Từ một nhà nước phát triển, mức tăng trưởng kinh tế và các chỉ số phát triển về con người cao, nhưng chỉ vì muốn xây dựng đề án độc lập cho Liên minh châu Phi bằng cách tạo ra một đồng tiền thay thế cho đồng Franc CFA do Pháp áp đặt cho 14 nước thuộc địa cũ châu Phi, mà bị Pháp (chủ mưu) cùng với Mỹ - NATO tấn công hội đồng phá nát Libya, giết chết Tổng thống Libya Gaddafi.
Các quỹ tài sản có chủ quyền, khoảng 150 tỷ USD được đầu tư ra nước ngoài bởi chính phủ Libya Gaddafi bị “đóng băng” vào đêm trước của chiến tranh và phần lớn đã biến mất. 16 tỷ Euro bị chặn tại Euroclear Bank thì 10 tỷ đã biến mất và điều tương tự cũng đã xảy ra với các ngân hàng EU khác.
Là gì, nếu như không gọi cuộc chiến tranh tại Libya của Mỹ - NATO là một cuộc ăn cướp trắng trợn, ngang ngược, thô thiển nhất, của một tổ chức quân sự lớn nhất thế giới! Đau xót hơn, từ một quốc gia giàu có nhất châu Phi nhưng kể từ khi Pháp – NATO thực hiện hành vi theo họ là “truyền bá dân chủ”, Libya đã trở thành một “quốc gia thất bại” từ đó đến nay.
Sau khi Libya bị NATO phá nát, đã hình thành 2 lực lượng đối đầu: Quân đội quốc gia (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy và Chính phủ thống nhất Libya (GNA) đóng tại Tripoli. GNA được LHQ công nhận, nhưng chỉ là chính phủ chuyển tiếp, sau 2 năm phải tổ chức bầu cử thành lập một chính phủ thống nhất Libya.
LNA chiếm hơn 70% đất đai và hầu hết mỏ dầu, trong khi đó, GNA chiếm hơn 60% dân số. Phe ủng hộ cho LNA gồm: Pháp, UAE, Saudi, Ai Cập. Phe ủng hộ cho GNA gồm: Ý, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng Mỹ và Nga đến nay chưa công khai đứng về phía bên nào LNA hay GNA.
Từ tháng 4/2019, LNA đã mở chiến dịch giải phóng Tripoli nhưng buộc phải dừng lại vì sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 9/2019, chiến dịch tiếp tục nổ ra và đến nay, với sự giúp đỡ của lực lượng PMC Nga (do Saudi trả tiền) thì Tripoli đã đứng trước nguy cơ thất thủ…
Chấn động địa chính trị Trung Đông
Vào ngày 27/11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA Libya đã ký Bản ghi nhớ (MoU) cam kết Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp hỗ trợ quân sự cho GNA. MoU cũng vẽ lại ranh giới trên biển của Thổ Nhĩ Kỳ theo cách tác động mạnh mẽ đến việc vận chuyển khí đốt từ Đông Địa Trung Hải đến châu Âu.
Động thái táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ GNA và mở rộng biên giới trên biển từ châu Âu sang châu Phi về cơ bản tạo ra một “hành lang nước” qua phía Đông Địa Trung Hải, nối liền bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, đã khiến các đối thủ trong khu vực nổi giận và dọn đường cho sự leo thang kịch tính trong cuộc nội chiến ở Libya. Nó cũng buộc các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Mỹ quyết định cách họ sẽ chống lại kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ. Họ coi thỏa thuận này là một cuộc đảo chính lớn về địa chính trị năng lượng và bành trướng về chủ quyền, là một sức mạnh “trần trụi” làm suy yếu khả năng vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Đông Địa Trung Hải đến châu Âu mà không đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra biên giới chiều rộng toàn bộ Đông Địa Trung Hải.
Rõ ràng, trong mọi trường hợp, thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - Libya đã tạo tiền đề cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn, chắc chắn sẽ liên quan đến Ai Cập, Israel, UAE, Ả Rập Saudi, Châu Âu, Nga và Mỹ.
Israel đặc biệt lo lắng rằng thỏa thuận mới này sẽ làm suy yếu các kế hoạch của họ đối với đường ống EastMed dài 1.900 km nối với mỏ khí Leviathan, ngoài khơi Israel, tới EU và có thể chặn quyền truy cập của Israel vào biển.
Có thể nói, Liên minh bất ngờ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya là một trận chấn động địa chính trị làm thay đổi cán cân quyền lực ở phía Đông Địa Trung Hải và trên khắp Trung Đông.
Vị thế của Nga tại Libya như thế nào?
Ngày 8/1/2020, Putin đã gặp Erdogan tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đầu tiên là Putin và Erdogan cùng mở van khai thông tuyến đường ống khí đốt Turk Stream (Mỹ tuyên bố trừng phạt nó cùng với Nord Stream 2). Tiếp theo là họ bàn về Syria, nhưng quan trọng hơn là tình hình Libya.
Thỏa thuận đưa ra một sáng kiến chung Nga -Thổ Nhĩ Kỳ về ngừng bắn tại Libya bắt đầu từ 00 giờ ngày 12/1/2020. Và, ngày 13/1/2020, đứng đầu LNA và GNA sẽ đến Moscow để đàm phán thỏa thuận dưới sự chứng khiến của 2 ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng các quan sát viên của UAE, Ai Cập, Saudi.
Có vẻ như quyết định này được đưa ra mà không hỏi ý kiến của Nguyên soái Haftar, và Haftar đã phản ứng ngay lập tức bằng cách trong vòng vài giờ, quan chức LNA - Tướng Ahmed al-Mismari tuyên bố rằng quân đội Haftar sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố được phân loại theo nghị quyết của HĐBALHQ.
Đương nhiên, với Haftar, sau một loạt thất bại, cuối cùng đã sắp đạt được thành công về quân sự, chiếm lấy Tripoli, chiếm phần còn lại của đất nước thì buộc phải dừng lại. Về logic quân sự là điều không thể chấp nhận. Nhưng… lệnh ngừng bắn vẫn được thực thi. Ngày 13/1 Nguyên soái Haftar và Thủ tướng Fayez al-Sarraj đã đến Moscow đúng lịch trình…
Diễn biến này nói lên điều gì? Nếu như mới đây, Ý, Pháp và EU tổ chức một hội nghị về hòa bình Libya nhưng đã thất bại vì Nguyên soái Haftar không đến tham dự thì việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập được 2 nhân vật đứng đầu ngồi lại với nhau tại Moscow, dù sau này Haftar rời khỏi Moscow không ký thỏa thuận vì nhiều lý do… là một thành công.
Tại sao Haftar không ký thỏa thuận?
Phải chăng Nga chưa đủ ảnh hưởng mạnh đến Haftar? Không đúng logic, bởi nếu ảnh hưởng không đủ mạnh thì tại sao Haftar phải ngừng bắn khi chiến thắng đã trong tầm tay và đã đến Moscow. Rõ ràng, Pháp đã chỉ ra rằng lực lượng PMC Nga trong thành phần tấn công của LNA được Saudi trả tiền nhưng được chỉ huy bởi FSB, góp phần rất lớn vào chiến thắng của LNA… là đúng và do đó, ảnh hưởng của Nga có tầm quyết định là không thể nghi ngờ…
Phải chăng chính Nga yêu cầu Haftar không ký thỏa thuận? Rất có thể khả năng này xảy ra vì liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Đức Merkel trước đó vào ngày 11/1. Trong cuộc gặp, Putin và Merkel đã thỏa thuận sẽ tiến hành một hội nghị về hòa bình cho Libya tại Berlin, nhưng nếu như Thỏa thuận của Nga và TNK về Libya được ký thì hội nghị tại Berlin là không có ý nghĩa.
Trong khi đó, Nga muốn bảo vệ mối quan hệ Đức - Nga đang mới "lên men", nâng cao vị trí Đức, đưa Đức, EU vào cuộc chơi theo tinh thần “Các anh đã phá nát Libya thì các anh phải xây dựng nó lại”…
Rõ ràng với thỏa thuận ngừng bắn 12/1 và sáng kiến hòa bình của Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sử dụng 1 mũi tên bắn chết 2 con chim.
Thứ nhất,Nga đã cứu cho Thổ Nhĩ Kỳ một bàn thua trông thấy vì Thổ Nhĩ Kỳ và GNA khó đảo ngược tình thế quân sự hiện nay. Tránh cho Thổ Nhĩ Kỳ một sự đổ máu lớn khi đối đầu với LNA. Thực tế, quân đội của Haftar không phải là người Kurd mà mạnh hơn nhiều. Đồng thời, thỏa thuận hợp tác về biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ với Libya (MoU) vẫn duy trì. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng "nhát kiếm" của mình (khi thỏa thuận với Libya về vùng EEZ tại Địa Trung Hải được bảo tồn) chặt đứt đường ống dẫn khí Israel-Hy Lạp-Síp đang manh nha cạnh tranh với Turk Stream mà Nga không cần ra tay.
Rốt cuộc, Hội nghị hòa bình về Libya tại Berlin ngày 19/1 vừa qua đã thất bại toàn diện bởi một nhóm quốc gia đã từng tàn phá, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Libya, nay lại đi hô hào chống can thiệp, bảo vệ chủ quyền Libya thì đúng là hài hước. Do đó cuối cùng, đúng như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nói: “Phần còn lại của tình hình Libya chỉ có Nga mới giải quyết được”.
Tình hình chiến sự Syria ở Idlib và Libya như là 2 biến số của một phương trình bài toán địa chính trị của Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Dễ hiểu là là tại sao ở Idlib – Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chỉ thét ra “khói” mà không ra “lửa”.