Nếu như năm trước, đây đang là cao điểm làm giò, làm xúc xích, lạp xưởng, ruốc bông, lợn giàng… phục vụ Tết của lò mổ nhà bà Nguyễn Thị Nhì ở chợ Vinh với mỗi ngày 30 40 con lợn, thì nay lò đã đóng cửa 10 ngày. Nguyên nhân là do giá lợn hơi tăng phi mã, chỉ trong vòng 1 tuần đã tăng 25.000 - 30.000 đồng/kg khiến lò mổ không thể duy trì hoạt động.
“Làm ăn thì phải có lãi. Đằng này, cứ mỗi con lợn tăng giá khoảng 500.000 đồng so với trước, trong khi đó, giá thịt chỉ tăng nhẹ, tính ra phải bù lỗ 300.000 - 400.000 đồng/con nên đành đóng cửa để không phải bù chi phí. Cũng chưa biết khi nào mở cửa trở lại vì giá lợn tăng từng ngày như hiện nay thì không thể cầm cự được”, bà Nhì cho biết.
Không chỉ lò mổ ngừng hoạt động, nhiều tiểu thương bán lẻ ở các chợ cũng phải nghỉ bán, kiếm các mặt hàng khác để kinh doanh, chờ giá lợn “hạ nhiệt” mới dám bán trở lại.
Chị Trịnh Thị Mai, tiểu thương chợ Đội Cung (TP.Vinh) cho biết: "Nguồn cung thịt lợn không thiếu song giá tăng quá cao. Hiện giá lợn hơi đã lên đến 95.000 - 98.000 đồng/kg, lợn móc hàm lên đến 115.000 - 125.000 đồng/kg trong khi giá bán lẻ dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg nên tiền lãi rất ít, có khi chấp nhận bù lỗ. Để đắp đổi qua giai đoạn này, tôi làm thêm chả cá, bán thêm thịt gà, vịt, bò và chỉ lấy một lượng ít thịt lợn để giữ khách quen”, chị Mai cho biết.
Chưa có thống kê cụ thể, song ở một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Vinh như chợ Quán Lau, chợ Hưng Chính, chợ Đội Cung, chợ Hưng Dũng… số tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn giảm khoảng 1/3 so với trước đây.
Một số hộ nghỉ hẳn buôn bán, một số hộ chuyển sang kinh doanh các thực phẩm khác, một số hộ trước đây bán 2 - 3 con lợn/phiên chợ thì nay chỉ lấy khoảng 20 - 30kg thịt bán lẻ để giữ các mối khách hàng thân thiết như các trường học, nhà hàng, khách sạn…
Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cũng trong tình cảnh tương tự. Giá lợn hơi tăng quá cao, do đó, giá thịt đầu vào trong 1 tuần mà có tới 5 lần điều chỉnh giá buộc các cửa hàng tăng giá theo. Để giữ chân khách hàng, nhiều cửa hàng, siêu thị bán thịt theo combo như: thịt ba chỉ + nạc vai + sườn tặng kèm cải bó xôi hoặc đậu phụ…; nhiều cửa hàng chấp nhận bán theo giá lấy vào chỉ để giữ mối.
Anh Hồ Văn Thế, kinh doanh chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố cho biết: “Gần 1 tháng nay, các cửa hàng của chúng tôi, giá thịt bán ra tương đương với giá nhập vào. Lượng thịt tiêu thụ cũng ít hơn khi giá thịt quá cao nên người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các thực phẩm khác”.
Ở các chợ nông thôn, miền núi cũng trong tình trạng tương tự. Hiện giá lợn hơi ở các địa phương này đã chạm mốc 90.000 đồng/kg.
Anh Võ Văn Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thủy (Thanh Chương) cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn có khoảng 3.500 con lợn thịt và 350 con lợn nái, trong đó, có 1 trang trại còn 400 con lợn thịt với nhiều lứa khác nhau. Giá lợn tăng cao nên người dân dễ bán, có lãi. Hiện nguồn lợn thịt phục vụ Tết hầu hết đã có đơn đặt hàng song các hộ chăn nuôi chưa chốt giá. Bởi theo đà này, giá lợn hơi chắc chắn sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg. Nguồn lợn giống hiện tại giá cũng tăng cao khi nhu cầu tái đàn của người dân tăng”.
Theo quy luật, thời điểm cuối năm, nhu cầu về thịt lợn để chế biến các món ăn phục vụ Tết tăng cao. Song trên thực tế, do giá cao nên người tiêu dùng lựa chọn các thực phẩm khác thay thế thịt lợn như: bò, gà… nên sức tiêu thụ mặt hàng này chậm và giảm 20% so với trước.
Hiện tại, nhiều cơ sở sản xuất thịt lợn sấy khô, lạp xưởng, giò chả, xúc xích, dăm bông… cũng chưa dám chốt đơn hàng phục vụ Tết bởi theo dự báo, giá lợn sẽ còn tăng cao./.