Tôi quen biết anh Quốc Bảo từ thời trực lãnh đạo tại Ban Kinh tế Nghệ Tĩnh (1980 - 1983). Anh thường đến ban nắm tình hình và thăm anh Nguyễn Hữu Đợi lúc bấy giờ là Ủy viên ban thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban. Giữa anh Quốc Bảo và anh Hữu Đợi có mối thâm tình. Hai anh là đồng hương Quỳnh Lưu với nhau nhưng quan trọng hơn hai anh đều đồng cảm gần gũi và nhiệt thành với Nông nghiệp, Nông thôn và nông dân.
Khi hai anh tâm đạo với nhau, tôi thường "chầu rìa" thỉnh thoảng mới thêm vào mấy câu cho mặn mà câu chuyện.
Thời kỳ tôi sang làm ở Sở Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm, anh Quốc Bảo không phải là phóng viên được phân công phụ trách ngành nhưng anh rất quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ thiên nhiên môi trường. Khi có những chủ trương mới hoặc tình hình mới, anh thường điện thoại hoặc trực tiếp sang cơ quan nắm tình hình và nhiều lần đi thực tế với chúng tôi.
Tôi còn nhớ như in thời kỳ 1985 - 1986, kinh tế khó khăn, nhiều nơi thiếu đói, một số khu rừng bị chặt phá nghiêm trọng nhất là những khu rừng thông nhựa Can Lộc (nay thuộc Hà Tĩnh), Nghi Lộc mà chúng tôi gọi là "Trọng điểm Song Lộc", lúc bấy giờ anh Quốc Bảo cùng chúng tôi vào mời lãnh đạo huyện Can Lộc cùng đi kiểm tra, tìm biện pháp khắc phục. Nhìn hàng loạt những gốc thông bị chặt, nhựa chảy ra đỏ như máu, anh thực sự xót xa xúc động.
Lúc làm việc với lãnh đạo huyện, ý kiến anh Quốc Bảo rất sắc sảo và có tâm. Theo anh đây không đơn thuần chỉ là vấn đề bảo vệ mà là vấn đề xã hội. Anh đề xuất biện pháp khẩn trương là Tuyên truyền giáo dục, dựa vào dân, phân loại đối tượng để xử lý.
Hôm sau trên trang Nhất Báo Nghệ Tĩnh có bài "Rừng thông trứa máu". Anh phân tích tình hình, đề ra các giải pháp để các cấp các ngành nghiên cứu thực hiện. Những bài báo của anh đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng, bảo vệ xây dựng rừng hiệu quả.
Sau khi về hưu, chúng toi thường gặp anh ở Trụ Sở Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, cùng nhau đóng góp những bài viết cho tạp chí Khoa học và ứng dụng" của Liên hiệp. Những bài viết của anh thường mang tính chiến lược sắc sảo về kinh tế thị trường, kinh tế tri thức, công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Do tư duy nhạy cảm và sớm nắm bắt Công Nghiệp Thông tin hiện đại, bài viết của anh thường giàu lượng thông tin mới. Anh thường trao đổi bài, giúp tôi hiểu biết thêm về Internet, Wesite, để nghiên cứu học tập và cũng có khi anh "đặt hàng" tôi viết những bài có tính chuyên ngành dùng cho những tờ báo hoặc tạp chí mà anh tham gia biên tập.
Hôm nghe tin nhà báo Quốc Bảo qua đời, tôi thực sự bàng hoàng như sét đánh ngang tai.
Anh mất đi, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng ta mất một người bạn, một nhà báo tâm huyết với ngành và bà con nông dân, nông thôn.
Nhân ngày nhà báo Việt Nam, từ đáy lòng tôi nhớ tới anh mà viết nên những suy nghĩ sâu thẳm về anh thay lời mặc niệm.