(Baonghean) - Một lần nữa, việc thu phí giao thông đường bộ đối với mô tô, xe máy lại khiến dư luận phải quan tâm. Đó là do Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương vừa chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô, xe máy, bắt đầu từ ngày 1/1/2016.
 
Sở dĩ có đề xuất khá bất ngờ như vậy là vì theo  Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương lý giải và được các báo đồng loạt đăng tải là sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô, xe máy cho thấy công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp. Theo báo cáo, số thu phí sử dụng đường bộ từ các địa phương trong cả nước tính từ 1/1/2013 đến ngày 30/6/2015 là 1 nghìn 279,6 tỷ đồng, đạt 16,41%. Trong đó năm 2013 thu 552,8 tỷ  đồng (đạt 21,26%) và 2014 thu 552,3 tỷ đồng (đạt 21,24%). Riêng 6 tháng đầu năm 2015 số thu chỉ 147,4 tỷ đồng (đạt 6,7%). Lý giải cho nguyên nhân “thất thu”, Bộ GTVT cho rằng: Nguyên nhân chính do việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe mô tô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách. Ngoài ra, chế tài xử phạt theo Thông tư số 133/2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an, mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện. Nhưng có khi đó chỉ là những lý do bề nổi không hẳn đã thể hiện đúng bản chất của vấn đề. Bởi nếu nói do “việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe mô tô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách”, thì là chưa chính xác. Bởi số lượng mô tô, xe máy của mỗi nhà bao nhiêu thì ông tổ trưởng tổ dân phố hay trưởng thôn biết rất rõ, nên rất dễ thống nhất. Tổ chức thu và nộp thì cũng vậy thôi, có bao nhiêu xe, loại nào thì cứ theo quy định mà thu và nộp thì có gì là khó khăn đâu! Còn nói vì không có chế tài xử phạt cụ thể nên khó thu thì cũng chỉ có lý phần nào thôi. Bởi trên thực tế có muôn vàn khoản phí, lệ phí có tên và không tên cũng không chịu sự xử lý của một cơ quan nào cả mà người dân vẫn phải nộp đúng, nộp đủ đó thôi. Bởi một khi người thừa hành quyết tâm thu thì không thiếu gì cách để người ta thu đủ. Cứ xem việc thu thuế, thu phí ở các vùng nông thôn thì rõ. Vấn đề này báo chí đã phản ánh nhiều rồi. Nói như thế, để đi đến một kết luận là: thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy gặp nhiều khó khăn là do người dân không muốn nộp và người thu cũng không mặn mà gì khi được giao làm việc đó. Vì lẽ, người ta cảm thấy việc thu phí kiểu đó có nhiều sự vô lý. Một chiếc xe được phép chạy trên đường đã chịu ít nhất năm, sáu loại thuế, phí rồi. Hơn nữa, ở nông thôn, có những con đường do dân bỏ tiền túi ra làm nay lại phải đóng phí cho chính con đường đó thì cũng là sự vô lý. Với lại, mỗi lần đổ xăng là một lần nộp phí đường bộ qua xăng, dầu rồi còn gì. Thế nên, người thu phí không nỡ lòng, không đành lòng làm riết róng. Mà ở dưới cơ sở người ta không muốn làm, không thích làm thì chẳng ai làm thay được họ cả. Kết quả thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy ngày càng tụt giảm là vì thế. Bên cạnh đó, người ta thấy việc sử dụng loại phí này còn thiếu sự rõ ràng, minh bạch. Nhiều địa phương báo cáo là đã sử dụng nguồn thu phí này vào việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp một số con đường. Một số nơi thì lại đầu tư lại cho việc làm đường giao thông nông thôn phục vụ nông thôn mới. Nhưng tất cả chỉ là nghe qua báo cáo. Nói sao thì biết vậy chứ không có gì cụ thể để làm bằng chứng cả. Cho nên vẫn không mấy người tin và trong khi “hội chứng mất lòng tin” đang lan rộng thì người ta lại càng nghi ngờ. Do đó, người nộp lại càng không muốn nộp. Người trực tiếp đi thu lại càng không muốn thu. Vì không khéo là “cong làm cho thẳng ăn”.
 
Đã có một số tỉnh, thành phố kiến nghị bỏ thu việc thu phí giao thông đường bộ đối với mô tô, xe máy. Đồng thời cũng có không ít tỉnh lại muốn duy trì để bảo đảm nguồn thu. Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư mới chỉ kiến nghị tạm dừng thu chứ không phải bỏ hẳn là một giải pháp trung dung để không làm mất lòng ai. Nhưng về lâu dài thì cần xem xét lại và có quyết định rõ ràng, cụ thể. Tiếp tục thu thì ngân sách có thêm tiền dù là một khoản không đáng kể. Còn bỏ thu thì nghe ra dân sẽ rất hoan nghênh, rất hài lòng, vì đó là ý nguyện chính đáng và hợp cả tình, hợp cả lý.
 
Duy Hương