(Baonghean) - Đến xã Nam Giang (Nam Đàn), dừng xe vài ba lần hỏi thăm đường vào nhà ông Tuấn “trang trại”. Ai cũng biết và chỉ đường vanh vách: Cứ đến rú Bụt là gặp ông Tuấn. 
 
images1052615_trang_trai_ong_tuan.jpgThu hoạch chanh tại trang trại ông Tuấn.
 
Đi hết con đường làng ngoằn nghoèo, qua nhiều vườn cây cằn cỗi sỏi đá, đến cuối xóm 8, xã Nam Giang là chân rú Bụt. Trang trại ông Tuấn nằm ở Truông Và, đoạn đi qua chân rú Bụt, phía cuối dãy Đại Huệ. Ngay từ cổng vào đã bắt đầu nhìn thấy màu xanh ngút ngát trải dài của vườn chanh. Luồn qua những cành chanh nặng trĩu quả đan kín lối đi, gặp ông Nguyễn Đức Quang (ở xóm 9, xã Nghi Diên, Nghi Lộc) đang trèo trên cây hái chanh ném vào một cái thùng to ở dưới gốc. Ông Quang cho biết ông làm nghề thu mua chanh vài chục năm nay, đã từng đi thu mua chanh khắp vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, và chưa bao giờ ông gặp trang trại chanh lớn và hiệu quả như trang trại chanh nhà ông Tuấn. Trong 2 năm trở lại đây, gần như ngày nào ông và các bạn hàng cũng liên tục có mặt tại trang trại ông Tuấn thu mua chanh đem về xóm 9, Nghi Diên (Nghi Lộc) để nhập cho đầu mối tiêu thụ chanh lớn nhất trong vùng. Mùa chanh này, từ giữa tháng 5 âm lịch đến nay, ngày nào ông Quang cũng thu mua ít nhất 250 kg. Đó là chưa kể những người thu mua khác. Ấy vậy mà đến nay cũng mới chỉ thu hoạch được khoảng 2/3, các cây chanh trong vườn vẫn còn lúc lỉu trĩu nặng những chùm quả.
 
Bà Trần Thị Thanh - vợ ông Tuấn, cho biết tên thật của chồng mình là Nguyễn Tuấn Anh  (sn 1963), do lúc trẻ người làng gọi “anh Anh” nghe không thuận, nên gọi tắt là “anh Tuấn”, dần dà thành tên gọi quen thuộc, từ khi khấm khá với kinh tế trang trại thì người ta gọi là ông Tuấn “trang trại”. Nhiều người cho rằng ông Tuấn có biệt tài về kỹ thuật chăm sóc cây cối, nhất là cây chanh. Nhưng hơn ai hết, chính ông và vợ ông biết rằng tất cả chỉ là do khát vọng làm giàu, do ý thức không chấp nhận cam chịu đói khổ, bằng sự say sưa tìm hiểu khoa học kỹ thuật, gắn bó với cây như con, cần mẫn theo dõi chăm sóc từng ngày, mà ông Tuấn trở thành “chuyên gia” về cây chanh như ngày nay. Bởi trước năm 2002, ông Tuấn chỉ là một nông dân có thêm nghề thợ xây, bà Thanh lúc nông nhàn thì buôn bán rau dưa nhỏ lẻ ở chợ quê. Anh Bằng (sn 1986), con trai ông Tuấn cho biết hiện trang trại của gia đình có hơn 1.000 gốc chanh. Chuyện các gốc chanh cho quả trên 150 kg/vụ không còn là chuyện lạ. Theo anh Bằng thì chưa lúc nào chanh được giá như thời điểm hiện nay. Nếu đầu mùa chỉ 8.000 đồng/kg, thì đến nay bán tận gốc do người mua tự hái là 16.000 đồng/kg. Tại thời điểm này mỗi ngày trang trại ông Tuấn bán ra từ 5 -10 tạ chanh, thu từ 8 -16 triệu đồng. Vì thế vài năm trở lại đây trang trại này thu nhập lớn và đều đặn từ quả chanh. 
 
Biết gia đình ông Tuấn làm ăn lớn từ cây chanh, nhiều người đến học hỏi mô hình và ông Tuấn không ngần ngại chia sẽ. Khoảng 2 năm nay, năm nào người đặt mua chanh giống cũng nhiều, ông Tuấn có thêm nghề sản xuất chanh giống. Năm 2013, ông đã bán 3.700 cây chanh giống do khách đặt mua. 9 tháng đầu năm 2014 bán được 2.000 cây. Ông Tuấn cho biết nếu giá trị trường khoảng 20.000 đồng/cây giống, thì ông chỉ bán 15.000 đồng/cây giống, coi như đó là chút kinh nghiệm của người đi trước chia sẽ và tạo điều kiện cho người đi sau. Hiện giờ trang trại vẫn đang còn khoảng hơn một vạn cây chanh giống. 
 
Vào sâu trong trang trại mới biết, ngoài chanh là cây chủ lực, gia đình ông Tuấn còn thâm canh và xen canh đa dạng các loại cây. Trong vườn ông có đủ các loại như: mít Thái, bưởi, nhãn, vú sữa, cam, xoài... đều đã cho thu nhập. Ông Tuấn còn đào hồ, xây kè, vừa lấy nước tưới, vừa nuôi cá. Nhận thấy khu vực trang trại có nhiều loài hoa, ông Tuấn còn mở rộng nuôi ong mật. Với khoảng 50 bầy ong mật, ông Tuấn không chỉ sản xuất lấy mật ong, mà còn trở thành điểm cung cấp ong giống cho nhân dân trong và ngoài vùng. Mỗi “cầu” ong giá 250.000 đồng, mỗi thùng gỗ cho một bầy ong mật giá 300.000 đồng. Mỗi thùng có thể nuôi ít nhất một “cầu”, nhiều thì có thể lên đến 4, 5 “cầu”. Hiện giờ, mỗi bầy ong mật ông Tuấn có thể “nhân” lên 4 bầy khác. Người nuôi ong ngày càng nhiều, kể cả người ở khu vực thành phố, ong giống hiện nay luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. 
 
Năm 2008, khi gia đình ông mua khu đất này làm trang trại, thì trước đó các ông chủ cũ đã bỏ hoang đến 27 năm. Hơn 5 ha vườn đồi và khu vực khe suối lúc đó chỉ có cây tạp. Trao đổi với chúng tôi, người nhà ông Tuấn cho biết, để cây chanh, cũng như các loại cây cối khác tươi tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, thì phải chăm bón đúng quy trình kỹ thuật. Muốn vậy, không thể làm ăn theo kiểu “nhờ trời”, mà phải đầu tư nhân lực, đầu tư kỹ thuật, phân bón, phòng trừ sâu bệnh… Chính vì vậy, với cây chanh, ông Tuấn luôn trực tiếp chỉ đạo về mặt kỹ thuật, còn các công việc như cuốc cỏ, bỏ phân, làm cột chống, chiết ghép chanh giống, thu hái quả chanh, mỗi năm hai vụ ông đều thuê từ 10 - 15 người làm hàng tháng trời. Với việc nuôi ong, cung cấp giống ong, các loại sản vật khác trong trang trại cũng vậy, ông đều tạo điều kiện cho một số bà con, nhất là những đối tượng khó khăn trong vùng có việc làm. 
 
Sau 6 năm khai khẩn ở chân rú Bụt, bằng trí lực và sức lực của một người ham học hỏi, ông Tuấn đã biến vùng Truông Và trơ trụi sỏi đá và những lùm cây dại rậm rạp thành một cơ sở kinh tế bền vững, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trong vùng, tạo môi trường cảnh quan và môi sinh tốt. Là người con quê hương Nam Giang, từ khi sinh ra, lớn lên đều gắn bó với Nam Giang, thế mà ông Tuấn đã đổi đời trên chính mảnh đất quê mình. Đến nay ông bà đã xây dựng hai khu vực nhà cửa khang trang ở nhà cũ và ở ngay trong trang trại (đều ở Nam Giang). Ngoài các phương tiện, tiện nghi hiện đại phục vụ sinh hoạt và thông tin nghe nhìn, tiếp thu tri thức mới, ông Tuấn còn mua xe ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu học hỏi, phục vụ việc kinh doanh, sản xuất để trang trại không ngừng phát triển.
 
Rời vườn chanh ngút ngát tầm mắt đang độ chính vụ, nhận lời mời trở lại thăm gia đình ông Tuấn vào ngày lấy mật ong, mà chúng tôi không khỏi suy nghĩ. Ở quê, làm giàu tại quê, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng đất đai hiệu quả và tạo việc làm cho người dân và góp phần làm giàu đẹp cho quê hương, điều đó thật đáng khâm phục. Đúng là rú Bụt có ông Tuấn...
 
 
Ngô Kiên