núi, cánh đồng và dòng sông, chúng tôi tìm về Vĩnh Sơn gặp cụ Nguyễn Đình Tùng để được nghe kể về những năm tháng hào hùng của 69 năm về trước. Cụ ngồi bên chiếc bàn đầy sách, lưng tựa vào chiếc ghế đẩu, mái tóc, chòm râu dài và trắng như cước, vầng trán cao, ánh mắt nhân từ, vóc dáng rắn rỏi. Cái tai đã nặng nên khi trò chuyện với cụ, khách phải dùng “bút đàm”, hoặc ghé vào tai cụ nói thật lớn. Khi biết chúng tôi hỏi về hào khí cách mạng trên mảnh đất quê hương, ánh mắt cụ Tùng chợt sáng lên, những nếp nhăn trên khuôn mặt già nua như tan biến. “Hồi nhỏ, tôi được bố mẹ cho học đến lớp Đệ tam ở Trường Cô-le Vinh. Sau đó, đi làm nghề thầy giáo...” - cụ Tùng mở đầu câu chuyện, giọng còn rõ ràng, ấm áp. Khi phong trào cách mạng được nhen nhóm trên quê hương, người thanh niên trí thức ấy sớm được giác ngộ và đứng về phía dân tộc, nhân dân.
images1030133_tr_6.jpgCụ Nguyễn Đình Tùng hàng ngày vẫn đọc báo, làm thơ.
Theo lời cụ Nguyễn Đình Tùng, vào rạng sáng ngày 18/8/1945, Phủ ủy Việt Minh Anh Sơn tổ chức cuộc biểu tình nhằm tập hợp quần chúng và thăm dò thái độ của Nhật. Trên khắp các ngả đường, nhân dân khắp nơi tràn về sân vận động trung tâm (Thị trấn Đô Lương ngày nay), mang theo cả một rừng cờ và biểu ngữ. Các đội Tự vệ đao kiếm trong tay, quần chúng hàng ngũ chỉnh tề tiến về phía sân vận động. Trên lễ đài, đồng chí Phạm Như Cương đứng lên diễn thuyết, hàng vạn quần chúng hướng lên nghe từng lời kêu gọi nhất tề đứng lên bẻ gãy xiềng xích, giành lấy tự do. Một tốp lính Nhật kéo đến, đồng chí Phạm Như Cương tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi đứng lên đánh đổ Thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, Nhật đã đầu hàng đồng minh nên các ông đừng can thiệp”. Thấy đội ngũ quần chúng tràn đầy khí thế và sức mạnh, lính Nhật không dám manh động, một lúc sau phải rút đi. Bà con nhân dân hồ hởi trở về trong niềm vui thắng lợi và tiếp tục chuẩn bị khẩn trương cho ngày Tổng khởi nghĩa. Khắp nơi rực màu cờ và biểu ngữ, hàng ngày Việt Minh liên tục loan báo tin tức khắp mọi miền đất nước giành được chính quyền, đọc Lệnh Tổng khởi nghĩa để cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân...
 
Đêm 22/8/1945, tiếng trống, tiếng mõ và thanh la vang lên khắp vùng, các đội Tự vệ chia thành 4 hướng tiến vào đồn Kim Nhan, nơi có đông lính Nhật. Trước khí thế chiến đấu của lực lượng tự vệ cách mạng, cai và lính đồn Kim Nhan phải hạ vũ khí đầu hàng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cổng đồn, báo hiệu căn cứ lớn nhất của địch ở Anh Sơn đã về tay cách mạng. Cùng lúc đó, hàng vạn đồng bào từ Quan Lãng kéo xuống, từ Tri Lễ, Đại Điền đi lên, từ Lãng Điền, Hội Tiên tiến qua, tràn vào chứng kiến cảnh địch đầu hàng vô điều kiện. Rồi bà con nhân dân lại trở về địa phương mình tiếp tục đấu tranh với bọn hương hào, lý trưởng để giành chính quyền. Toàn bộ hệ thống chính quyền địch từ tổng đến làng ở vùng Đặng Thượng về tay Việt Minh, Ủy ban Cách mạng lâm thời được thành lập do đồng chí Nguyễn Bá Huỳnh làm chủ tịch. Tiếp sau, các đồn trong phủ Anh Sơn lần lượt giao nộp vũ khí cho cách mạng. Sáng ngày 23/8, cụ Tùng theo chân hàng vạn quần chúng kéo về phủ đường Anh Sơn, chứng kiến giờ phút huy hoàng trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Tại đây, chính quyền cách mạng lâm thời chính thức ra mắt nhân dân, đánh dấu việc xoá bỏ vĩnh viễn của chế độ thực dân - phong kiến. Niềm vui chiến thắng vỡ oà!
 
Miền quê nhiều thay đổi
 
Dừng một lúc như để “lập trình” tiếp câu chuyện, rồi cụ Nguyễn Đình Tùng lại thong thả: “Mới đó mà đã 70 năm rồi, vùng quê này đã có biết bao sự thay đổi...”. Trước tiên là sự đổi thay trên chính quê hương Vĩnh Sơn, nơi ngày xưa chỉ biết đến sắn, ngô, nay đã phủ lên màu xanh no ấm. Sắn, ngô ngày càng nhiều nhưng không phải để ăn hàng ngày như trước, mà đã trở thành hàng hóa. Nhà cửa giờ đã khang trang, nhiều tuyến đường đã được rải nhựa và bê tông. Về Vĩnh Sơn giờ không còn cảnh “lụy đò” vì đã có chiếc cầu treo nối đôi bờ dòng Lam hiền hòa, thơ mộng. Bên kia sông là đất Yên Phúc (Phúc Sơn), một trong những “làng đỏ” anh hùng trong phong trào Xô Viết, nay cũng xanh ngời sắc màu ngô, lúa. Dưới chân núi Kim Nhan là những trang trại cho thu nhập cao, những ao cá, vườn đồi, vườn cam chín mọng. Con đường từ trung tâm huyện vào bản Cao Vều, nơi vùng sâu biên giới, từng là “căn cứ cách mạng” đã được đầu tư rải nhựa, việc đi lại trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Con đường Hồ Chí Minh năm xưa luồn lách giữa núi đồi rậm rạp, nay được rải nhựa phẳng lỳ, đã “thức tỉnh” người dân các xã Cao Sơn, Khai Sơn tưởng chừng mãi “ngủ quên” quanh những sườn đồi vắng lặng. Nhờ đó, chè Gay, một loài cây chỉ hợp với vùng núi đồi cằn cỗi Cao Sơn, do điều kiện dinh dưỡng và khí hậu khắc nghiệt nên lá chè thon nhỏ lại và lưu giữ được hương vị đậm đà, đã trở thành hàng hoá. Ngã tư Khai Sơn, nơi giao nhau giữa tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 7A ngày càng đông vui, nhộn nhịp. Cây đa Tri Lễ, nơi tập trung của hàng vạn quần chúng trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930- 1931) và  cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa Thu tháng Tám vẫn xanh tươi và uy nghi như là một chứng tích hào hùng. Rồi đây, cây đa sẽ tiếp tục chứng kiến sự vươn lên của người dân Khai Sơn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chứng kiến sự hình thành và phát triển...
 
Ở vùng cực Tây của huyện, Thị tứ Cây Chanh (Đỉnh Sơn) cũng đang đổi thay. Vùng đất Bãi Phủ ngút ngàn sắc xanh cây chè, sản phẩm cây cam nơi đây thực sự đã trở thành hàng hoá. Các xã tả ngạn sông Lam bao đời cách trở, ước mơ chẳng có gì hơn là một cây cầu để bớt đi bao nỗi gian nan trên những chuyến đò ngang. Nay cầu Khai Sơn, cầu treo Đức Sơn đã thông thương, cầu Cây Chanh, cầu Đò Rồng đã thực sự “nối những bờ vui”, xoá tan bao cách trở. Các xã Thành- Bình- Thọ năm xưa vốn là thung lũng  bạt ngàn lau lách, đất đai màu mỡ nhưng cuộc sống vẫn đói nghèo. Vùng đất này giờ đã thành vùng chuyên canh mía.
 
Xuôi về xã Hùng Sơn, những đồi cỏ tranh, cây dại đã được thay bằng màu xanh của cây chè, cây keo... Bất ngờ trước những thông tin giàu tính “thời sự” mà cụ già 102 tuổi nắm rõ, chúng tôi liền hỏi: “Không mấy khi ra khỏi nhà, sao cụ biết rõ như thế?”. Cụ Tùng đáp: “Những vùng đó trước đây tôi đều đã đến, giờ không đi được thì tôi đọc báo, hỏi người khác để biết thông tin. Nếu không vậy thì lạc hậu lắm!”. Càng bất ngờ hơn khi được nghe cụ nói tiếp: “Vừa rồi, tôi mới đọc được tờ báo nói về việc Trung Quốc đã rút giàn khoan khỏi biển Hoàng Sa. Chiến tranh là mất mát, đau thương, nếu họ cứ làm căng ta cứ đấu tranh, sợ gì...”!
 
Vần thơ ân nghĩa
 
Sau Cách mạng, cụ Nguyễn Đình Tùng tham gia dạy bình dân học vụ. Khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cụ hăng hái gia nhập quân ngũ và được giao làm nhiệm vụ đặc biệt. Về hưu, cụ Tùng vui vẻ với con cháu ở quê và tham gia công việc ruộng vườn, đồng áng để “cái tay, cái chân đỡ tù túng”. Giờ đây, niềm vui lớn nhất của cụ là được chứng kiến con cháu trưởng thành, nhiều người tham gia quân đội (2 người con trai là đại tá), có người là kỹ sư, có người sang Nhật du học... Tuổi cao, không còn đủ sức rong chơi và vui vẻ với ruộng vươn, cụ Tùng lại tìm thấy niềm vui trong từng trang sách và vần thơ. Hằng ngày thức dậy, cơm nước xong cụ lại ngồi vào bàn, đọc rồi ngẫm nghĩ, rồi viết... Cụ chia sẻ: “Tay chân mình đang còn hoạt động được, mắt còn nhìn thấy, đầu vẫn còn có thể suy nghĩ, nên phải tích cực hoạt động để các mạch máu được thông suốt và đầu óc thêm minh mẫn”. 
 
Cụ Tùng là thành viên của CLB Thơ xã Vĩnh Sơn. Vài năm trước, cụ vẫn còn đủ sức chống gậy đến tham dự các buổi sinh hoạt, nay sức đã yếu hơn đành ở nhà xướng - họa, rồi nhờ con cháu gửi đến các thi hữu gần xa. Cụ có rất nhiều bạn tâm giao, tuy không thường xuyên gặp nhau nhưng qua những bài thơ được gửi đi và gửi đến, tình nghĩa bạn bè luôn ấm nồng. Đây là những vần thơ của một người bạn cũ từng làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở một nước châu Âu làm tặng cụ Tùng: “Thênh thang trời đất/ Mới ngày nào, thấm thoắt 60 năm/ Chốn “Đào Viên” chát chát, tùm tùm/ Sau hậu trướng, Việt Minh hội họp/ Cảnh nô lệ cười ra nước mắt/ Bỗng chia tay khi giặc tràn vào/ Nào gươm, nào súng, nào mác, nào dao/ Nào đại bác, xe tăng, máy bay, tên lửa.../ Pháp hàng, Mỹ thua, bù nhìn vỡ tổ/ Tưởng chiến trường hai đứa da ngựa bọc thân/ Tại Đô Lương kết thúc năm hai ngàn/ Bỗng tái ngộ bạn xưa tròn chín chục/ Đã tưởng chẳng còn được gặp/ Cảm ơn anh “gan góc” đến tìm tôi/ Đẹp thay!/ Tri kỷ mấy người?”. Rồi cụ Tùng lại vui vẻ chỉ lên bức trướng ghi mấy câu thơ con cháu đề tặng nhân dịp cụ bước sang tuổi 100 (Xuân 2011).
 
Cụ Nguyễn Đình Tùng đã ngồi viết hàng trăm bài thơ ghi ở hàng chục cuốn sổ. Ý này được cụ triển khai thành những câu thơ: “Trở lại tạo tình theo nhạc cựu/ Giết giờ quá rỗi, bớt ngu ngơ”. Phần lớn những bài thơ của cụ đều có nội dung ca ngợi tình bằng hữu, ca ngợi sự đổi thay của quê hương và đặt trọn niềm tin với tương lai. Đây là những vần thơ viết về cảnh đẹp quê hương Vĩnh Sơn: “Dòng Lam êm đềm chảy/ Rú Trổ đẹp mượt mà/ Vĩnh Sơn ngày càng tiến/ Làng xã nở muôn hoa”. Còn đây là những câu thơ gửi gắm niềm tin về tương lai đất nước: “Tình yêu đất nước tỏa làn hương/ Thấm đẫm trong mình muôn nhớ thương/ Ra sức làm hay, minh trí tuệ/ Cố chăm việc tốt đặng nêu gương/ Học cao trí óc nên công học/ Đường rộng bước chân cứ thẳng đường/ Nhất định khó khăn ta vượt được/ Bằng vai, ngang sức cả mười phương...”. 
 
Khách chào ra về, cụ Nguyễn Đình Tùng chỉ vào đôi câu đối trên tường nhà, ý như là một sự dặn dò: “Cũ mới hài hòa kết nối êm đềm giàu cảnh sắc/ Trước sau đằm thắm xoay vần bền bỉ đẹp tinh hoa”!
 
Bài, ảnh: Công Kiên