761635_small_38610.jpg
Cửa sổ được cấu trúc theo hình chữ nhật, có thể làm toàn gỗ hoặc tre mét xen với gỗ. Khung dọc hai bên gọi là "tô pỏ" (thanh bí). Khung ngang trên, dưới gọi là "tô mẻ" (thanh mẹ). Bắc thanh ngang, nối hai khung dọc, vừa tầm để gác tay, làm các con xỏ cho đẹp, nối thanh ngang với khung ngang phía dưới (thanh mẹ)- những con xỏ này gọi là "tô lực" (thanh con). Như vậy, cửa sổ là biểu tượng của gia đình- có "bố, mẹ, con" đầy đủ. Từ thanh ngang trở lên, chừa ra một khoảng, phía trên lại làm thanh ngang và những con xỏ như phía dưới- là để cân đối với bên dưới cho đẹp, đối với cửa sổ phía ngoài (tú tồng); những cửa sổ còn lại không làm cũng được, vì diện tích hẹp. Nhà kiên cố, làm bằng gỗ, cửa sổ có thể chạm khắc, trang trí cầu kỳ.


Cửa sổ nhà sàn Thái, một bộ phận của nhà, xem ra rất bình thường, nhiều khi ta không để ý. Vấn đề đáng nói là ở triết lý sống của nó. Một mái nhà yên ấm, chẳng lẽ lại thiếu một trong các thành tố: "bố, mẹ, con". Đây là nguyện vọng, ước mơ, khát khao hạnh phúc của con người.


Cái gì đã gợi ý cho người Thái làm cái cửa sổ có đủ các thành tố "bố, mẹ, con" như vậy? Theo tác giả Phan Ngọc Khuê, chính cây chuối đã gợi ý cho người Thái cổ. Người Thái xưa ở trong núi rừng, lấy bắp chuối, quả chuối ăn, lấy lá chuối lợp lều, lợp nhà. Họ xem cây chuối là cây "hồn vía" của họ ở Mường Then... Sau này xã hội phát triển, đời sống khá hơn, khi làm nhà, người ta đã thiết kế đủ các thành tố "bố, mẹ, con" ở nơi cửa sổ (*).

-------------------

(*) Tham khảo và chú thích: Phan Ngọc Khuê- Từ cây chuối đến bộ khung cửa sổ- T/c Kiến trúc, số 2/1984. Tr.28,30.


Quán Vi Miên