Quỳnh Lưu là địa phương đầu tiên ở Nghệ An xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N6. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, virus cúm H5N6 lây lan và bùng phát rất nhanh trên đàn vật nuôi và có khả năng lây bệnh sang người. Tuy nhiên, sau khi trên địa bàn xuất hiện dịch, việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm tại đây vẫn chưa được quan tâm, kiểm tra nghiêm ngặt.
Quan sát tại 1 hộ dân chuyên mua bán gia cầm ở khối 4, thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), chúng tôi ghi nhận có rất nhiều thương lái chở từng xe ngan, vịt đến đây để bán lại cho cơ sở. Việc giết mổ gia cầm tại đây không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Toàn bộ nước thải phục vụ giết mổ gia cầm đều chảy xuống kênh. Điều đáng nói khu giết mổ này nằm giáp với trung tâm chợ Giát nên nếu không có sự kiểm tra về nguồn gốc gia cầm thì nguy cơ lây lan dịch cúm là rất cao.
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có hàng trăm hộ gia đình giết mổ gia cầm nhỏ, lẻ với hàng nghìn con xuất ra thị trường mỗi ngày. Theo tìm hiểu, tại các điểm chợ lớn như: chợ Giát, chợ ngã tư Giát, chợ Quỳnh Ngọc, chợ Ngò... đang bày bán gia cầm rất nhiều. Tuy nhiên, không ai có thể biết được trong số đàn gia cầm được bán trên thị trường có biểu hiện dịch hay không? Đối với gia cầm đã qua giết mổ thì không có bất kỳ sự kiểm soát của cơ quan thú y nên đây là điều đáng lo ngại về sự lây lan dịch cúm.
Ông Trần Minh Quân - Quyền trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hơn 1,7 triệu con gia cầm đang được chăn nuôi trong dân. Địa phương hiện chưa có lò giết mổ gia cầm tập trung, nên số gia cầm bày bán ở các điểm chợ đều do bà con tự thu mua về rồi giết mổ để bán. Trong thời điểm đang xảy ra dịch cúm H5N6, việc buôn bán và giết mổ gia cầm nhỏ, lẻ xuất phát tại các nhà dân dễ là nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Ngoài việc giết mổ không được kiểm soát trên địa bàn thì gia cầm từ Quỳnh Lưu còn được vận chuyển đi nhiều địa phương khác, trong đó có thành phố Vinh. Khối 1, phường Vinh Tân, TP Vinh được coi là điểm tập trung giết mổ gia cầm lớn nhất trên địa bàn với trên 80 hộ chuyên làm dịch vụ giết mổ gia cầm; ngoài ra, tại khối Vĩnh Mỹ và Yên Giang có gần 20 hộ hành nghề, đưa tổng số hộ làm nghề này trên địa bàn toàn phường lên tới trên 100 hộ.
Mỗi ngày, gia đình bà Phạm Thị Loan ở khối 1, phường Vinh Tân giết mổ bình quân 300 con gia cầm, cả gà, vịt, ngan và ngỗng. “Tôi mua gà từ các trang trại ở trong tỉnh rồi về thịt và nhập cho các chợ, nhà hàng. Hoặc các nhà hàng đưa gà sống đến thuê làm thịt. Thấy họ nói gia cầm đều đã qua kiểm dịch nhưng tôi không xem giấy mà chỉ nghe nói vậy. Còn những người đưa đến 5 - 10 con thì hoàn toàn không có, mà chỉ xác định gà khỏe dựa trên cảm quan”, bà Loan cho biết.
Từ ngày 5/2 đến nay, trên địa bàn Nghệ An, đã xảy ra dịch cúm gia cầm H5N6 chưa qua 21 ngày tại 5 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu là Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hưng và mới đây là xã Quỳnh Ngọc. Tổng số gia cầm buộc tiêu hủy trên 700 con.
Theo ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong khi cả tỉnh đã có 58 cơ sở giết mổ gia súc, thì lĩnh vực giết mổ gia cầm lại hoàn toàn chưa có. Người dân tự mua về giết mổ hoặc ra chợ mua và thuê giết luôn tại chợ. Điều này không những làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây nhiễm cúm gia cầm cho cả người giết mổ, người trong chợ và người tiêu dùng, làm phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm. Mầm bệnh có thể tồn tại trong phân, phát tán trong môi trường, không khí, đặc biệt nguy hiểm khi con người có thể bị lây nhiễm từ dịch bệnh này.