Tại một sự kiện diễn ra ở Nhà Trắng với sự tham dự của các thống đốc bang, Tổng thống Mỹ cho biết: “Châu Âu đã và đang cư xử với chúng ta rất tệ”.
Sau khi đạt được một loạt thỏa thuận thương mại với Canada, Mexico và Nhật Bản, cùng một thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc, Trump cho biết: “Điều tiếp theo có thể là châu Âu, nơi chúng ta sẽ đối thoại với họ rất nghiêm túc”.
Các quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn đã ở trong tình trạng “đình chiến” căng thẳng suốt nhiều tháng qua. Ông Trump đã áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa EU như mặt hàng rượu của Pháp do tranh cãi liên quan đến nhập khẩu thép, trợ cấp chính phủ cho Airbus và đánh thuế nhằm vào các gã khổng lồ công nghệ như Google và Amazon.
Song đến nay, ông chủ Nhà Trắng vẫn đang “treo” các khoản thuế trừng phạt như đe dọa đánh vào ô tô của châu Âu, nhằm buộc có sự thay đổi chính sách thương mại. Trump đã đạt “lệnh ngừng bắn” với EU vào giữa năm 2018, khi các bên nhất trí theo đuổi các cuộc đàm phán - nhưng các cuộc trao đổi này vẫn chưa đem lại bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Trump cho biết, ông tập trung trước hết vào tranh chấp với Trung Quốc và tái đàm phán hiệp định thương mại tự do lục địa với Canada và Mexico vì ông “không muốn giải quyết cả thế giới vào một thời điểm”.
“Sẵn sàng đạt thỏa thuận”
Nhưng đến hôm 10/2, một lần nữa ông Trump nhắc lại những phàn nàn của mình về chính sách thương mại của EU, thậm chí còn khẳng định có lẽ khối kinh tế này “thực sự được thành lập để họ có thể cư xử tệ với chúng ta”.
“Họ có những rào cản đến mức khó tin. Họ đã sẵn sàng xây dựng thỏa thuận”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã dành công sức giảm thâm hụt thương mại của nước này với EU, vốn lên tới 178 tỷ USD hồi năm ngoái, ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ các công ty Mỹ có lợi thế hơn.
Trong khi Washington và Brussels đã nhất trí theo đuổi một thỏa thuận đầy tham vọng nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại và cắt giảm các khoản thuế, hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết nào lộ ra từ vài cuộc gặp ít ỏi. Và vẫn còn một vấn đề tồn tại lớn, khi EU vẫn chưa nhất trí bao hàm các mặt hàng nông nghiệp.
Các nhà lãnh đạo EU hồi tháng trước đã rất ngạc nhiên khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo sau cuộc gặp với Trump rằng bà đang kỳ vọng ký kết một thỏa thuận “trong vài tuần lễ”.
Bà khẳng định thỏa thuận sẽ là một “đường hướng mới” so với nỗ lực trước đó nhằm hướng đến một thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương được công bố năm 2017.
Ủy viên Thương mại của EU Phil Hogan đã có chuyến thăm bất ngờ đến Washington vào tháng trước để gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Robert Lighthizer, sau một cuộc gặp khác hồi tháng trước. Một người phát ngôn của EU khẳng định các cuộc gặp gỡ này “là một phần của các liên hệ song phương thường xuyên" giữa EU và Mỹ “để có được một chương trình nghị sự thương mại xuyên Đại Tây Dương song phương mang tính tích cực”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết nào.