(Baonghean) - Không biết từ bao giờ, người Diễn Châu (Nghệ An) đã biết bám biển, sống dựa vào biển. Thế hệ nối tiếp thế hệ, những người con dạn dày sóng gió biển khơi từ mảnh đất này lại dong buồm ra khơi đem về cơ man nào là tôm, là cá. Cũng chính từ cái duyên với biển đó đã đưa rất nhiều người con Diễn Châu đến với hàng ngũ lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, ngày ngày đang vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. 
 
Trong căn nhà cũ kỹ, nằm khép mình bên quốc lộ 1A, khi chúng tôi đến, hai ông bà ngoại tuổi ngũ tuần đang “đánh vật” với hàng tấn lạc mùa chưa kịp trảy. Đó là gia đình ông Đậu Quang Minh và bà Hoàng Thị Quế, ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, là bố mẹ của Thiếu úy hải quân Đậu Văn Thường. Hiện, anh đang là pháo thủ tại nhà giàn DK1.
 
Khi nghe chúng tôi trình bày lý do đến thăm nhà, ông bà tỏ vẻ mừng lắm. Người già thường ngại cảnh lẻ loi vắng vẻ, có khách đến thăm, câu chuyện tâm tình cũng đỡ quạnh hiu. Ông Minh chia sẻ, ông từng là trinh sát thuộc Trung đoàn 27, sư đoàn 320B, vào sống ra chết giành giật từng tấc đất với Mỹ - Ngụy tại chiến trường Trị - Thiên trong giai đoạn 1971 -  1975. Chiến công cũng nhiều, giấy khen và kỷ niệm chương cũng không phải ít, nhưng ông chẳng bao giờ treo ra ngoài. Tất cả những chứng tích, bằng khen, giấy khen, ảnh kỷ niệm của ông và cả hai cậu con trai đều khiêm tốn nằm gọn trên một góc tường cạnh phòng khách. Người lính già điềm đạm ít kể về mình, chỉ khi hỏi về cậu con trai - Thiếu úy Đậu Văn Thường, ông mới tự hào tâm sự.

766754_small_64270.jpg
 Ông Đậu Quang Minh tiếp chuyện với PV.

Thiếu úy Đậu Văn Thường (sinh năm 1983) nhập ngũ từ năm 2003, sau khi học xong lớp pháo binh, anh được cử về phục vụ tại Lữ đoàn 171 Hải quân. Ba năm nay, anh trở thành pháo thủ chính của nhà giàn DK1/14, khung quản lý DK1, vùng II Hải quân. Đã mấy cái Tết liền anh không được về bên mâm cơm gia đình ấm áp, cách đây một tháng, anh được xét diện nghỉ phép tranh thủ về thăm nhà.
 
“Hắn về thăm nhà mà có được nghỉ ngơi ngày mô. Sắp đến mùa bão lũ, sân vườn nhà thấp quá, hắn lại thương bố mẹ già không biết xoay xở răng nên lại trằn ra đắp đất nâng nền.”, ông Minh ngậm ngùi kể. Bà Quế, mẹ anh Thường đang loay hoay với đĩa lạc rang đãi khách dưới bếp cũng nói với lên: “Được cái về lần ni lo xong việc trọng đại. Ăn hỏi rồi, chờ công tác ổn định rồi tiến hành cưới vợ thôi !”.
 
Ông bà cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp chung của anh Thường với các đồng đội ngoài nhà giàn DK1. Người con của biển rắn rỏi mặn mòi, da ánh màu của nắng đang vững vàng cầm chắc tay súng, cùng với đồng đội bảo vệ vùng biển vùng trời Tổ Quốc. Trong câu chuyện quanh bàn trà, ông bà Minh tự hào về cậu con trai của mình lắm! Ông bà bảo anh Thường hiền lành, khỏe mạnh, 18 tuổi gia đình quyết định xin cho anh gia nhập bộ đội hải quân, “để kỷ cương quân sự rèn luyện thành người”. Dẫu để con đi thì cảnh nhà thưa vắng, nhưng ông bà luôn tâm niệm, phục vụ Tổ Quốc là trọng trách mà mỗi người con đất nước phải góp phần, luôn động viên anh đảm bảo sức khỏe, công tác tốt, không chùn bước trước bất cứ thử thách nào. Nhờ vững vàng tinh thần, anh Thường mấy năm liền đều được tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong rèn luyện và chiến đấu. 


 Giấy khen của đơn vị tặng Thiếu úy Đậu Văn Thường.

Ở ngôi nhà này, cái nghiệp “làm lính” đã bén duyên đến cả cậu con trai thứ- anh  Đậu Văn Bốn. Anh Bốn từng là y sỹ, phục vụ 4 năm trong Lữ đoàn 171 Hải quân. “Không phải gia đình ép buộc chi cả, nhưng mấy đứa từ nhỏ đều nghe tôi kể chuyện chiến trường, sống có lý tưởng lắm! Tôi 18 tuổi nhập ngũ, hai thằng con trai cũng đều rứa cả. Thanh niên trai tráng đi bộ đội, góp sức bảo vệ Tổ Quốc thì còn chi bằng!”. Còn với bà Quế, khi được hỏi nếu muốn chuyển lời đến cậu con trai đang ở ngoài đảo xa, bà sẽ nói gì? Bà rắn rỏi bảo: “Hoàn cảnh có khó khăn, hiểm nguy đến mấy, các con cũng phải đảm bảo sức khỏe, canh gác bảo vệ Tổ quốc, việc ở nhà đã có bố mẹ rồi, cứ yên lòng mà lo việc nước”.
 
Điều bất ngờ với chúng tôi khi đến thăm ông bà Minh là được biết thêm, trên địa bàn xã Diễn Thịnh cũng có nhiều gia đình có con em đang là bộ đội ở Trường Sa. Gia đình ông Hoàng Bảo và bà Cao Thị Kiệm ở cách nhà ông bà Minh chỉ mấy con ngõ nhỏ. Cả nhà ông, từ con trai đến con rể đều là lính Hải quân. Anh Hoàng Viết Tân (sinh năm 1982), con trai cả nhập ngũ từ năm 2001 và đã làm lính nhà giàn DK1 được ba năm. Anh Hoàng Nguyên Giáp (sinh năm 1985) là thủy thủ trên tàu Hải quân chuyên vận tải hàng hóa đi Trường Sa.
 
Bà Kiệm, mẹ anh Giáp cho biết, mỗi chuyến đi Trường Sa cũng dài đến ba tháng nên vợ đã mang bầu được mấy tháng nhưng  anh Giáp vẫn chưa về nhà thăm vợ được ngày nào, “làm vợ lính thì phải biết hy sinh” thôi. Tuy nhiên, trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông bà Bảo – Kiệm đều tỏ ra rất tự hào. “Chúng tôi mong con cái ở ngoài kia giữ gìn sức khỏe, vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền, biển đảo Tổ quốc”.
 
Ở Diễn Thịnh nói riêng, Diễn Châu nói chung còn có rất nhiều người cha, người mẹ của những chiến sỹ hải quân. Tất thảy họ, khi tiếp chuyện chúng tôi đều chỉ tâm niệm một điều, “nơi đầu sóng các con hãy vững tâm”.


Nguyễn Thành Duy