(Baonghean) - Huyện ủy Thanh Chương xác định phải khắc phục bảo thủ, trì trệ; đổi mới cách nghĩ, cách làm tạo sự đồng thuận cao để phát triển.

Với quyết tâm tạo ra bước chuyển về nhận thức và quyết liệt trong hành động, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Thanh Chương đã ban hành Đề án số 04/ĐA-HU ngày 10/10/2016 về Tiếp tục đấy mạnh công tác tư tưởng, khắc phục bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn; đổi mới cách nghĩ, cách làm tạo sự đồng thuận cao để phát triển.

Nhìn thẳng, nói thật

Ở những giai đoạn trước, khi nhận thức, tư duy “chưa vượt ra khỏi lũy tre làng”, cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp, tư tưởng tự bằng lòng, ngại khó, bảo thủ, trì trệ đè nặng lên người dân Thanh Chương, kể cả trong cán bộ, đảng viên. Bởi thế, có thời gian, việc đưa những tiến bộ KHKT mới như lúa lai, bò lai sind, hay các tiến bộ KHKT mới vào địa bàn Thanh Chương cực kỳ khó khăn.

Song cùng với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là điều kiện giao lưu, mở rộng ra bên ngoài đã giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân mở mang sự hiểu biết với những tiếp cận mới. Do vậy, tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi, trì trệ đã có những thay đổi theo hướng tích cực.

Đã xuất hiện  những tư tưởng dám nghĩ, dám chấp nhận thử thách, thoát ra khỏi sự ổn định, an toàn để thay đổi cái mới, từ sự đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ đến sự mạnh dạn thay đổi cung cách làm ăn của người dân. Đó là những tư tưởng “vượt lên chính mình” để tạo ra những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

1496306841860.jpgNông dân xã Thanh Liên (Thanh Chương) chuyển đổi trồng cây thanh long ruột đỏ. Ảnh: Mai Hoa

Dù vậy, soi vào bình diện chung của cả tỉnh, Thanh Chương vẫn chưa tạo ra sự phát triển rõ nét và toàn diện mà đang ở dạng “bình bình”. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt thấp hơn bình quân chung cả tỉnh, mặc dù địa phương có truyền thống hiếu học và học giỏi; con em Thanh Chương xa quê rất thành đạt.

Điều này được các cấp ủy, chính quyền ở Thanh Chương mạnh dạn nhìn thẳng, phân tích rõ nguyên nhân: bên cạnh các yếu tố khách quan thì quan trọng nằm ở tư tưởng bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó trong chính cán bộ và nhân dân. Bởi vậy, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Thanh Chương đã ban hành Đề án số 04/ĐA-HU ngày 10/10/2016 về Tiếp tục đẩy mạnh công tác tư tưởng, khắc phục bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn; đổi mới cách nghĩ, cách làm tạo sự đồng thuận cao để phát triển.

Đồng chí Phan Đình Hà - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, chia sẻ: Để có thể đẩy lùi, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ngại khó, trước hết, mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần nhận thức rõ các biểu hiện, từ đó mới đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Chính vì vậy, quá trình xây dựng đề án, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức điều tra thông qua gửi bộ câu hỏi để các chi bộ  cũng như Đảng bộ cơ sở và Huyện ủy thảo luận dân chủ, thẳng thắn.

Qua đó trả lời câu hỏi có hay không, mức độ nặng, nhẹ và các biểu hiện cụ thể về bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn từng cấp. Đây được coi là một bước tuyên truyền “tiền” đề án ở cơ sở. Theo đó, hầu hết các cấp ủy đảng đều khẳng định có những biểu hiện này từ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, chỉ ra một cách rõ ràng về các dấu hiệu cụ thể, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và giải pháp khắc phục.

Đối với xã Thanh Khê, nêu ví dụ về tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi, ngại khó biểu hiện ở trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Hào - Bí thư Đảng ủy xã, cho rằng: Tư tưởng bảo thủ trong cán bộ đó là việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chưa sát với thực tiễn địa phương; chưa dám đổi mới phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành; chưa dám nhìn vào cái sai của mình trong việc xử lý công việc, xử lý đơn thư khiếu nại, để công dân khiếu nại lên cấp trên.

Còn đối với đảng viên và nhân dân, đó là bảo thủ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho rằng sản xuất như lâu nay là tốt rồi, không cần áp dụng tiến bộ KHKT mới; nếp sống văn hóa cũng tốt rồi không cần thay đổi; hoặc bảo thủ, không chấp nhận theo kết luận của các cấp chính quyền trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, mặc dù chính quyền đã giải quyết thỏa đáng. 

Tương tự, ở xã Thanh Đồng, đồng chí Nguyễn Văn - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho rằng: Cán bộ, đảng viên từ bảo thủ dẫn đến ngại khó, trông chờ, ỷ lại, sớm thỏa mãn, không dám đổi mới theo hướng tích cực, tiến bộ. Bởi vậy, phương thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự đổi mới, quyết liệt để đưa phong trào địa phương và từng thôn xóm đi lên; kể cả trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các vấn đề nhân dân quan tâm.

Cán bộ cấp dưới không chịu giải quyết công việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình mà ỷ lại cấp trên; cán bộ chuyên môn không chịu trăn trở tìm giải pháp để tham mưu cho lãnh đạo, ngược lại trông chờ vào sự chỉ đạo của lãnh đạo; cán bộ ngành, đoàn thể này ỷ lại công việc cho ngành, đoàn thể khác. Về phía người dân còn trông chờ ỷ lại vào nhà nước, vào tập thể nên chưa thật sự nhiệt tình và đồng thuận đóng góp xây dựng, sửa chữa đường giao thông, trường học... Về tư tưởng sớm thỏa mãn, đó là xem mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình như thế là tốt rồi, không chịu khó học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để công việc được hiệu quả hơn trong cán bộ và trong nhân dân thì cho rằng, sản xuất như vậy đã đủ ăn, không cần phải mở rộng, đầu tư thêm nữa...

Giải pháp và những chuyển biến

Theo đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương: Từ thực tiễn đặt ra, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Chương đều nhận thức và xác định việc khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn là cần thiết; đồng thời là nhiệm vụ lâu dài. Tuy nhiên, phải có phương pháp và bước đi phù hợp, đi bước nào chắc bước đó. Và cũng theo đồng chí Đặng Anh Dũng, giải pháp mang tính tổng thể nhất, đó là đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, làm cho từng cán bộ, đảng viên và người dân nhận diện được những biểu hiện bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn, từ đó có ý thức tìm giải pháp khắc phục ở từng tổ chức, cá nhân.

Gắn với đó là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là chú trọng khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm, hạn chế thông qua kiểm điểm đã chỉ ra. Mặt khác, ở cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm tăng cường giao lưu, học hỏi, tham quan học tập cách làm hay, vận dụng hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn của địa phương, đơn vị...

Mô hình chăn nuôi lợn đen ở xã Thanh Mỹ (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở các giải pháp tổng thể chung được BTV Huyện ủy đề ra, các cấp ủy căn cứ vào tình hình của địa phương, đơn vị để đề ra các giải pháp phù hợp và bước đầu tạo được một số chuyển biến tích cực. Ghi nhận chung, đó là cán bộ chăm lo và có ý thức tốt hơn đối với công việc, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, tồn tại ở cơ sở.

Đơn cử ở xã Thanh Khê, cấp ủy, chính quyền đã tập trung giải quyết vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân, với khoảng hơn 90 hộ được cấp. Bên cạnh đó, chú trọng công tác vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí NTM và vận động nhân dân hiến đất không lấy tiền đền bù để mở rộng đường huyện đi qua địa bàn xã hơn 1 km.

Còn ở xã Thanh Tiên tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống, thông qua rà soát, bổ sung hệ thống các quy chế làm việc của các tổ chức, đơn vị, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; tăng cường phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. 

Đối với người dân trên địa bàn, bước chuyển rõ nhất đó là dám đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, thông qua hưởng ứng thực hiện một số đề án phát triển cây cam, bưởi diễn, gà đồi Thanh Chương... mà huyện đang triển khai. Riêng đối với cây cam, hiện tại, 50 ha diện tích được phát triển mới. Hay như trong xây dựng NTM, bên cạnh các địa phương có điều kiện thuận lợi thì tại nhiều địa phương khó khăn, người dân cũng đồng thuận hưởng ứng tích cực. Nhờ đó, đến thời điểm này, toàn huyện có 9/39 xã hoàn thành NTM. Các xã còn lại đạt bình quân 13,63 tiêu chí; 2 xã đạt thấp nhất cũng ở 8 tiêu chí...

Có thể khẳng định, những chuyển biến thời gian gần đây ở Thanh Chương, ngoài tác động từ các chỉ thị, nghị quyết trúng và đúng của các cấp ủy Đảng, không thể phủ nhận đến vai trò, hiệu quả mà Đề án 04/ĐA-HU của Huyện ủy mang lại. 

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN