(Baonghean) - Một sáng Thu thành Vinh trong trẻo và đứng gió, tôi cùng ông ngồi nhâm nhi cà phê ven mặt hồ Goong phẳng lặng. Đài báo tin bão về ở đâu đó chưa gần nhưng cũng chẳng còn xa, thì ra, đôi khi đứng gió cũng là một dấu hiệu của bão! Khuôn mặt ông thật hiền, ánh mắt thì phẳng lặng... 
images1054155_dsc07214.jpgTác giả Hồ Phi Phục.

Cầm trên tay quyển “Kỷ niệm văn chương” tác giả Hồ Phi Phục đề tặng, từ thơ đến tạp văn, ngẫu văn, đọc mà không dứt ra được, càng đọc càng bị dẫn dụ và mê hoặc bởi thứ ngôn ngữ cắt cứa, nhiều va đập mà vẫn thanh thoát, tự do phóng khoáng mà ngổn ngang chất chứa, câu chữ hình ảnh mênh mang, siêu thực. Cảm giác như người đọc luôn gặp khó khi muốn đẩy đến sự tường tận các tầng nghĩa sâu, nhưng lại dễ bị xoáy hút vào suối nguồn cảm xúc lớn. Lại cũng thể như đang bắt gặp ở đó nỗi buồn của thông, của liễu. Thông gắn với đại ngàn, dáng vẻ trầm mặc, tĩnh lặng, kiêu bạc mà sâu kín. Liễu gợi nhớ cái đẹp mềm mại, yếu ớt, mong manh. Vậy nên, nếu đem soi chiếu văn chương của ông với sự học tính theo bằng cấp, rồi soi vào những công việc ông từng trải qua, chắc hẳn không ít người lấy làm lạ, thậm chí khó hiểu, khó tin? 

Sự học ở trường ở lớp, căn cứ theo hồ sơ thì ông là sinh viên Bách khoa, là cán bộ kỹ thuật đúng nghĩa. Bản thân ông cũng tự nhận mình là người đam mê khoa học tự nhiên, thạo nghề cơ khí và từng là một kỹ sư cơ khí “có số má” hẳn hoi... Còn môi trường công việc ông đã từng trải qua là kỹ sư cơ khí tại Cục Cơ khí (Bộ Công nghiệp), Ty Công nghiệp Nghệ An, rồi làm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Quỳnh Lưu, sau đó là cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQ tỉnh... Ấy vậy mà khi đọc tác phẩm của ông, hầu như ai cũng bất ngờ khi gặp một người viết có kiến văn rộng rãi, trí tuệ thâm sâu. Và sẽ thấy lạ hơn khi biết thời gian đời người ông dành cho sự viết rất ít, tác phẩm cũng không nhiều, tập hợp lựa chọn các bài viết mà ông ưa thích trong suốt thời gian qua, cùng với những tâm tình bè bạn, cũng chỉ nhõn một cuốn “Kỷ niệm văn chương” rất gọn ghẽ, mà đầy tính chuyên nghiệp. Bản thân ông không nghĩ mình là nhà văn, ấy vậy mà tác phẩm, giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật đã tự nó “kết nạp” ông vào một vị trí vững vàng trong lòng người đọc. 
 
Đem những thắc mắc nói trên tâm sự với tác giả Hồ Phi Phục, ông chậm rãi chia sẻ: “Nhiều người bảo mình viết cao siêu, diễn đạt bí hiểm. Mình thì chỉ thấy bình thường, vì đó là những suy nghĩ thường nhật và thường trực như thế. Có thể, đó là do từ nhỏ, mình có may mắn thường xuyên được tiếp xúc, học tập, sống và ảnh hưởng lối suy nghĩ của những nhân cách lớn, học giả lớn”. Lần tìm theo những điều ông nói, mới biết chính trong những tháng năm lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến cố lớn, sóng gió cách mạng đã đưa nhiều bậc đại trí thức đến với nhau và gặp nhau trên đường cách mạng. May mắn thay, Hồ Phi Phục là một trong số ít những cậu bé được tiếp xúc, lớn lên và thụ hưởng bầu không khí của những cuộc hội ngộ lớn những năm đầu kháng chiến đó. 
 
Hồ Phi Phục sinh năm 1937, ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), là hậu duệ của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương. Cố nội ông là cụ Hồ Phi Tự, liệt sỹ Cần Vương chống Pháp. Ông nội là cụ cử Hồ Phi Huyền, tác giả các tập sách có giá trị triết học, tư tưởng nổi tiếng: “Nhân đạo quyền hành” và “Đạm Trai văn tập”. Bố ông là cụ Hồ Phi Tường - lão thành cách mạng. Ngay từ nhỏ, Hồ Phi Phục đã được học chữ Hán với ông nội. Tiếp đó, hai năm đầu bậc tiểu học được học với thầy Trợ Bích (cụ Văn Đức Bích - bố của PGS. Văn Như Cương và là cháu của cụ Nghè yêu nước Văn Đức Giai), rồi theo học thầy Hàn Triệt, Hàn Ngữ... những cụ đồ nho giỏi giang, tiết tháo, xứng danh là truyền nhân của vùng đất trọng chữ nghĩa.
Bìa sách hợp tuyển xuất bản tháng 9/2014.

Một mối tình cảm duyên nợ giữa cụ Đặng Nguyên Cẩn và cụ Hồ Phi Huyền từ trước để rồi con cháu sau này có được nhiều qua lại, ấy là do quen biết nhau nên cụ Đặng Nguyên Cẩn gửi con là Đặng Thai Mai cho cụ Hồ Phi Huyền dạy học chữ Nho. Rồi cụ Hồ Phi Huyền gả con gái là Hồ Thị Toan cho cậu học trò thông tuệ Đặng Thai Mai. Thời kỳ vận động dân chủ trước Cách mạng tháng Tám (1945), khi nhà cách mạng - học giả Đặng Thai Mai bị địch giam giữ 3 năm, cụ Hồ Phi Huyền đưa con cháu ngoại về nuôi trong nhà. Sau cách mạng, cụ Đặng Thai Mai được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử về làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh Hóa. Cảm kích công ơn gia đình thầy giáo - bố vợ đã nuôi dưỡng vợ con mình trong thời kỳ bị chính quyền thực dân bắt và tù đày, cụ Đặng Thai Mai quyết định nhận một đứa cháu bên nhà vợ để đem theo chăm nuôi dạy dỗ, coi như một sự báo ơn. Cậu bé được gia đình cụ Đặng Thai Mai nhận nuôi dạy, theo gia đình cụ Đặng Thai Mai đi suốt nhiều năm dài kháng chiến, từ Thanh Hóa đến Chiến khu Việt Bắc, chính là Hồ Phi Phục.

 
Từ năm 1948 đến 1958, Hồ Phi Phục đã sinh sống, học tập, từ lúc còn là cậu bé 11 tuổi bé đến lúc trưởng thành, trong gia đình cụ Đặng Thai Mai. Những tháng năm không thể nào quên, cụ Đặng Thai Mai khi thì làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, khi thì làm Giám đốc Giáo dục Liên khu IV, rồi lên Chiến khu Việt Bắc làm Chủ tịch Ủy ban văn hóa kháng chiến. Thời kỳ đầu, vùng Quần Tín, Thọ Xuân (Thanh Hóa) được coi là “thủ đô” văn hóa kháng chiến với sự tập trung đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức. Cũng tại Thanh Hóa, khóa dự bị đại học đầu tiên trong kháng chiến được mở, đào tạo những văn nghệ sĩ, trí thức sau này trở thành những “rường cột” tham gia xây dựng sự nghiệp văn hóa, giáo dục, nghệ thuật của nước nhà thời kỳ độc lập. Tại Thanh Hóa, nhà cụ Đặng Thai Mai là nơi lui tới, giao lưu, gặp gỡ của những trí thức Nho học, Tây học như các cụ: Đào Duy Anh, Hải Triều, Nguyễn Thúc Hào, Trương Tửu, Nguyễn Xiển... Các nhân vật như tướng Nguyễn Sơn, nhạc sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Phạm Duy... Những người bạn quý khi thì gặp gỡ đàm đạo văn chương thế sự, khi thì luận bàn thời cuộc, có khi chỉ là cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi, có người lưu trú trong nhà dài ngày. Những người con ông bà Đặng Thai Mai - Hồ Thị Toan là Đặng Bích Hà, Đặng Thị Hạnh, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, Đặng Thái Hoàng, Đặng Xuyến Như, ngay từ nhỏ đã sống theo nếp nhà trí thức, suốt ngày đèn sách, đọc thơ lãng mạn và hát nhạc cổ điển. 
 
Khi các con cụ Mai lớn lên đi học xa, Hồ Phi Phục càng gần gũi và được học hỏi ở Đặng Thai Mai khá nhiều. Kho sách Đông - Tây, kim - cổ trong nhà học giả Đặng Thai Mai, Hồ Phi Phục đã đọc miệt mài say mê ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chính kho tàng kiến thức sách vở, trí tuệ và kiến thức uyên thâm, uyên bác của Giáo sư Đặng Thai Mai cùng các bạn hữu của ông mà Hồ Phi Phục cảm nhận và đón nhận được, là nguồn tri thức phong phú, sâu rộng, mở ra các chân trời tri thức rộng lớn ngay từ khi Hồ Phi Phục hãy còn rất nhỏ. Phải chăng nhờ đó mà trong thơ và tạp văn của ông, trong cách đọc, cách nghĩ, cách cảm, cách đến với đời và với người, với các danh nhân lịch sử văn hóa, với các vấn đề về cái đẹp, về thiên nhiên, về lịch sử, về cách mạng, đều chứa đựng tầm nhìn văn hóa, đều mang triết lý về ứng xử văn hóa. Hình tượng nghệ thuật trong các tác phẩm của ông luôn có xu hướng vẫy vùng, bứt phá, vượt thoát khỏi những giá trị nhất thời, hành động xu thời, tư duy thiển cận, hoạt động gò ép, suy nghĩ cầm tù, vô nghĩa hoặc bất nghĩa... để vươn đến những giá trị nhân văn, phổ quát: “Ngày lại qua ngày/ Cá bầm môi thành chậu/Tiếng chim kêu vướng lồng/ Mắt ai buồn đợi trông” (Ngày lại ngày); “Mũi mác đã kề cổ hươu, liền chợt hạ! Cậu mở một lối riêng đầy hoa lá/ ...Mũi mác tha hươu của cậu bé/Đã làm bực bội cả phường săn/Mũi mác khác thường không vô dụng/Nó trở thành ngòi bút nhà văn” (Cậu bé và hươu sao). 
 
Phải chăng, do được gặp, được học, được tiếp xúc, sinh sống với những người thầy, người bác, những nhân cách thực sự là những “hạt giống đỏ” buổi đầu kháng chiến, nên trong Hồ Phi Phục vẫn nguyên vẹn những tượng đài, thần tượng xác lập trong ông những hệ giá trị mang tính quy chuẩn. Tuy nhiên, không vì thế mà Hồ Phi Phục mất đi tư duy suy lý tỉnh táo, không ngây ngô với hiện tại hay chỉ bảo thủ với những hoài niệm xưa cũ. Ông được sống trong buổi ban đầu gặp gỡ hân hoan và đẹp đẽ của người trí thức với sự nghiệp cách mạng, được chứng kiến thời kỳ mà mối quan hệ giữa trí thức và quyền lực gặp gỡ và thăng hoa, đơm kết qua những con người mà thành tựu về học thuật, nghệ thuật lừng lững, song hành với sự nghiệp cách mạng lẫy lừng. Song, không vì thế mà ông ảo tưởng vào thực tại mà thường ngày phải đối mặt với vô số những điều xót xa, lo lắng. Đó là khi đối mặt với những bàn tay mượn chuyện đổi dời thi triển sự hợm mình danh vọng: “Tôi đã bắt gặp trên nhiều vùng quê khác lắm điều xót xa tương tự. Và đối với một số người, điều xót xa nặng nề nhất vẫn là xót xa cho sự dửng dưng văn hóa của người đời... Nên nghĩ rằng mỗi thời đại là một giai đoạn của vấn đề dân tộc. Có thể cắt ngang nhưng lại cần nối tiếp thật tốt... biết làm sao được, cái gậy võ biền ngộ nhận của hôm qua nay sẽ phải trao vào tay con cháu ngày mai? Buồn quá”. (Chiều hữu ngạn). Đó là khi nghĩ đến ông Pêrenman bày cách tính toán lợi ích của sấm sét, mà nghĩ đến “sấm chớp” mặt đất: “Sấm chớp xã hội sẽ không sáng chói và nổ vang như dông bão trên trời... Giờ thì bác phải diễn giải như thế nào đây để các bà yên tâm, mà chính bác cũng không yên tâm, khi trên dưới thiếu vắng bóng dáng những kẻ đầu đàn tin cậy, kẻ sĩ chán ngán trùm chăn, ngôn từ không làm bật ra được ánh sáng, câu thơ thời nào của L.Aragông cứ ám ảnh hoài: Giữa mùa phản phúc/ Tối đen tù ngục/ Suối đã đục dòng/ Chỉ còn lệ trong...” (Những tia chớp)...
 
Cứ miên man vậy mà rồi trời cũng gần trưa. Trở lại với ly cà phê và mặt nước hồ thu phẳng lặng, đứng gió, tôi thật thà nói với ông rằng đời công chức, cán bộ, rồi cũng có thể sẽ mờ nhòa trong trí nhớ, nhưng những vần thơ rơi, câu văn rụng, biết đâu rồi còn mãi... Ví như mấy câu đẹp đến lạ lùng này đã đọc rồi sao mà quên được: Chim giăng bay lưỡi cày/ Ruộng đồng mênh mông cao/Mùa màng trong chớp mắt/ Nở rộ một trời sao (Tứ tuyệt hoàng hôn), hay “Cuộc đời hồ, - là/Cuộc đời tất cả những cuộc đời mưa” (Hồ I). Ông im lặng. Lát rồi quay sang hỏi tôi nếu đến Quỳnh Lưu, cậu nghĩ đến điều gì? Không kịp chuẩn bị cho một câu trả lời chỉn chu, tôi nói nửa đùa nửa thật, cháu nghĩ đến chuyện nuôi hươu lấy gạc và nuôi ngựa kéo xe. Nghe thế, ông bật tiếng cười lớn. Nhưng tiếng cười vẫn không đủ để xao động mặt hồ... Hình như, hai hình ảnh hươu và ngựa có thể gợi lại chút gì để người ta còn nhớ đến một thời có bóng dáng của ông chăng, dĩ nhiên là ngoài chuyện văn thơ...
 
Bài, ảnh:Ngô Kiên