Dù giá lợn hơi có dấu hiệu "hạ nhiệt" song giá thịt lợn thành phẩm vẫn "neo" mức cao, dao động 130 - 160.000 đồng/kg ở các chợ dân sinh. Riêng giá thịt ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở mức 180.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc Sau 1 tuần sau khi Bộ NN&PTNT yêu cầu các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi hạ giá lợn hơi nhằm bình ổn thị trường, giá lợn hơi ở các địa phương đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cụ thể, từ mức giá 75.000 đồng/kg - 85.000 đồng/kg nay đã giảm xuống còn 68.000 đồng - 80.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ trang trại lợn quy mô ở Nghi Văn (Nghi Lộc) cho biết: “Từ sau Tết đến nay, giá lợn hơi đã giảm mạnh, mấy hôm gần đây, trại xuất chuồng với giá ở mức 75.000 - 78.000 đồng. Với mức giá này theo tôi không quá cao vì chi phí cho việc chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay khi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và chi phí tái đàn khá cao”.
Riêng giá lợn hơi ở các vùng nông thôn do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xuất bán thì giá thấp hơn, nằm ở mức 68.000 đồng - 73.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau Tết, lượng lợn hơi trong dân không còn nhiều.
“Thủ tướng, Phó thủ tướng đều đã có chỉ đạo phải giảm thịt heo về mức bình thường như trước khi xảy ra dịch. Tuy nhiên đến nay, giá thịt heo vẫn duy trì kéo dài ở mức quá cao. Vì vậy trong tuần tới, Bộ kêu gọi, đề nghị các doanh nghiệp lớn cùng nhau giảm giá, kéo mức giá xuống ít nhất ở mức 75.000 đ/kg. Nếu vẫn cố tình "neo" giá heo ở mức cao, Bộ và các Bộ, ngành liên quan sẽ rà soát kiểm tra, căn cứ vào các luật định cũng như quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh để có đủ cơ sở pháp lý yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo xuống ở mức hợp lý" .
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Mặc dù giá lợn hơi đã “hạ nhiệt” so với trước song giá thịt thành phẩm bán ở các chợ vẫn “neo” ở mức cao, dao động từ 130.000 đồng - 160.000 đồng/kg; tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch từ 180.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Anh Hồ Văn Thế - Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp về thực phẩm sạch ở thành phố Vinh cho biết: “Gần 1 tháng nay, giá lợn móc hàm mà cửa hàng nhập về vẫn ở mức 120.000 đồng/kg, do đó, giá thịt bán ra vẫn giữ nguyên, chưa thể điều chỉnh hạ giá bán”.
Giá lợn hơi "hạ nhiệt" và mới đây nhất, giá lợn hơi trong nước ngày 20/2 có nơi đã xuống còn 65.000 đồng - 70.000 đồng/kg. Hiện tại, theo dự báo, khi dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát tốt, việc tái đàn đang được đẩy mạnh, do đó, nguồn cung lợn không khan hiếm. Vậy vì sao giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn cao?
Theo đại diện một chủ trang trại lợn quy mô lớn, mỗi ngày xuất chuồng hàng trăm con cho biết: "Chúng tôi bán cho các thương lái, các lò mổ là chủ yếu, còn phân phối theo hệ thống cửa hàng, siêu thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Do đó, khi qua khâu trung gian, giá thịt bị đẩy lên cao. Vậy nên, cần kiểm soát tốt khâu trung gian. Để bình ổn thị trường nếu chỉ yêu cầu phía người chăn nuôi giảm giá lợn hơi là chưa đủ mà cần vào cuộc quản lý giá thịt bán ra thị trường".
Sắp tới, khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, việc tái đàn được đẩy mạnh, dự báo giá lợn sẽ về mức 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc Còn theo lý giải của các tiểu thương bán lẻ thịt lợn ở các chợ dân sinh thì: "Nếu giá lợn hơi giảm xuống còn 75.000 đồng - 78.000 đồng/kg thì thịt lợn móc hàm chỉ ở mức 93.000 đồng - 98.000 đồng/kg, tuy nhiên, thực tế, chúng tôi vẫn lấy sỉ ở các lò mổ với giá 115.000 đồng - 120.000 đồng/kg. Như vậy là quá cao, tương đương với mức giá lợn hơi 85.000 đồng - 90.000 đồng/kg như trước đây".
Cũng theo nhiều tiểu thương, sở dĩ các lò mổ "neo" giá thịt lợn cao là nhằm "kéo vốn" cho một thời gian thua lỗ kéo dài khi giá lợn hơi lên cao đỉnh điểm. Do đó, phải một thời gian nữa, khi giá lợn tiếp tục giảm, các lò mổ sẽ giảm nhưng theo kiểu "nhỏ giọt".
Trao đổi vấn đề này với bà Nguyễn Thị Nhì, chủ lò mổ ở chợ Vinh, bà Nhì cho biết: "Những ngày gần đây, giá lợn hơi giảm nhẹ, hiện giá lợn chúng tôi nhập về từ các trại là 78.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lợn móc hàm vẫn nằm ở mức 120.000 đồng/kg nhập ra cho các tiểu thương.
Theo bà Nhì, với mức giá nhập vào là 78.000 đồng/kg lợn hơi nhưng trên thực tế, để "bù giá", các chủ trại lại cho lợn ăn no trước khi cân nên thực chất, giá lợn vẫn dao động 80.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, chi phí vận hành lò mổ (mặt bằng, nhân công, điện nước, thuế), lượng thịt tiêu thụ giảm mạnh nên để có lãi, giá thịt thành phẩm bán ra mức 120.000 đồng/kg là hợp lý. Lò mổ sẽ căn cứ tình hình giá lợn hơi để có điều chỉnh phù hợp.
Giá thịt cao song sức tiêu thụ chậm, thậm chí ế ẩm. Ảnh: Thanh Phúc Về phía người tiêu dùng, khi nghe tin giá lợn hơi giảm nhưng thực tế, họ vẫn phải mua thịt với giá cao nên khá bức xúc và cho rằng, để thị trường thực sự bình ổn, các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt, kiểm soát giá ở tất cả các khâu để đảm bảo quyền lợi người dân.
Yêu cầu điều chỉnh giảm giá thịt lợn hơi của Bộ NN&PTNT nhằm đảm bảo thị trường bền vững, ổn định chỉ số giá tiêu dùng. Bởi giá lên cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như chăn nuôi tự phát, nhập lậu sản phẩm chăn nuôi, dẫn đến các nguy cơ dịch bệnh, không đảm bảo an toàn thực phẩm.