(Baonghean) - ...Tôi cứ hình dung về bản xa. Nơi ấy, có những giấc mơ mãi mãi gắn chặt với ruộng nương, có những giấc mơ được vượt qua ngọn núi cao quê nhà... Phía sau ngọn núi ấy, tri thức, sự hiểu biết vẫy gọi các em, dẫn các em vượt qua bao gian khó, cực nhọc. Có thể rồi đây, những giấc mơ chưa trọn vẹn, nhưng dù sao thì các em “đã cố gắng hết mình” và quan trọng là các em đã biết ước mơ.
Đi qua tủi buồn...
Tôi gõ cửa căn phòng ký túc xá tầng 3 Đại học Vinh khi đã đêm muộn để tìm gặp Xeo Thi Giắt - cô bé người Khơ mú ở xã Bảo Thắng, huyện rẻo cao Kỳ Sơn đăng ký dự thi đại học năm nay. Dưới ánh điện bên chiếc bàn nhỏ xíu gá vào một góc giường, Giắt đang miệt mài ngồi học trong căn phòng lộn xộn tiếng cười của một số sinh viên ở cùng. Gương mặt xinh xắn của Giắt thoáng chút ngại ngần khi tôi hỏi thăm: “Dạ, cháu là Giắt đây. Chân cháu đang đau quá, nên không xuống đón dì được”.
Tôi nhìn xuống chân Giắt, một bàn chân sưng tấy, tróc mảng da lớn do vụ tai nạn cách đây mấy tuần. Hôm đó, Giắt và cậu em họ chở nhau trên đường đi học về, chẳng may ngã xô vào đá. Giắt mất 2 tuần nằm viện trước khi xuống Vinh để dự kỳ thi “2 trong 1”. Giắt nói, thì ở Kỳ Sơn nhà cháu, chỗ nào chẳng đá và núi. Tưởng chân quen với đá rồi, mà vẫn bị đá làm cho đau chân. May mà còn kịp đi thi, chứ không về nhà lại đi rẫy. Đau thế này, chứ đau nữa cũng chẳng thấm vào đâu. Có những cái sự buồn, nó khổ hơn cả sự đau. Như chị đầu của Giắt, lấy chồng sớm, rồi 2 vợ chồng suốt ngày cũng chỉ biết trông chờ ở mấy đám rẫy, đầu tắt mặt tối, chẳng bao giờ ra khỏi được mấy ngọn núi quanh bản. Chị thứ 2 của Giắt, giờ cũng đã lấy chồng rồi, nhưng dẫu sao chị cũng đã có quãng thời gian học y tại Vinh, dù trở về không xin được việc làm nhưng đôi mắt nhìn thế giới nó cũng khác hơn...
Giắt xuống Vinh, ở cùng với chị gái thứ 3 đang là sinh viên khoa Địa lý, Đại học Vinh. Đây cũng là lần đầu tiên Giắt rời quê, xuống Vinh. 18 năm qua, quãng đường xa nhất của Giắt chính là quãng đường đi từ bản Cha Ca 1 đến Trường THPT Kỳ Sơn mà em theo học. Với Giắt, đó cũng là xa lắm rồi, vì nó gắn với rất nhiều những buồn tủi, những cố gắng, đấu tranh của em. 2 năm trọ học ký túc xá trong trường, biết bao nhiêu giây phút nhớ nhà, đến đêm chỉ biết úp mặt xuống giường khóc thầm. Biết bao nhiêu lần, nghe người ta nói: Thôi, con gái học nhiều cũng để làm gì, nghỉ về mà làm rẫy giúp mẹ. Nhìn “tấm gương” chị gái mày kìa, học xong cũng có việc mà làm đâu. Lại phải về bản, lấy chồng, đẻ lũ con, như muôn phụ nữ Khơ mú Bảo Thắng này... Đã có những phút em ngần ngại, ngoái nhìn quãng đường tới trường mỗi tuần, mỗi tháng để muốn quay đầu: về thôi, về bản đi rẫy. Thế nhưng, một điều gì đó, mạnh hơn cả tủi buồn đã thôi thúc trong em. Không, mình phải tiếp tục đến trường. Mình sẽ quay trở về bản, nhưng đó là khi trong mình đã có thật nhiều kiến thức. Biết đâu, lúc đó, không chỉ là để tự giúp mình, mà còn giúp được người bản nhiều hơn? May mắn, em được cả cha và mẹ ủng hộ việc học. Cha em làm ở trạm xá xã, mẹ thì chỉ ở nhà lãm rẫy, nhưng rất coi trọng con chữ.
Năm nay, Giắt đăng ký thi vào ngành Công tác xã hội- Đại học Vinh. Tôi hỏi em, vì sao lại chọn ngành ấy. Giắt cười: “Cháu cũng không biết nhiều ngành nghề lắm, nhưng cháu luôn muốn mình được làm công tác văn hóa ở xã, bản. Quê cháu, thiếu thốn nhiều lắm, mà cháu thấy, thiếu thốn về văn hóa, tinh thần sẽ làm cho người ta buồn, chán hơn”. Giắt tự nhận thấy sức học của mình không khá lắm, nhưng sẽ cố gắng. “Dù kết quả có thế nào, cháu cũng không ân hận vì mình đã cố gắng!”- cô bé quả quyết.
“Bờ vai” của mẹ
Ở bản Khe Ló, xã Môn Sơn, Con Cuông có một cậu trò người dân tộc Thái được bà con dành tặng những lời ngợi khen thân thương nhất: Nó là đứa học giỏi và hiếu thảo. Nhà nghèo nhất bản, nhưng lại học giỏi nhất trường! Cái tên Hà Văn Anh cũng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở Trường THPT Mường Quạ, Con Cuông. Thầy Lô Văn Thắng, giáo viên của trường cho hay: “Em ấy là tấm gương nghị lực để cả trường noi theo”
Căn nhà lá của gia đình Anh nép mình bên con suối cạn. Vật dụng trong nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài cái khung dệt và những tấm giấy khen của Anh. Ngồi trong nhà, nhưng những khoảng nắng vẫn chói ngay trên đầu chúng tôi. Chị Ngân Thị Việt, mẹ của Hà Văn Anh năm nay vừa qua ngưỡng 40 nhưng có vẻ khắc khổ của người đã ngoại ngũ tuần. Người mẹ cả một quãng đời đơn độc nuôi các con, cắn răng chịu đựng những trận đập phá, mắng chửi của chồng mỗi khi anh ta ghé qua nhà chốc lát, để chắt chiu giấc mơ nuôi các con ăn học nên người. Niềm vui là cậu con trai thứ 2 Hà Văn Anh luôn nỗ lực học thật giỏi. Chị kể, nhà nghèo khó, suốt những năm cấp 2, nhà cách trường 4 cây số, cậu bé phải đi bộ cùng với em đến trường. Sáng nào Anh cũng dậy thật sớm, nhưng chưa bao giờ thấy than vãn nửa lời. 12 năm học phổ thông, em luôn là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử năm lớp 11, Anh đã đạt giải Nhì.
Ấn tượng với câu chuyện về cậu trò nghèo, tôi tìm gặp Anh lúc em vừa xuống Vinh tìm phòng trọ để dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT và đại học. Phòng trọ của Anh và một bạn khác nằm trong con ngõ ngoằn ngoèo đường Phan Huy Chú (phường Trung Đô). Đến, lúc Anh đang loay hoay bật bếp gas để nấu nửa gói mì tôm ăn tối: “Ăn sang một chút để có sức ôn thi”- cậu bé cười bẽn lẽn giải thích với tôi.
Không ngờ, là con trai, nhưng khi nói về mẹ, cậu bé lại mau nước mắt. Anh nói rằng, người mẹ đầy cam chịu và nhẫn nhục của em lại chính là người đã cho em niềm tin, nghị lực và tình yêu để em đứng dậy mà bước lên phía trước. Mỗi lần nhìn đôi vai mẹ trĩu xuống, mỗi lần nhìn gương mặt mẹ sạm đi, mỗi lần nhìn bóng mẹ lầm lũi trên đám ruộng nhỏ cô độc, Anh lại muốn bỏ tất cả sách vở mà về đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng, chính đôi tay gầy ấy lại đầy quả quyết xoa trên vầng trán con trai để nói: Con vì mẹ, vì em, và vì tương lai của mình, hãy học lấy cái chữ! Một người “mẹ” nữa trong trái tim của Anh, người “mẹ” tận tâm, hiền hậu đã giúp đỡ em quá nhiều mà em nghĩ “mình trả cả đời không hết ân tình” ấy chính là cô giáo chủ nhiệm 3 năm học cấp 3 của em- cô Mạc Thị Đàn. Từ ngày cô ghé qua nhà, biết gia cảnh, cô đã luôn bên em, động viên, chia sẻ, giúp đỡ. Không có tiền học phí- cô giúp, nhịn đói đi học- cô mua tặng từng gói mì tôm... Anh nhớ cả một quãng tuổi thơ khó nhọc của mình, khi vừa 7 tuổi cha đã bỏ đi, chỉ nhận được thương yêu từ mẹ. Nhớ cái năm giao thừa đong đầy sợ hãi và nước mắt khi em phải trốn sang nhà dì ở vì bố trở về. Năm ấy là cái tết mà căn nhà đã trống hoác lại thêm tan hoang sau cơn say, trận đập phá, mắng chửi của cha. Nhớ cái lần Anh định bỏ học, vì không có tiền nạp học phí. Lần ấy, Anh chỉ biết rằng nỗi tủi hổ cộng với niềm thương mẹ vô bờ đã khiến Anh bước ra khỏi lớp học ồn ã, đầy tiếng cười của mình. Anh đi, đi mãi, những bước chân vô định, qua núi, qua rừng, đầu óc quay cuồng rồi trống rỗng. Đi qua cơn đói, cơn khát, đi qua giông bão lòng mình... Cho đến khi cái ráng chiều chạng vạng bao phủ cánh rừng, Anh vô tình gặp bác mình đi rẫy trở về. Bác gọi Anh, dường như không thể nhận ra cậu bé với gương mặt vô hồn kia là đứa cháu ngoan của mình nữa. Bác nói Anh hãy quay về, hãy tiếp tục đi học đi, vì nếu không thì mẹ em sẽ buồn biết mấy. Sau bữa ấy, mẹ động viên Anh nhiều hơn, cô giáo cũng tìm đến giúp đỡ. Anh lại nuôi dậy những quyết tâm...
Hà Văn Anh, cũng như Xeo Thị Giắt, các em đều nói mình không mơ ước gì nhiều hay cao xa. Nơi các em ở, chỉ có núi, rừng, chỉ có những người bản cũng như cha mẹ các em, sinh ra, gắn với rừng, với rẫy, nên giấc mơ của các em cũng chỉ là vượt núi để mở mang thêm tầm mắt. Và kiếm một công việc để quay về bản làng, tri ân công sinh thành, dưỡng dục, tri ân những tấm lòng đã vì các em mà tần tảo, hy sinh, góp phần nào để bản làng đổi mới. Như Hà Văn Anh, nhà em ở gần Đồn Biên phòng Môn Sơn nên cái “nghề” tốt đẹp nhất mà em biết được sau nghề giáo là “nghề”... bộ đội. Chính vì hàng ngày, nhìn thấy các chú bộ đội biên phòng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” giúp dân, rồi hình ảnh các chú đi tuần tra để bảo vệ biên cương, mà giấc mơ được mang quân hàm xanh lớn dần trong em. Năm nay, Anh đăng ký thi Học viện Biên phòng. Em nghĩ, nếu đạt được ước mơ, Anh sẽ học thật tốt, ra trường, mong sẽ trở về Đồn Biên phòng quê nhà, sẽ trở thành bờ vai vững chãi của mẹ em... Và trong căn phòng trọ chưa đầy 10 mét vuông nóng nực, húp vội bát mì tôm, Anh lại miệt mài bên ngọn đèn và những trang sách.
Tạm biệt những cô, cậu học trò với bước chân bỡ ngỡ xuống với “mường Vinh”, tôi cứ hình dung về bản xa. Nơi ấy, có những giấc mơ mãi mãi gắn chặt với ruộng nương, có những giấc mơ được vượt qua ngọn núi cao quê nhà... Phía sau ngọn núi ấy, tri thức, sự hiểu biết vẫy gọi các em, dẫn các em vượt qua bao gian khó, cực nhọc. Có thể rồi đây, những ước mơ chưa trọn vẹn, nhưng dù sao, nói như Xeo Thị Giắt là các em “đã cố gắng hết mình” và quan trọng là đã biết ước mơ.
Thùy Vinh - Hữu Vi