(Baonghean) - Để thực hiện thắng lợi Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác dân vận được các cấp ủy, chính quyền ở Thanh Chương xác định là giải pháp quan trọng, tạo sự đồng thuận, sự hăng hái trong cán bộ và quần chúng nhân dân cùng thực hiện mục tiêu chung.
Thanh Khê là xã miền núi, có 9/10 xóm đặc biệt khó khăn. Nơi đây có 36,57% người dân theo đạo công giáo được phân bổ ở cả 10/10 xóm. Với điều kiện đặc thù như vậy, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị luôn quan tâm đến công tác dân vận, làm cho người dân hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước các cấp, những lợi ích và quyền lợi của họ.
Mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò là “hạt nhân” của công tác dân vận bằng những việc làm vì dân trên cơ sở chức trách của mình, bằng sự gương mẫu trong phong trào ở địa phương với tư cách người dân. Và công tác dân vận được gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, của từng tổ chức, cơ sở; ở từng thời gian cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Văn Hảo - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Khê khẳng định: Dù điều kiện kinh tế của xã, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng chương trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Khê vẫn đạt được một số kết quả. Nổi bật, xã đã huy động nhân dân đóng góp 3,1 tỷ đồng làm 2,5 km đường bê tông; rải cấp phối hơn 4 km đường đất của xã và ở các xóm. Đặc biệt từ sức dân đóng góp, 10/10 xóm xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền khang trang; góp phần gắn kết khối đoàn kết cộng đồng ở các khu dân cư.
Vấn đề được cấp ủy, chính quyền Thanh Khê tâm đắc là địa phương đã xây dựng được khối đoàn kết lương - giáo đồng thuận xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Kinh nghiệm của xã Thanh Khê là chú trọng tuyên truyền, vận động các ban hành giáo, các giáo dân nắm bắt và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo. Đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho bà con giáo dân tham gia các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật; gắn kết với các phong trào chung của địa phương. Khi có những vấn đề nảy sinh liên quan đến tôn giáo, cấp ủy, chính quyền và ban hành giáo cùng linh mục quản xứ thảo luận, nhìn nhận vấn đề để giải quyết một cách thấu đáo, không để tình hình diễn biến phức tạp.
Còn ở xã Đồng Văn, công tác dân vận được tập trung vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Là xã đồng bằng, sản xuất thuần nông, nhưng diện tích canh tác toàn xã chỉ vẻn vẹn 229,6 ha đất lúa, 22 ha đất màu và gần 85 ha đất bãi ven sông Lam. Điều này đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều trăn trở tìm hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Cách làm của xã là chọn mô hình điểm, lấy nhân tố cụ thể để tác động từ đó nhân rộng, thúc đẩy phong trào. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân để tháo gỡ khó khăn bằng các cơ chế riêng của địa phương. Nhờ đó, từ độc canh cây lúa, bây giờ ở Đồng Văn đã xuất hiện một số mô hình kinh tế có hiệu quả, như mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Lợi nuôi 1.000 con lợn thịt và lợn nái. Hay như mô thâm canh rau hàng hóa ở xóm Tiên Kiều, cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ruộng đất và xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai khá bài bản, trong đó chú trọng công tác dân vận, phát huy dân chủ trực tiếp trong nhân dân thông qua việc lấy xóm làm đơn vị thực hiện chuyển đổi ruộng đất, lấy Ban phát triển nông thôn mới cấp xóm trực tiếp thực hiện tính toán, trình lấy ý kiến nhân dân mức đóng góp, cách làm, tự chi và quyết toán.
Về phía Đảng ủy, chính quyền xã giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và giám sát việc thực hiện ở cấp xóm về quy trình, thủ tục, nguyên tắc quản lý, sử dụng đúng mục đích... Nhờ đó, Đồng Văn là một trong những đơn vị đầu tiên ở Thanh Chương thực hiện sớm công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Trong xây dựng nông thôn mới đã hoàn thiện 15/19 tiêu chí.
Đồng chí Trần Đình Túy - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Nhờ cách dân vận cụ thể đến từng đối tượng, lấy điểm để chỉ đạo, nhân rộng phong trào, đồng thời luôn đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trước hết, các chủ trương, chính sách được triển khai ở Đồng Văn đều thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm xuống 5,3%; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng Văn là một trong những đơn vị xuất sắc trong mọi phong trào ở huyện Thanh Chương, Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh.
Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu tổng quát, đưa Thanh Chương trở thành huyện khá trong các huyện miền Tây của tỉnh. Và công tác dân vận được các cấp ủy, chính quyền ở Thanh Chương xác định là giải pháp quan trọng, tạo sự đồng thuận và sự hăng hái trong cán bộ và quần chúng nhân dân cùng thực hiện mục tiêu chung; tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng.
Bởi vậy, Huyện ủy Thanh Chương đã ban hành Đề án số 05/ĐA/HU, ngày 28/10/2016 về “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận từ huyện đến cơ sở, giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở đã tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo về công tác dân vận trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-TW của Trung ương; gắn với triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên cơ sở nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ sở, khối, xóm, bản.
Gắn với công tác dân vận, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tư tưởng, khắc phục bảo thủ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tạo sự đồng thuận cao để phát triển. Trong công tác dân vận phát huy vai trò của cơ sở và riêng đối với những địa bàn khó, vùng đặc thù được huyện đặc biệt quan tâm, tăng cường chỉ đạo một cách cụ thể, sát thực thông qua việc thường xuyên nắm bắt thực tế để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những ý kiến, phản ánh của nhân dân cũng như các vấn đề về tôn giáo, dân tộc một cách kịp thời.
Trong năm 2016, toàn huyện Thanh Chương xây dựng mới được 459 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó có 199 mô hình phát triển kinh tế; 108 mô hình văn hóa - xã hội; 48 mô hình đảm bảo quốc phòng - an ninh; 105 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. |
Từ làm tốt công tác dân vận, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xét ở góc độ hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển của địa phương, đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thẳng thắn cho rằng:
Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác dân vận, chưa thấy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị và chưa quan tâm sâu sát công tác dân vận. Phương thức hoạt động và phương pháp vận động ở một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và một số cơ sở còn chung chung.
Năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm nắm bắt, phân tích, đánh giá các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cũng như phương pháp vận động quần chúng của một số cán bộ còn hạn chế, nhất là cán bộ trẻ. Đây là những vấn đề mà Huyện ủy Thanh Chương nhận thức rất rõ và sẽ tập trung khắc phục để công tác dân vận thực sự là giải pháp hữu hiệu đưa Thanh Chương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Minh Chi