Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; các đồng chí bí thư cấp ủy cơ sở.
Hội nghị được truyền trực tiếp tới 169 điểm cầu của 63 tổ chức cơ sở đảng, với sự tham gia của 5.561 cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn Đảng bộ.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Chu Bá Long - Phó Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh cho biết, trong thời gian gần đây, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang là những từ khóa được nhiều người nhắc đến, thường xuyên được đề cập, thảo luận trong các kỳ họp của Chính phủ, HĐND, UBND, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Thể hiện sự quan tâm đến nội dung này, Trung ương đã ban hành một số chủ trương, chính sách về chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là đẩy nhanh chuyển đổi số, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số…
BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện…
Khẳng định chuyển đổi số là nội dung hết sức quan trọng, là xu thế của mỗi quốc gia, dân tộc, là nhu cầu tất yếu để đưa đất nước, địa phương phát triển bứt phá, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh đồng thời chỉ ra, trong quá trình nhận thức, có nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh bản chất, nội hàm và tác động đến các lĩnh vực của chuyển đổi số cần được làm rõ và cập nhật.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp tham gia tham mưu, dự thảo chương trình chuyển đổi số quốc gia đã báo cáo chuyên đề “Chuyển đổi số - từ nhận thức đến hành động”.
Chuyên đề chỉ rõ, công nghệ số thực chất là công nghệ thông tin nhưng phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua, hội tụ một số công nghệ cốt lõi của công nghệ thông tin và tạo ra sự chuyển đổi, bước đột phá như thiết bị Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối… Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số, phải xuất phát từ nhu cầu tự thân… Về mặt nhận thức về chuyển đổi số, Việt Nam đang cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Ở cấp độ quốc gia, đồng chí Nguyễn Phú Tiến phân tích 5 nhiệm vụ chính: Tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số và chuyển đổi số các lĩnh vực ưu tiên.
Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lý giải sự cần thiết chuyển đổi số ở cấp độ địa phương, chỉ ra một số sai lầm và nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số, đồng thời cần lựa chọn nội dung, lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng lộ trình và áp dụng thí điểm, thử nghiệm…