(Baonghean) - Trong căn nhà người Khơ mú có hai căn bếp, trong đó có một căn bếp kiêng kỵ mà khách lạ thậm chí là con gái đã về nhà chồng không được bén mảng đến. Ai phạm vào điều cấm này sẽ phải mổ lợn làm vía cho chủ nhà.

“Ma nhà” ở trong bếp
 
Câu chuyện về căn bếp kiêng kỵ này phải bắt đầu từ chuyện làm nhà, một điều cũng rất đỗi quan trọng đối với một người đàn ông Khơ mú đã trưởng thành. Trong câu chuyện dài với chúng tôi, ông Moong Phò Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) có nói như vậy. Nơi cư ngụ của ông Hoan ở bản Cha Ca 1, trung tâm xã Bảo Thắng.
images1185767_can_b_p_thi_ng_trong_nh___ng_xeo_ph__m_nh___b_o_th_ng.jpgCăn bếp thiêng trong nhà ông Xeo Phò Mạnh ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn)
Như cách nói của người vùng cao thì ông Moong Phò Hoan năm nay mới bước chân sang tuổi 49 nhưng đã “lên chức bố” cách đây đã hơn 20 năm. Là người Khơ mú nên ông Hoan hiểu rằng sau khi lập gia đình, việc quan trọng nữa của người đàn ông là phải làm nhà. Thế nhưng đối với một cán bộ chủ chốt trong xã như ông thì phải mất gần 20 năm mới hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng này. Dẫu vậy thì đó vẫn là một trong những niềm vui lớn bởi đó là một ngôi nhà sàn khang trang không phải ai trong cộng đồng cũng dễ có được. Kỳ công của 20 năm trời được đền đáp có thể gọi là xứng đáng rồi, dẫu rằng ông Hoan mới chỉ được mừng nhà mới cách đây chưa lâu. Cũng như bao nhiêu người đàn ông Khơ mú khác, ông tự hào về căn nhà của mình. Người vùng cao sẽ thấu hiểu về niềm tự hào này bởi để có được một ngôi nhà sàn là kỳ công của cả cộng đồng làng bản, chứ không riêng gì bản thân hay gia đình người chủ ngôi nhà.
Đầu trâu trong căn bếp nhà ông Moong Phò Hoan ở xã Bảo Thắng.
Trong căn nhà mới còn thơm mùi gỗ, ông Hoan nói rất say sưa về căn nhà của một người đàn ông Khơ mú. Đó không chỉ là nơi con người cư trú, “ma” cũng có một không gian riêng của mình trong nhà. Tất nhiên, đó là “ma nhà”. “Ma nhà” của người Khơ mú cư trú trong một căn bếp dựng ra để dành riêng cho những đấng linh thiêng. Đó là nơi cấm kỵ đặc biệt của ngôi nhà. Người ngoài thậm chí là con gái đã về nhà chồng tuyệt nhiên không được bén mảng đến đó. Chỉ trong một ngày duy nhất gia đình tổ chức lễ ăn trâu cho tổ tiên người ngoài mới được phép vào đó.
 
Là người hiểu biết nên Moong Phò Hoan không quá coi trọng việc cấm kỵ. Ông mở cửa gian buồng được đóng bằng gỗ kiểu cách hiện đại mời chúng tôi tham quan. Trong gian buồng có căn bếp kiêng kị. Theo ông thì chỉ cần có người nhà đi cùng thì khách lạ cũng có thể tham quan căn bếp thiêng này. Chúng tôi đã lên nhiều ngôi nhà của người Khơ mú nơi bản xa vẫn phải công nhận gia chủ có quan niệm thật tiến bộ, bởi với nhà khác, nể nang lắm họ mới cho đứng ngoài thò tay qua cửa bếp mà chụp ảnh.
 
Trong căn bếp ngoài những vật dụng nấu nướng như chiếc kiềng, những dụng cụ đồ xôi, thớt… trong bếp không thể thiếu những vò rượu cần. Cạnh chiếc bếp đắp bằng đất sét là chiếc cột “chủ nhà” được dựng bằng gỗ hay thân cây tre, nứa đều được. Cây cột là nơi hồn vía chủ nhà ở đó. Trong căn bếp cũng treo một cái đầu con trâu sấy khô còn nguyên cả sừng. Chỉ có những nhà là đã làm “lễ ăn trâu” (sẽ có trong bài viết sau của chuyên đề này) mới có cái đầu trâu trong căn bếp.
 
Đối với những nhà kiêng kỵ một cách khắt khe, thậm chí người nhà cũng chỉ được vào căn bếp này vào ngày giỗ của cha mẹ. Theo tìm hiểu của chúng tôi ở một số địa bàn như xã Keng Đu (Kỳ Sơn), căn bếp kiêng kỵ này còn được dùng trong ngày Tết cơm mới hay đón năm mới mà người Khơ mú gọi là “gơ rơ”.  Riêng ông Hoan và bà vợ thì luôn ra vào nơi “cấm địa” này. Thậm chí vợ chồng ông còn đặt một cái giường ngủ cạnh căn bếp. Theo ông Hoan đã là chủ nhà thì có thể ra vào gian buồng này tùy thích lúc nào cũng được.
 
Vì sao có điều cấm?
 
Trong những chuyến thâm nhập thực tế tìm hiểu về văn hóa Khơ mú, chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi này nhưng chưa có được lời giải đáp thấu đáo. Người ta chỉ biết rằng đó là điều cấm cha ông truyền lại và họ phải tuân thủ. Cho đến một ngày đặt chân đến bả Cha Ca 1, trung tâm xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) gặp ông Xeo Phò Mạnh, một người cao tuổi uy tín và cũng là ông mo của bản thường chủ trì lễ cúng đền của bản. Trong chuyên đề này, chúng tôi cũng sẽ trở lại với nhân vật này và lễ cúng bản, một nghi lễ quan trọng của người Khơ mú ở xã Bảo Thắng, Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn.
 
Ông Xeo Phò Mạnh kể rằng: Ngày xưa người Khơ mú và người Thái cùng cư ngụ dọc sông. Họ luôn phải tranh đấu với cộng đồng này và những dân tộc khác để bảo vệ làng bản và sinh tồn. Dẫu vậy họ vẫn giữ được hòa khí với các dân tộc khác để cùng chung sống hòa thuận. Chính vì thế mà ngày nay người Khơ mú vẫn sống hòa lẫn với người Thái, người Mông.
 
Ngày ấy, người Khơ mú và người Thái cùng sống dọc sông, suối. Người Thái đi lại bằng thuyền làm bằng da trâu còn người Khơ mú dùng thuyền gỗ. Thế rồi một ngày họ nghĩ thuyền của người Thái có thể ăn được, còn thuyền gỗ của mình thì không, người Khơ mú liền bàn với người Thái đổi thuyền gỗ lấy thuyền da trâu. Có được chiếc thuyền có thể “ăn được”, trên đường di chuyển, thỉnh thoảng họ lại xẻo một miếng da nướng trên than hồng rồi cho vào nồi nấu món “nhoọc”. Về đến bến thì con thuyền cũng hết. Không còn thuyền, người Khơ mú không ở gần sông nữa. Họ chuyển lên cư trú trên núi cao.
 
Trong khi rời xa nhường vùng sông suối cho người Thái, người Khơ mú luôn để ý thấy họ vẫn thường mổ trâu, ăn uống linh đình mỗi khi có lễ hội hay ngày cúng cho tổ tiên. Vào những ngày như thế người Khơ mú thường chỉ mổ gà, cùng lắm là mổ lợn. Hỏi rõ nguồn cơn mới biết là người Thái có nhiều họ khác nhau trong đó có cả họ Moong, Cụt, Pịt, Xeo, Chích, Ốc, Hoa… của người Khơ mú ngày nay. Họ nghĩ rằng muốn có dịp để mổ trâu ăn thì phải có được những dòng họ này làm của nhà mình. Ban đầu người ta nghĩ phải mang một thứ của cái đi đổi lấy một họ nào đó nhưng rồi nhận thấy cách này không ổn. Người Thái vẫn dùng bạc nén để mua những họ quyền quý nhưng với người Khơ mú thì họ không muốn như vậy. Cuối cùng người ta đi đến thống nhất là phải đánh cắp.
 
Vào một dịp lễ hội, khi người Thái đã ăn uống no say, họ bắt đầu “kế hoạch”. Người Khơ mú bàn nhau vào gian thờ của người Thái lấy cắp đi những dòng họ như Moong, Chích, Xoe, Cụt, Pịt, Ốc, Hoa… Lấy được rồi, người ta mổ trâu ăn mừng và đem giấu vào trong căn bếp. Những người bị lấy cắp mất họ hối hả đi tìm nhưng mãi chẳng thấy đâu. Để người khác không tìm lại được những gì họ đã bị đánh cắp, người Khơ mú đặt ra lệ cấm người ngoài không được đặt chân vào căn bếp kiêng của họ. Nếu ai phạm vào sẽ phải mổ lợn cúng  vía cho chủ nhà.
 
Người ta cũng tin rằng đó cũng là nguyên do mà ngày nay người Thái chẳng mấy ai còn những dòng họ như Moong, Cụt, Chích, Xeo, Pịt, Ốc, Hoa… nữa. Cũng từ đó trong những ngày lễ lớn của người Khơ mú họ đã có tục mổ trâu để cúng tổ tiên.
 
Dĩ nhiên đây cũng chỉ là một cách giải thích của người Khơ mú về những nét phong tục của họ. Câu chuyện trên đơn giản chỉ là một huyền thoại mang màu sắc cổ tích nhưng nó cũng  giúp chúng ta phần nào đó hình dung về một quá khứ xa xôi về đời sống xã hội của những cộng đồng thiểu số vùng cao.
 
Bài, ảnh: HỮU VI – ĐÀO THỌ