(Baonghean) - Trong cuốn “Thanh Chương xưa và nay”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, trang 230 có in bài nghiên cứu của ông Trần Bá Chi, nhan đề: “Đỗ Bá Công Đạo với bản đồ Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa).
Lý do ông nghiên cứu là: Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) còn giữ được sách Hồng Đức bản đồ (ký hiệu A2499), trong đó có Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Qua tập bản đồ ấy, ta thấy tên Đỗ Bá Công Đạo ghi vào lạc khoản của 2 phần như sau:
Trong sách Hồng Đức bản đồ, sau khi trình bày 13 bản đồ vẽ hình thế 13 xứ Thừa tuyên đời Lê Thánh Tông (1460-1497) và một bản đồ nước ta không có tiêu đề và niên đại, người ta thấy có phần Mục lục tổng quát bản đồ nước ta tổng hợp số phủ, huyện, châu, xã, thôn… thuộc 13 thừa tuyên và ghi tác giả là: “Nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá, tự là Công Dạo, quê xã Bích Triều, huyện Thanh Giang, phủ tập". (Phủ là một khiêm từ có nghĩa như cẩn, kính nay ít dùng, chứ không phải tên hiệu của tác giả là Đạo Phủ).
Bãi cát vàng trong Tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá Công Đạo sưu tập soạn vẽ .
Đến một phần quan trọng là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư vẽ 4 tuyến đường khởi từ Thăng Long đi ra 4 phía. Mở đầu phần này có Lời dẫn Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và ghi tác giả là: “Nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá, tự Công Đạo, người xã Bích Triều, huyện Thanh Giang phủ soạn” (phần trên tác giả ghi phủ tập có nghĩa là tập hợp những tác phẩm người trước để biên tập lại, còn phần sau ghi là phủ soạn tức là phần chính do mình soạn ra).
Trong phần Tứ chí lộ đồ (bản đồ đường đi bốn phía) ở quyển I, thể hiện đường đi từ kinh thành Thăng Long đến Chiêm Thành, đoạn vẽ địa hình, địa mạo phủ Quảng Ngãi, phần chú giải trên bản đồ có nói tới Bãi cát vàng (tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ngày nay); đó là nội dung của tập bản đồ. Song một số vấn đề cần được làm rõ là tác giả và niên đại của bản đồ này, như Đỗ Bá Công Đạo là ai? Bản đồ vẽ vào thời nào? Xã Bích Triều huyện Thanh Giang ở đâu? Cần giải đáp những câu hỏi đó để tôn vinh, vì đây là một trong những tài liệu rất quan trọng để xác định chủ quyền biển đảo nước ta.
Kết quả nghiên cứu của ông Trần Bá Chi cho thấy: Căn cứ vào lạc khoản ghi tác giả, quê quán (cũ) trong bản đồ, ông đã tìm ra họ Đỗ này chính là họ Đậu ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Ông căn cứ vào cuốn sách Thanh Chương huyện chí của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch viết đầu thế kỷ 19, có chép: “Đỗ Công Luận, tự Công Đạo, người thôn Cẩm Nang, xã Bích Triều, huyện Thanh Chương”. Huyện Thanh Giang đổi thành huyện Thanh Chương vì thời Lê Trung Hưng, kỵ tên húy Trịnh Giang (1729-1740).
Gia phả dòng họ Đậu xã Thanh Mai ghi: “Họ ta xưa có Đỗ Bá, tự Công Luận hoặc Công Đạo, tuổi trẻ đã đậu hương giải, triều đình gia ơn cho làm giám sinh nhưng ông không lấy làm mừng. Ông lại là ấm tử được bố làm tri huyện Thạch Hà, ông cũng không muốn làm quan. Vào khoảng thời Chính Hòa (1680-1705) ông từ quan, giả dạng người buôn Sông Lam, vượt vùng biển Thuận – Quảng (nay là đất từ Quảng Bình đến Phú Yên) xem xét núi sông, đường biển xa gần vẽ bản đồ mang ra Bắc, hiến kế Nam chinh mở rộng biên cương. Chúa Trinh (Trịnh Căn) rất mừng, mang bản đồ cất đi. Lại trưng dụng ông soạn vẽ cho Tứ chí lộ đồ.
Tóm lại, Tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá Công Đạo sưu tập soạn vẽ theo lệnh của Chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) là văn kiện của của Nhà nước, một tài liệu chính thức của quốc gia. Vinh dự tự hào thay, con người tài năng đó lại chính gốc Thanh Chương, Nghệ An.