Gần đây, báo chí trong tỉnh đề cập khá nhiều đến vấn đề đình làng ở xứ Nghệ. Qua đây ta thấy một thực trạng đáng buồn là đình làng đã gần như vắng bóng ở Nghệ An, một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hoá (hiện chỉ còn khoảng 80 đình làng).

761757_small_40045.jpgĐình Nhân Trung (Lam Sơn (Đô Lương) - di tích lịch sử được xếp hạng - đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Minh Sơn

Những ngôi đình làng đang tồn tại cũng đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, rất ít đình làng được gìn giữ,tôn tạo. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là chưa được sự quan tâm đúng mức của các ban ngành chức năng và việc thiếu ý thức bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá - tâm linh của một bộ phận nhân dân.

Hầu hết các bài báo đều khẩn thiết yêu cầu các cơ quan hữu quan và nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, tôn tạo những ngôi đình đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Điều này được đa số nhân dân ủng hộ, bởi đời sống mọi mặt giờ đây đã được nâng lên đáng kể, không ít người đã có nhu cầu trở về với đời sống tâm linh, với văn hóa cộng đồng, hơn nữa đất nước đã đi vào con đường giao lưu, hội nhập nên cần giữ lại những nét riêng của mình. Đây là câu chuyện của những địa phương mà đình làng đang đối diện với nguy cơ xuống cấp, còn với những vùng vốn là đất cổ nhưng do bao biến thiên dữ dội nay không còn dấu tích của đình làng thì sao? Theo các tư liệu lịch sử thì đình làng ở Việt Nam có từ thế kỷ XV, từ đó về sau mỗi lần khai dân lập ấp, người ta trồng một cây đa và sau đó dựng một ngôi đình để dân làng hội họp, tế lễ và thờ phụng người có công lớn đối với làng (gọi là Thành hoàng). Nhưng trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử, không phải làng nào cũng giữ lại được ngôi đình. Quê tôi, huyện Anh Sơn, là một ví dụ. Theo sách Dư địa chí của Danh nhân Nguyễn Trãi thì Anh Sơn thời Lê thuộc phủ Anh Đô (bao gồm các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn ngày nay), như vậy mảnh đất này đã có cư dân sinh sống từ thời Lê hoặc có thể trước đó. Nhưng buồn thay, ở đây gần như không có một dấu tích gì để chứng minh là một vùng đất cổ. Bản thân người viết chưa có điều kiện làm một cuộc thống kê, nhưng từ bé tới giờ chỉ mới được nhìn thấy một ngôi đình ở xã Vĩnh Sơn đang ở trong tình trạng "dầm mưa giãi nắng". Do đó, không ít người từ xa đến nhầm tưởng rằng quê tôi là vùng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ vừa qua. Trước hiện trạng này, các địa phương không còn giữ được đình làng cần có kế hoạch phục hồi, xây dựng lại để có một chốn linh thiêng mang bản sắc văn hoá làng xã mà tác dụng lớn nhất của nó là góp phần điều chỉnh hành vi của con người trong ứng xử. Một thực tế không thể phủ nhận là ở những vùng còn lưu giữ được những di tích lịch sử mang tính cộng đồng thì ở đó xuất hiện nhiều những con người tài ba như  Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), hay Võ Liệt (Thanh Chương)...

Bảo tồn, tôn tạo và khôi phục lại đình làng một trong những yêu cầu bức thiết trong đời sống văn hoá hôm nay, nếu không thì truyền thống văn hoá của quê hương của dân tộc sẽ có nguy cơ đứt đoạn. Vẫn biết đây là một việc làm không dễ, nhưng chẳng lẽ Tổ tiên ngày xưa làm được, chúng ta ngày nay đành bó tay?!
Bùi Công Kiên - Xóm 1- Tường Sơn- Anh Sơn