Theo sách Con Cuông, huyện cửa ngõ miền tây nam xứ Nghệ của UBND huyện Con Cuông (1993) thì dưới thời Lê,Con Cuông chỉ mới là một bộ phận trong phủ Trà Lân chứ chưa thành huyện. Đến thời Nguyễn thì Con Cuông là một huyện của phủ Tương Dương. Thời Pháp thuộc Con Cuông lại nằm trong huyện Vĩnh Hòa thuộc phủ Tương Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ta lấy một phần đất của Vĩnh Hòa lập thành huyện Con Cuông.
Trong sách Địa chí huyện Tương Dương (2003), người biên soạn là PGS. Ninh Viết Giao dựa theo tài liệu của cụ Lô Văn Liệu do ông Lương Thanh Hải cung cấp mà cho rằng, Con Cuông vốn là Cồn Cuông. Nó được cắt phần đất huyện Tương Dương gồm từ Khe Thơi xuống đến giáp huyện Anh Sơn mà lập thành huyện Cồn Cuông, sau gọi chệch thành Con Cuông. Trước do ông Vi Văn Tào làm chủ tịch, từ tháng 12-1945 thì ông Lô Văn Liệu làm Chủ tịch của huyện này. Như vậy là theo sách Địa chí Tương Dương thì trước 1945 chưa có địa danh Con Cuông.
Có lẽ viết như Con Cuông, huyện cửa ngõ miền tây nam xứ Nghệ là có lý hơn vì trong sách Người Mường ở Cửa Rào, tác giả là Lu-pơ (Albelt Louppe) (Nhà xuất bản Viễn Đông, Hà Nội 1934) đã viết đi,viết lại khá nhiều về địa danh Con Cuông.Theo bản dịch của Thư viện Nghệ An thì khi phân chia các dãy núi miền tây bắc Nghệ An, Lu-pơ đã chia nó thành 4 hướng, trong đó có hướng đi Con Cuông. Khi tả về sông Giăng, Lu-pơ cũng viết: Con sông này cũng lớn mạnh thêm nhờ một chi lưu quan trọng là Nậm Moi từ Pu Noong ở phía tây nam Con Cuông đổ về. Rồi khi tả về Đường 7, Lu-pơ cũng viết: Đường này đến Con Cuông ở cây số 90. Như vậy, trong tài liệu của Lu-pơ, Con Cuông vừa là một vùng đất, vừa là một thị trấn. Và chắc địa danh này cũng không phải là từ Cồn Cuông rồi đọc chệch thành Con Cuông. Vì trong chữ Nôm và chữ Pháp thì hai chữ mang nghĩa Cồn và Con khác hẳn nhau về cách viết. Tên huyện Con Cuông, theo cách hiểu của người Nghệ An thì nó là tiếng chỉ con chim công mà thổ âm ở đây gọi là Cuông.