“Mưa dầm” thấm lâu, cả gia đình chị Gián đều ngộ ra được cái tính nhân văn trong cách hành xử của người cha sau khi cụ qua đời. Hiện, các thành viên trong gia đình chị Gián đều noi gương cha mẹ, và có trên 40 người tình nguyện đăng kí hiến xác sau khi qua đời.


Đám tang diễn ra một cách giản dị: Thi hài người quá cố được đắp bằng một tấm chăn trắng đặt phía sau một bàn vong nghi ngút khói hương. Khách đến viếng, mỗi người một cây nhang cắm vào chiếc lư rồi lui ra đứng thành hàng dài hai bên . . .

 

775870_small_74540.jpg


Thi hài người quá cố được đưa lên xe về TP Hồ Chí Minh phục vụ việc nghiên cứu khoa học.


Không trả về cho cát bụi

 

Cuối năm 2007, sau một cơn nhồi máu cơ tim, cụ Dương Tự Tín, trên 80 tuổi ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đột ngột qua đời. Nhớ lời di ngôn, gia đình cụ quàn thi thể tại nhà đồng thời phát tang không qua tẩm liệm. Bà con hàng xóm và những người trong thân tộc đến viếng đều tỏ ra ngạc nhiên bởi tại vùng quê này chưa ai tổ chức một đám tang như thế.

 

Khi đó, một chiếc xe của cơ sở mai táng đỗ xịch trước nhà. Những người trên xe mặc áo blouse trắng, mang bảng tên của Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh bước xuống. Họ im lặng vào nhà. Đứng trước bàn vong, các thành viên trong đoàn thành kính đốt nhang khấn vái. Họ tiến đến bên thi hài người quá cố làm những thủ tục cần thiết rồi trân trọng đưa vào túi nylon có dây kéo khóa lại. Sau đó, 4 người nâng chiếc túi nylon lên cao đặt vào chiếc hòm sắt để gần đó và đậy nắp.

 

Một tấm vải màu đỏ viền tua chung quanh và dòng chữ: “Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, quà tặng cho sự sống” phủ lên trên. Chiếc xe mang thi thể cụ Tín rời khỏi nhà hướng về TP Hồ Chí Minh. Những người có mặt trong buổi đưa tang hôm ấy ai cũng ngẩn ngơ. Một cái chết đơn sơ và giản dị đến thế sao, một việc mà ở địa phương này chưa ai làm.

 

Tiếp xúc với gia đình, chúng tôi được biết đây là ý nguyện của cụ Tín. Trước khi qua đời cụ đã làm đủ các thủ tục hiến xác cho Trường Đại học Y dược, phục vụ cho các công trình nghiên cứu khoa học.

 

Chị Dương Thị Gián - con gái lớn của cụ Tín cho biết: “Khi bị nhồi máu cơ tim, cha tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Biết mình tuổi cao khó lòng qua khỏi, cha tôi nhiều lần nhắc đi nhắc lại, phải báo cho Trường Đại học Y dược đến nhận xác khi ông qua đời. . .”. Sau khi hiểu ra mọi việc, bà con nơi đây đã bày tỏ lòng kính phục một cụ già có tấm lòng rất nhân hậu muốn hiến thân xác mình phục vụ cho các công trình nghiên cứu y học nhằm mục đích cứu người.

Thay vì cát bụi trả về cho cát bụi, cụ Tín không làm cái việc bình thường như bao người khác đã làm. Cụ đã vươn lên đến một mục đích cao cả hơn và điều đó đã làm cho biết bao người dân Đồng Tháp hết lòng ngưỡng mộ.

 

Cả gia đình hiến xác

 

Chị Gián dẫn chúng tôi tham quan căn nhà, chỉ vào những kỉ vật mà cụ Tín thường sử dụng khi còn sống. Chị Gián nói: “Thuở sanh tiền, cha tôi là một người luôn tiếp cận với thông tin hằng ngày”. Chỉ vào những kỷ vật của cụ Tín, trong đó có dàn máy tính, chị Gián nói tiếp: “Có lẽ nhờ những thứ này. Ngày nào cha tôi cũng xem báo và đọc các thông tin trên mạng. Những thông tin trên các báo và Internet có lẽ đã làm cho cha tôi thấy rõ việc hiến xác là cần thiết. Thế rồi trong những lần cả gia đình trò chuyện, cha tôi bày tỏ ý nguyện muốn hiến xác sau khi qua đời. Trong thâm tâm chúng tôi không ai muốn điều này cả vì theo tập quán muôn đời, người chết cần có được mồ yên mả đẹp để con cháu đến viếng”.

 

“Mưa dầm” thấm lâu riết rồi cả gia đình chị Gián đều ngộ ra được cái tính nhân văn trong cách hành xử của cụ Tín sau khi cụ qua đời. “Mới đây, ngày 30/3, mẹ tôi, cụ bà Phan Thị Mận ra đi ở tuổi 86. Cùng một tâm nguyện với cha, mẹ tôi cũng hiến xác cho khoa học. Đám tang được tổ chức nhanh gọn. Sau đó thi hài được gia đình chuyển giao cho Trường Đại học Y dược”, chị Gián bồi hồi kể lại.


Hiện nay, các thành viên trong gia đình chị Gián đều noi gương cha mẹ, và có trên 40 người tình nguyện đăng kí hiến xác sau khi qua đời. Gần đây, gia đình chị Gián đã cung cấp các mẫu đơn và hướng dẫn thủ tục cho một nhà giáo ở thị xã Sa Đéc đăng ký hiến xác.

 

Một cán bộ xã Hòa An cho biết, sự kiện gia đình cụ Tín tình nguyện hiến xác phục vụ nghiên cứu khoa học đã khiến cho quan niệm chết toàn thây với ngôi mộ chỉn chu từ bao đời nay của người dân nơi đây bị lung lay. Bà con cũng đã nhận thức được nghĩa cử cao đẹp này và đang dần biến thành phong trào.

 

Trước đây, khi cụ Tín đem giấy tờ ra xã để xin xác nhận việc hiến xác đã làm không ít cán bộ phụ trách bỡ ngỡ. Nhưng rồi sau đó, mọi người đã hiểu ra và đã thực hiện đúng tâm nguyện của người muốn hiến xác giúp đời. Hiện nay, các thành viên trong gia đình cụ Tín rất tự hào về những nghĩa cử cao đẹp của cha mẹ mình. Càng tự hào hơn khi ngày càng có thêm nhiều người noi gương hai cụ hiến xác. Càng ngày, họ càng ngộ ra rằng chết không có nghĩa là hết. Chết nhưng cái chết còn giúp được nhiều người sống mới là một việc làm vô cùng ý nghĩa…


Theo CAND-M