Hơn 40 năm cầm bút, là phóng viên thuộc thế hệ đầu trong kháng chiến chống Mỹ, lăn lộn khắp các chiến trường khu IV, khu V...Đó là những năm tháng sống, chiến đấu và viết, mà theo nhà báo Trần Hợi "đó là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời". Nhân kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06), xin được giới thiệu về nhà báo chiến trường này...

Sinh năm 1935, tại Thanh Hà, Thanh Chương, năm 1953, đang học dở lớp đệ nhị trường Đặng Thúc Hứa, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 18 tuổi Trần Hợi lên đường đi thanh niên xung phong, sau đó chuyển sang bộ đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, bác chuyển sang làm văn thư đại đội quân y, trung đoàn 174, rồi sau đó theo sư đoàn 316 trở lại Điện Biên xây dựng kinh tế.


Năm 1958, bác được cử đi học tại trường văn hóa Lạng Sơn, đến năm 1960 học tiếp trường ĐHSP khoa Ngoại ngữ. Đang học dở năm thứ 3, thì chiến tranh mở rộng, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt ở chiến trường miền Nam. Trước tình hình mới, để đáp ứng yêu cầu chiến trường, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam điều động số quân nhân là sinh viên các trường ĐH về Quốc Oai (Hà Tây cũ) học lớp báo chí cấp tốc. Lớp học này do các nhà báo lão thành: Quang Đạm, Lưu Quý Kỳ, Hàm Châu...giảng dạy. Sau một thời gian "thử thách", rèn luyện, 20/10/1966, lớp báo chí chia làm 4 đoàn đi vào khu V, Nam Bộ, Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên.


Thời gian ở khu V, Trần Hợp vừa là lính, vừa là nhà báo, đi theo các đơn vị bộ đội để thâm nhập thực tế. "Làm phóng viên chiến trường lắm gian nan, vất vả, sự sống-cái chết trong gang tấc. Sau mỗi trận đánh, lại ghi chép, cặm cụi viết. Viết xong bài, muốn gửi ra Bắc cũng không phải dễ, có lúc phải mất hàng tháng trời. Cách duy nhất để thông tin kịp thời là gửi nhờ theo những đồng chí ra Bắc công tác.

Còn nhớ, có lần theo quân đến Phổ Cường, Đức Phổ, ban ngày trú ẩn dưới hầm bí mật, ban đêm theo chân bộ đội, giao liên vào nhà dân tìm hiểu thực tế cuộc sống trong vùng địch tạm chiến, đang đi thì địch bắn phá, may có giao liên dẫn đường nên thoát chết; Chính sự gian nan, nguy hiểm trong chiến đấu đó đã làm giàu vốn sống, vốn kinh nghiệm để sau này bác có những trang viết về gương chiến đấu hi sinh anh dũng của đồng bào, tái hiện những trận đánh, những chiến công của quân và dân ta một cách chân thực và sinh động trên tờ Quân đội nhân dân với chuyên mục "Bài từ miền Nam gửi ra".


Năm 1968, bác bị thương và được đưa ra miền Bắc điều trị, sau đó chuyển về báo Quân khu IV. "Ngày đó, phóng viên chúng tôi mỗi ngườisắm chiếc xe đạp Thống Nhất để tác nghiệp. Trước ngực đeo chiếc máy ảnh, bên hông đeo khẩu súng ngắn, vai mang chiếc đài Mẫu đơn, đằng sau xe nào là lương khô, mì hột, gạo, bi đông nước..., tôi đã rong ruổi khắp các trọng điểm, những trận địa ác liệt như Vĩnh Linh, Quảng Bình, Quảng Trị, ghi chép và viết".

Ở báo Quân khu IV, bác, được giao phụ trách toàn bộ phần ảnh trên báo để có những bức ảnh có giá trị nhiều lúc phải đổi bằng xương máu. Với sự nhiệt tình, xông xáo và những cống hiến trong nghề, lớp nhà báo- chiến sỹ thời đó: Cao Tiến Lê, Nguyễn Đàm, Trần Hợi, Đậu Kỷ Luật...nhiều lần được Bộ tư lệnh và Tổng cục Chính trị khen ngợi...


Đến năm 1977, bác chuyển sang làm trưởng phòng văn hóa Thành phố Vinh, sau đó làm trưởng phòng Văn nghệ, rồi trưởng phòng biên tập thời sự của Đài PT-TH tỉnh đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Về hưu, bác là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo, nhiều tạp chí chuyên ngành, là chủ biên của nhiều cuốn sách có giá trị...

Với những cống hiến của mình bác được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương chiến thắng chống Pháp hạng Nhì; Huân chương chiến sỹ vẻ vang I,II,II; Huy hiệu vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...

 

Bút ký lịch sử "Phác thảo vùng di tích lịch sử-văn hoá Trường Thi-Bến Thủy" (Phần 5: Phà hai lần anh hùng-hai cá nhân anh hùng-một con người) sẽ đăng ở trang 7 số Cuối tuần tiếp theo, mời các bạn đón đọc.


Thanh Phúc