“Trong 10 năm qua, tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc ở nhiều cương vị khác nhau. Mỗi công việc, mỗi vị trí đều mang một mục tiêu là bóng đá nhưng đặc thù công việc đều khác nhau. Điều mà SLNA đã làm được là duy trì được hệ thống đào tạo cũng như sự đồng hành của Ngân hàng Bắc Á để đội bóng có được chặng đường như vậy. Trong 10 năm qua, SLNA đã vô địch V.League, Siêu Cúp QG, Cúp QG có lúc đứng hạng 4 hay 7 - 8 nhưng bóng đá hiện đại bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực tài chính.

SLNA có một truyền thống, giá trị bản sắc đó là đội bóng đều là những người con xứ Nghệ, thi đấu vì màu cờ sắc áo. Có nhiều thời điểm các trụ cột như Trọng Hoàng, Nguyên Mạnh, Ngọc Hải, Phi Sơn ra đi nhưng đội bóng luôn cố gắng duy trì chỗ đứng tại V.League. Có những thời điểm chúng tôi có nhiều tiếc nuối. Giá như đội bóng có kinh tế tốt hơn thì sẽ vững mạnh hơn, có thành tích. Ví dụ như năm 2018 khi đang là HLV trưởng, tôi rất kỳ vọng vào tấm HCĐ tại V.League và vô địch Cúp Quốc gia nhưng rồi chỉ nằm trong tốp 4.

bna_20173248754_2252020.jpgSLNA vẫn cần một cú hích về kinh tế để trở lại với đúng vị thế của mình ở sân chơi chuyên nghiệp. Ảnh: Thành Cường

Thâm tâm của người làm nghề, chúng tôi luôn muốn đội bóng có thành tích chứ không ai muốn đặt mục tiêu trụ hạng. Ai cũng muốn đá hay, đá tốt và vô địch nhưng tôi cũng mong khán giả hiểu và đồng cảm được điều đó. Tôi rất mong người hâm mộ có những suy nghĩ, nhìn nhận một cách tích cực. Tôi cũng tin khán giả đều nhìn nhận được. Bởi khán giả, người hâm mộ chính là những cầu thủ thứ 12, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các cầu thủ.

Những năm vừa qua, bóng đá trẻ SLNA có những thành tích tốt. Đó là nhờ phong trào và nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh. Lãnh đạo của SLNA đã xây dựng được định hướng đó và tôi hy vọng rằng chúng ta phải phát triển hơn. Chúng tôi cũng rất mong SLNA tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh nhà, những doanh nghiệp để đội bóng ổn định và tiếp tục đi lên, đặc biệt là trong công tác đào tạo trẻ.

Hiện nay, mục tiêu của bóng đá trẻ SLNA mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguồn cho đội 1. Chúng ta chưa thể xây dựng được những mục tiêu xa hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn duy trì việc đóng góp những nhân tố xuất sắc cho các ĐTQG. Trong bóng đá hay đào tạo, phụ thuộc rất nhiều yếu tố và con người. Cả một thập kỷ vừa qua, chúng ta vẫn chưa tìm được ra một Văn Quyến mới. Tôi cũng hy vọng rằng SLNA đã tìm được nhiều nhân tố trẻ, những viên ngọc thô và mài dũa để trở thành ngôi sao của SLNA và trong tương lai là ĐT Việt Nam. 

Đào tạo trẻ SLNA tốt nhưng chưa phải là tất cả. Ảnh: SLNA FC

Bóng đá đã thay đổi cuộc đời của nhiều cầu thủ. Tuy nhiên, cũng có thời điểm vì nhiều cầu thủ chưa có đủ nhận thức để rồi mang lại nhiều tiếc nuối. Bóng đá mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho cầu thủ nhưng họ cũng phải hiểu được rằng CLB SLNA đào tạo họ từ lúc 11 tuổi, phải 11 đến 15 năm sau họ mới thành tài. Đầu tiên là sự ủng hộ, hy sinh của gia đình nhưng cũng phải ghi nhận sự cung cấp, nuôi dưỡng từ ngân sách địa phương. Bên cạnh đó là lãnh đạo, những người thầy đã dạy dỗ họ.

Tôi muốn nhắc các em phải luôn biết ơn. Nếu không có SLNA, chắc hẳn không ai biết Phan Văn Đức ở đâu. Cũng như nhiều cầu thủ khác, ở tuổi 21-22 các em có nhà đẹp, có xe sang và tương lai rất rộng mở. Tại Nghệ An, bóng đá thực sự đã mang lại rất nhiều hạnh phúc cho các gia đình.

Thực sự mà nói, mỗi mùa giải SLNA đều phải đối diện với những sự ra đi và xáo trộn. Bất kỳ lò đào tạo nào cũng chỉ trình làng 3-4 cầu thủ tốt lên chuyên nghiệp. Như SLNA, trong số 18 cầu thủ U21, cũng chỉ có một số ít đáp ứng được yêu cầu tại V.League. Các cầu thủ phải 1 - 2 năm cọ xát mới có thể trưởng thành được. Vì vậy, bóng đá chuyên nghiệp phải thực sự có điều kiện. SLNA có lợi thế đào tạo nguồn cầu thủ tại chỗ, nhưng không thể giải quyết được tất cả.

HLV Nguyễn Đức Thắng đang làm GĐKT tại SLNA. Ảnh: VPF

Tôi lấy ví dụ như HAGL, có gần chục cầu thủ thi đấu cho ĐTQG nhưng những cầu thủ này vẫn chưa có một thành tích nào ở V.League. Tôi nghĩ rằng, bóng đá chuyên nghiệp vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhà tài trợ. Đội bóng nào có tiềm lực tài chính thì sẽ mạnh và ổn định. SLNA rất khó khăn về vấn đề này khi cầu thủ đến 25 tuổi đạt độ chín và tự do. 

Tôi biết rằng người hâm mộ đang mơ về chu kỳ 10 năm vô địch kể từ V.League 2011. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều tiền là sẽ vô địch vì quan trọng nhất vẫn là chiều sâu đội hình, là lực lượng và có sự chuẩn bị. Nếu như CLB có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, đội bóng sẽ giữ được những trụ cột và mua được những ngoại binh tốt hơn.

Chúng tôi rất mong doanh nghiệp sẽ đồng hành với SLNA bởi ở Việt Nam chưa một đội bóng nào có thể lấy bóng đá nuôi bóng đá. Cũng như người hâm mộ, mỗi người mua một chiếc vé hay một chiếc áo cũng là đóng góp một phần nhỏ. Đội bóng có thành tích sẽ mang lại rất nhiều hiệu ứng tốt. Vì vậy, SLNA rất cần một cơ chế, sự hỗ trợ, định hướng, kết nối của tỉnh nhà với các doanh nghiệp”, GĐKT của SLNA mong muốn.