“TUẦN TRĂNG MẬT” CỦA SLNA

Năm 2010 khi CLB SLNA đã được UBND tỉnh Nghệ An chuyển giao cho Ngân hàng Bắc Á, người được mệnh danh “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Hữu Thắng trở về để chèo lái đội bóng. Chính chức vô địch Cúp Quốc gia năm đó sau trận “thủy chiến” với HAGL trên sân Thống Nhất đã bắt đầu cho một thập kỷ đầy biến động nhưng cũng đáng tự hào của SLNA.

Để rồi chỉ 1 năm sau, với “thế hệ 8X” Huy Hoàng, Trọng Hoàng và dàn cầu thủ trẻ 9X, SLNA trở thành nhà vô địch V.League 2011 sau trận “chung kết” nghẹt thở trước Hà Nội T&T trên sân Vinh. Một chức vô địch đầy cảm xúc giúp SLNA khẳng định sự trở lại cũng như vị thế của một biểu tượng. Không chỉ lên ngôi vương tại V.League 2011, SLNA còn đoạt luôn Siêu Cúp Quốc gia 2011.

slna1tt1_236958497_21520189514723_2452018.jpgĐã 10 năm SLNA chưa lên đỉnh vinh quang tại V.League. Ảnh: Hải Thịnh

Những năm tiếp theo thực sự là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ khi SLNA luôn nằm trong nhóm tranh đua chức vô địch. Nội binh lẫn ngoại binh đều chất lượng, sân Vinh trở thành một “chảo lửa” thực sự với những trận cầu chật kín khán giả, sôi động bậc nhất V.League. Tại Giải VĐQG 2012 và 2013, SLNA đều lỡ hẹn với chức vô địch khi đứng hạng Tư chung cuộc. Mùa bóng 2014, trước sự ra đi của nhiều trụ cột, SLNA xếp hạng 5.

Từ năm 2012, công tác đào tạo trẻ của SLNA như được đánh thức sau quãng thời gian dài có phần trầm lắng. Đầu tiên là chức vô địch U17 Quốc gia 2012 của HLV Ngô Quang Trường và lứa cầu thủ Văn Khánh, Tuấn Tài, Văn Đức, Xuân Mạnh. Sau đó là chức vô địch U21 Quốc gia 2012, 2014 và chức vô địch U13 Quốc gia năm 2013, 2014. Năm 2014 cũng là năm mà bóng đá Nghệ An vô địch tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII dựa trên dàn cầu thủ SLNA. Tất cả có thể xem là “tuần trăng mật” của bóng đá xứ Nghệ trong giai đoạn bén duyên với nhà tài trợ mới.

SỰ LỚN MẠNH CỦA BÓNG ĐÁ TRẺ

Sau khi HLV Hữu Thắng dứt áo ra đi, thành tích tại V.League của SLNA đi xuống. Những người được giao nhiệm vụ chèo lái con thuyền SLNA là HLV Ngô Quang Trường và HLV Nguyễn Đức Thắng. Mùa bóng 2015 và 2016 được xem là khó khăn nhất khi đội bóng xứ Nghệ chỉ xếp thứ 7 và 9 chung cuộc.

Mùa bóng 2017, đoàn quân của HLV Nguyễn Đức Thắng chỉ đứng hạng 8 tại V.League nhưng chức vô địch Cúp Quốc gia năm đó là một sự khẳng định cho những vị thế nhất định của SLNA ở đấu trường trong nước. Nếu may mắn hơn, SLNA đã có thể đoạt tấm HCĐ trong năm 2018 bên cạnh tấm HCĐ đấu trường Cúp Quốc gia. Những năm tiếp theo, SLNA đều nằm ngoài tốp 5 ở sân chơi V.League, nhưng vẫn là một đội bóng rất khó chịu ở mọi đấu trường.

Phòng truyền thống của SLNA tự hào đang lưu giữ nhiều kỷ lục quốc gia. Ảnh: Thành Cường

Tuy thành tích không được như mong đợi, nhưng SLNA vẫn có những sự tiến bộ trông thấy. Dựa trên bản sắc truyền thống, đội bóng mang 100% chất Nghệ ngày càng hoàn thiện về mặt lối chơi. Bất chấp việc năm nào SLNA cũng luôn đối mặt với nạn “chảy máu nhân tài”, các trụ cột dứt áo ra đi. Năm 2018, SLNA được công nhận là đội bóng “Fairplay” nhất với giải Phong cách bên cạnh đội bóng có công tác đào tạo trẻ tốt nhất.

Tương tự năm 2020, SLNA cũng là đội bóng đoạt giải Phong cách tại sân chơi V.League, giải U17 lẫn U21 Quốc gia. Từ một đội bóng bị mang tiếng “chém đinh chặt sắt”, SLNA đã tiệm cận với thứ bóng đá đẹp, làm rõ ranh giới giữa sự máu lửa, quyết liệt truyền thống và triệt hạ, khiến các đội bóng có tiếng chơi đẹp như Hà Nội, HAGL cũng phải nể phục.

Và đáng tự hào hơn cả vẫn là sự trỗi dậy mạnh mẽ của công tác đào tạo trẻ. Ở Giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc, SLNA có 4 năm liên tiếp vô địch (2017, 2018, 2019, 2020), nâng tổng số lần vô địch lên con số 6. Sân chơi Thiếu niên toàn quốc, SLNA có 3 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2018, 2019, 2020 để duy trì kỷ lục 8 lần đăng quang. Đội U15 SLNA cũng giải cơn khát danh hiệu sau 15 năm bằng 2 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2018 và 2019.

Trong khi đó, chức vô địch U17 Quốc gia năm 2020 sau 8 năm lỡ hẹn giúp SLNA thống trị và nắm kỷ lục về số lần vô địch từ cấp độ U17 (8 lần), U19 (5 lần) đến U21 Quốc gia (5 lần). Trong đó, năm 2018 và 2020, tất cả các đội trẻ của SLNA đều giành quyền tham dự các vòng chung kết. Năm 2020 trọn 6 bộ huy chương Vàng, Bạc và Đồng ở các cấp độ lớn nhỏ, tiếp tục trở thành CLB có công tác đào tạo trẻ tốt nhất do VFF và VPF công nhận.

Chức vô địch U17 và U21 Quốc gia năm 2012 mở đầu cho sự trở lại của bóng đá trẻ xứ Nghệ. Ảnh: Quang Thái

Chính nhờ sự quan tâm đặc biệt từ UBND tỉnh Nghệ An, nhà tài trợ, cách làm bài bản của CLB SLNA và niềm đam mê tận tụy của các HLV nghiệp dư tại 25 lớp năng khiếu cơ sở, bóng đá trẻ xứ Nghệ đang dẫn đầu cả nước về thành tích và trở thành một trong những lò đào tạo cung cấp rất nhiều tuyển thủ cho các ĐTQG. Và không thể không kể đến niềm tin và tình yêu bóng đá mãnh liệt của người hâm mộ và các bậc phụ huynh. Những thành tích đó trong 10 năm qua của SLNA khiến nhiều học viện, trung tâm bóng đá hàng đầu Việt Nam như PVF, HAGL, Hà Nội, Viettel… cũng phải ngưỡng mộ và tìm cách học hỏi.

"BÓNG ĐÁ VỊ NHÂN SINH"

Một thập kỷ đã qua, Giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An đã bước sang lần thứ 23 được tổ chức. Qua đây, vô số những tài năng đã được phát hiện, trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp và thậm chí là những ngôi sao sáng trên bầu trời bóng đá nước nhà.

Từ những cậu bé yêu bóng đá ở khắp những vùng quê nghèo, họ có vinh dự được khoác áo đội bóng quê hương, trở thành niềm tự hào của gia đình, hàng xóm và cả một địa phương. Trong 10 năm qua, sự thành công nào của bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế cũng có những đóng góp của những cầu thủ quê Nghệ An, phần lớn là sản phẩm của CLB SLNA.

Xứ Nghệ vẫn là nơi cung cấp nhiều tuyển thủ chất lượng cho ĐTQG. Ảnh: TK

Lấy dấu mốc VCK U23 châu Á khi U23 Việt Nam làm nên kỳ tích tại Thường Châu năm 2018 hay sau đó là Asiad 18, SLNA có hai gương mặt làm rạng danh nước nhà là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh cùng với những cầu thủ quê Nghệ An khác như Công Phượng, Văn Hoàng. Trong chức vô địch AFF Cup 2018, thành công tại Asian Cup 2019, SEA Games 30, Vòng loại World Cup 2022, đều có dấu chân của những cầu thủ như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Phan Văn Đức, Nguyễn Công Phượng, Trần Văn Kiên, Ngân Văn Đại…

Chỉ tính trong năm 2020, số lượng cầu thủ, cán bộ, huấn luyện viên làm việc tại ĐTQG đã lên đến con số 12. Chiếc áo ĐTQG ở mọi cấp độ mà hàng chục, thậm chí là hàng trăm tuyển thủ vinh dự mang trên mình đã về mọi vùng quê ở mảnh đất Nghệ An. Trong khi đó, số lượng cầu thủ Nghệ An và SLNA chiếm 11/14 đội bóng tại đấu trường V.League.  

Và đương nhiên, từ những đôi chân trần được mài dũa hàng chục năm tại lò SLNA, họ trở thành những người con thành đạt của quê hương. Không thể có một thống kê chính xác nào về tổng số tiền mà các cầu thủ xứ Nghệ có được từ phí lót tay, lương, thưởng nhưng phần lớn họ đều trở thành những triệu phú sau những hợp đồng tiền tỷ, những khoản thưởng kếch xù. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng khi chuyển nhượng, họ được nhận toàn bộ số tiền lót tay theo dạng chuyển nhượng tự do.

Những cầu thủ U17 SLNA vô địch hiện tại sẽ là tương lai của bóng đá SLNA và Việt Nam nói chung. Ảnh: TK

Từ đó, giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo và thậm chí là giàu có nhờ có con theo nghiệp bóng đá. Tại Nghệ An, bóng đá thực sự đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều cậu bé nghèo và thành tựu lớn nhất chính là sự thành đạt về mặt con người, thương hiệu, tính cách, tài năng và tố chất của người Nghệ.

Nhìn lại một thập kỷ đã qua, bóng đá xứ Nghệ đang thực sự xứng đáng với biệt hiệu “Brazil” của Việt Nam nhờ trở thành nơi cung cấp cầu thủ hàng đầu cho bóng đá Việt Nam trong nước và thậm chí là nước ngoài trong tương lai không xa. Hòa chung vào những chiến tích vẻ vang của các ĐTQG, bóng đá xứ Nghệ và SLNA đã đóng góp một phần không nhỏ. Hơn cả một niềm tự hào, Nghệ An từng bước chung tay đưa bóng đá Việt Nam với đầy hứa hẹn và những mục tiêu vươn tầm khu vực.