Dân gian có câu: “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó ăn” là để chế giễu người có lối sống hẹp hòi.
Trong cuộc sống, ta thường gặp những người có lối sống hẹp hòi. Hẹp hòilà muốn nói đến không rộng rãi, hay xét nét trong cách nhìn nhận, cách đối xử, chỉ biết có mình hay bộ phận của mình. Người bình thường hoặc cán bộ, đảng viên không giữ chức vụ gì mà hẹp hòi đã là gây sự khó khăn, phiền hà, thiệt thòi đến người khác. Người có chức vụ càng cao, nếu hẹp hòi thì sự tác động càng phức tạp, càng nhiều chiều, càng lớn.
Khi đất nước bị kẻ thù bên ngoài đến xâm lược, tinh thần yêu nước đã cố kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài. Sự hẹp hòi đã được đẩy lùi, tiêu tan để tập trung tiến hành các cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại. Trong những năm tháng đó, mọi suy nghĩ, hành động đều bừng bừng khí thế “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Không sợ gian khổ, hy sinh, người ta xung phong ra tiền tuyến, tiên phong trong những công việc khó khăn. Người dân quê ta từng nổi tiếng với khẩu hiệu: Xe chưa qua, nhà không tiếc,... Nếu không có tinh thần ấy, ý chí ấy thì làm sao ta giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay cũng rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, nhân dân thầm lặng hy sinh, cống hiến, luôn luôn đặt lợi ích toàn cục, lợi ích của Đảng, lợi ích đất nước lên trên hết. Không có sự hy sinh, cống hiến ấy thì làm gì chúng ta có được cơ đồ như hôm nay!
Khi sạch bóng giặc ngoại xâm, sự hẹp hòi – tàn dư của tư tưởng phong kiến, tiểu nông lại trỗi dậy. Càng đi vào kinh tế thị trường, bệnh này càng nguy hiểm, nó len lỏi trong mỗi đồng chí, đồng đội, đồng bào. Nhưng nguy hại nhất là nó ngự trị ngay cả những vị có chức sắc trong hệ thống chính trị.
Sự hẹp hòi thể hiện từ những sự nhỏ nhặt trong phân phối vật chất, họ luôn kén chọn sao cho mình, bộ phận của mình được phần nhiều hơn, tốt hơn. Trong phân công công việc, họ muốn mình có việc dễ hơn, thuận lợi hơn, “lắm màu, lắm lộc” hơn. Khi có chức quyền thì trong việc đề bạt, khen thưởng, đi du lịch,... họ ưu tiên cho những người thân, người “hợp cạ”, những kẻ khéo “chạy”; trong việc phân phối chương trình, dự án thì ưu tiên cho quê mình, vùng mình phụ trách. Người có ngôi vị cao mà hẹp hòi thì rất nguy hiểm. Mọi người biết nhưng không dám đấu tranh. Nếu mở miệng ra lại bị quy kết là hẹp hòi, không “thông thoáng”, gây mất đoàn kết nội bộ, họ bị định kiến, trù dập,... bởi vì chỉ người có quyền cao mới có tiếng nói kết luận, tiếng nói “lên trên” “cả vú lấp miệng em”.
***
Với tầm nhìn xa, trông rộng, từ năm 1947, trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Có những cán bộ, chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể”.
Người còn chỉ rõ: “Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vị, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa… đều do bệnh hẹp hòi mà ra”!
Hẹp hòi là “khoảng tối” trong nhận thức của mỗi người trên con đường phát triển, hoàn thiện bản thân. Với cán bộ, đảng viên - hẹp hòi đồng nghĩa với đi ngược lại lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi thế, việc cần làm của mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân là không ngừng nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giúp từng đảng viên, cán bộ nâng cao nhận thức, sửa chữa “khuyết điểm về tư tưởng”.
Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sẽ giúp mỗi người xác định rõ hơn những việc nên làm hay không nên làm; cái gì nên duy trì hay thay đổi; cái gì nên bỏ qua hay tiếp nhận; cái gì nên hy sinh hay tranh đoạt bằng được; ra sức cống hiến hay tận hưởng,… Từ đó, mỗi người sẽ có những hành động đúng đắn, thiết thực hơn.
Lại nói: Sự hẹp hòi của mỗi tổ chức, cá nhân rất dễ nhận ra. Dân biết cả, Dân buồn lắm. Nó góp phần xói mòn niềm tin của Dân với Đảng. Vấn đề là chúng ta có dám cầu thị, tự nhận ra để sửa chữa, có dám nói lên, góp ý phê bình để cùng tiến bộ, có dám kiên quyết sửa chữa hoặc nghiêm trị cho minh bạch, trong sạch hay không.