Yếu tố thay đổi cuộc chơi
Vũ khí siêu thanh được giới chuyên gia nhận định là yếu tố thay đổi cuộc chơi giữa các cường quốc quân sự trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Nga. Tốc độ, độ chính xác và độ sát thương của loại vũ khí mới này có nguy cơ khiến các khí tài quân sự truyền thống như xe tăng, tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ nhanh chóng trở nên lỗi thời.
Trong những năm gần đây, Moskva liên tiếp đạt những thành tích đáng kể về phát triển loại vũ khí này và có vẻ như trong cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh, Nga đang chiếm ưu thế hơn so với Mỹ. Tổng thống Putin lần đầu tiên đề cập đến các hệ thống vũ khí vào năm 2018. Thời điểm đó, một loại vũ khí siêu thanh có tên gọi Kinzhal đã có mặt trên các máy bay chiến đấu MiG-31. Vũ khí này bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh và có khả năng bắn trúng mục tiêu trên cả đất liền và trên biển. Nhưng đó chưa phải vũ khí tối tân nhất mà lực lượng quân đội Nga có được.
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, năm 2020, các lực lượng hạt nhân Nga sẽ tiếp nhận 22 bệ phóng tên lửa liên lục địa chiến lược siêu âm Avangard và Yars. Avangard là một trong những vũ khí chiến lược mới nhất có khả năng bay liên lục địa với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Loại vũ khí này giúp Tổng thống Putin tự hào, Nga là nước đứng đầu thế giới về tên lửa siêu thanh khiến Mỹ phải “tìm cách đuổi kịp”.
Đây là lần hiếm hoi người đứng đầu nước Nga công khai chi tiết về một loại vũ khí chiến lược vốn luôn ở trạng thái “tuyệt mật”. Điều này cho thấy, Nga thực sự có những bước tiến lớn, làm chủ công nghệ vũ khí siêu thanh - loại vũ khí tấn công trong tương lai.
Trước đây, Lầu Năm Góc đã từng công nhận rằng Mỹ đang tụt hậu đáng kể sau Nga trong việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Hiện Washington mới chỉ đang theo đuổi một số chương trình vũ khí siêu thanh tương lai, nhưng tất cả mới dừng ở nguyên mẫu thực nghiệm công nghệ, chứ chưa có sản phẩm hoàn chỉnh nào. Để đảm bảo giữ được lợi thế cạnh tranh trong tương lai với đối thủ Nga, Lầu Năm Góc đã quyết định chế tạo loại vũ khí tốc độ nhanh với 3 phiên bản tương ứng cho 3 lực lượng, Hải quân, Không quân và Lục quân.
Trong một động thái đáng chú ý, Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ mới đây thông qua dự luật ngân sách cho tài khóa 2020 với khoản đầu tư 10,58 tỉ USD (hơn 245.000 tỉ đồng) cho Cơ quan Phòng thủ tên lửa, tăng 1,2 tỉ USD so với đề xuất. Đáng chú ý, ủy ban này điều chỉnh tăng thêm khoảng 1 tỉ USD nhằm tăng cường năng lực chế tạo và sản xuất vũ khí siêu thanh so với đề xuất của Bộ Quốc phòng hồi tháng 3. Sự điều chỉnh này được cho là do sức ép của một số quan chức, vốn chỉ trích ngành quốc phòng Mỹ không theo đuổi việc phát triển vũ khí siêu thanh một cách nhất quán và nhanh chóng trong nhiều năm qua.
Mặc dù không ít lần khẳng định, không tham gia chạy đua vũ trang nhưng các kế hoạch hiện đại hóa vũ khí từ âm thầm đến công khai của cả Nga và Mỹ đều cho thấy, cuộc chạy đua để sở hữu những loại vũ khí tối tân nhất, hiện đại nhất vẫn nằm trong chiến lược “kiềm tỏa” lẫn nhau của hai đối thủ này.
Ai kiểm soát vũ khí?
Trong bối cảnh Nga đã bứt phá trong việc hiện đại hóa quân sự, việc Mỹ tăng tốc chương trình phát triển vũ khí siêu thanh mới không có gì khó hiểu. Thực tế này về bản chất không khác gì một cuộc chạy đua vũ trang. Điều đáng nói là các nước lớn không chỉ nhằm mục tiêu vào loại vũ khí siêu thanh. Hiện cả Nga và Mỹ đều thay đổi hướng tiếp cận so với vài thập niên trước. Nếu như trong thời Chiến tranh Lạnh, hai cường quốc không ngừng chạy đua các loại vũ khí ồ ạt thì nay họ chuyển hướng tập trung vào các loại vũ khí chiến lược, nghĩa là chỉ một số loại vũ khí chủ lực, là thế mạnh của mỗi nước. Ngoài vũ khí siêu thanh, các chuyên gia quân sự cho rằng, tên lửa hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân cùng với các tên lửa hành trình và máy bay ném bom từ xa sẽ là các loại vũ khí có khả năng răn đe khủng khiếp với đối phương được các nước lớn chú trọng.
Không những chỉ lo tái phát chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga mà giới chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ cũng như tham vọng toàn cầu của mình đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự.
Trung Quốc với sự đầu tư rất lớn cho quân sự nhiều năm qua, đến nay đã sở hữu trong tay những thứ vũ khí hiện đại có sức hủy diệt mạnh nhất của một cường quốc quân sự hàng đầu, từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho tới tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến tàng hình, máy bay tàng hình… Trong đó, chỉ riêng tại Thái Bình Dương, Trung Quốc đã có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa tầm xa và hàng trăm tên lửa hành trình trên bộ tầm xa…
Vấn đề là thế giới sẽ ra sao nếu các cuộc chạy đua sản xuất và thử nghiệm vũ khí mới ngày càng ồ ạt mà không có một cơ chế để hạn chế số lượng các loại vũ khí này. Sự ràng buộc và kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc Nga và Mỹ giờ chỉ còn dựa vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sụp đổ. Tuy nhiên Hiệp ước START mới, sẽ hết hạn vào đầu năm 2021. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moskva. Nếu Hiệp ước này cũng có số phận giống INF, đây là sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Đây là mối lo ngại lớn với thế giới trong bối cảnh các quốc gia đều hướng tới việc phát triển vũ khí như một khả năng răn đe và “mặc cả” trong các cuộc chơi khác.
Hiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn khẳng định sẵn sàng gia hạn ngay lập tức START mới mà không kèm theo điều kiện nào. Về phần mình, Tổng thống Trump từng nói rằng ông muốn một thỏa thuận ở cấp độ rộng lớn hơn vốn cũng bao gồm Trung Quốc, đem lại một chiến thắng lớn hơn cho hiệp ước này chứ không chỉ dừng lại ở việc gia hạn nó. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tiếp bác bỏ ý tưởng tham gia đàm phán về START mới.
Xu hướng phát triển vũ khí ở các cường quốc có lẽ sẽ không dừng lại vì các cuộc cạnh tranh địa chính trị vẫn diễn ra gay gắt. Bối cảnh như vậy nhất thiết đòi hỏi có một cơ chế kiểm soát và ngăn chặn phát triển vũ khí một cách ồ ạt. Đó mới là “hòn đá tảng” cho an ninh thế giới hiện nay./.