Theo nhà ngoại giao cấp cao này, Washington hiện đang quan tâm đến các vũ khí mới của Nga. Bộ trưởng ngoại giao Nga phát biểu: “Chúng tôi hiện đã đề cập rằng quân đội của chúng tôi sẵn sàng bàn thảo về một số vũ khí mới này - tối thiểu là hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard và tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat - trong bối cảnh Hiệp ước New START. Các vũ khí mới khác của Nga không phù hợp theo các tiêu chí của hiệp ước này, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng thảo luận”.
Lavrov lưu ý, những vũ khí này đã được phát triển nhờ giải thể Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo 1972. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay, vài thập niên sau khi hiệp ước này chấm dứt, bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến các hệ thống vũ khí mới cần phải được thảo luận chỉ trong phạm vi bối cảnh tất cả yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược”.
Ông bày tỏ những mối quan ngại liên quan đến cái mà Mỹ gọi là học thuyết Tấn công Chớp nhoáng Toàn cầu, bao gồm việc sử dụng các vũ khí chiến lược phi hạt nhân, thu hút được sự chú ý thời gian gần đây.
Lavrov giải thích: “Nó nhắm tới việc tiếp cận bất kỳ điểm nào của Trái Đất trong nhiều nhất 1 giờ đồng hồ. Dĩ nhiên, đó là một yếu tố gây bất ổn mới. Các yếu tố khác là việc Washington hiện chính thức từ chối tham gia Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện và kế hoạch của nước này nhằm mang vũ khí vào không gian”.
“Dĩ nhiên, chúng tôi sẵn sàng thảo luận các vũ khí mới của mình cùng các vũ khí mới của các quốc gia khác, và làm điều đó với sự cân nhắc tất cả yếu tố tác động đến sự ổn định toàn cầu. Nếu chúng tôi nhận được đề nghị hạn chế các vũ khí của chúng tôi trong khi những bên đưa ra đề nghị lại tiếp tục phát triển vũ khí của họ không có giới hạn, dĩ nhiên là cuộc thảo luận này sẽ chẳng đi đến đâu”.