(Baonghean) - Lâu nay, chúng ta nghe quá nhiều về cam kết của Việt Nam trong Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) mà thời hạn nó trở thành hiện thực chỉ còn được tính bằng tháng. Hình như mọi sự quan tâm đều đổ dồn cho các cam kết về giao thương hàng hóa, rồi câu chuyện các hàng rào thuế quan… Thỉnh thoảng xuất hiện những cảnh báo về sự cạnh tranh khốc liệt nhưng sòng phẳng, về khả năng “vào lưới nhặt bóng ngay trên sân nhà” đã xuất hiện trên các diễn đàn với tần suất ngày một nhiều hơn.
 
Tuy nhiên, có một điều mà theo chúng tôi rất có thể cũng phải “vào lưới nhặt” chính là vấn đề về lao động. Thông tin đang “hút” dư luận là ngày 20/7, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm nay cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp. Một con số gây “sốc” cho bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề gai góc này. Điều lo ngại là khi các chỉ báo về kinh tế đều cho dấu hiệu tích cực thì số người thất nghiệp lại cộng thêm 114.000 người. Mọi người còn ngạc nhiên hơn trong con số khổng lồ ấy có đến gần 178.000 cử nhân và thạc sỹ. Số tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000. Còn lao động phổ thông chưa qua đào tạo cũng “nhập cuộc” leo dốc từ 630.000 lên 726.000 người. Tỷ lệ người thiếu việc làm cũng tăng. Số người làm việc dưới 35 giờ mỗi tuần và có mong muốn làm thêm giờ là 1,13 triệu người, tăng so với cuối năm 2014, trong đó số lao động thiếu việc làm ở nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị. 
 
Chúng ta biết rằng trên thế giới thì chỉ số thất nghiệp là một trong những thước đo cơ hội tăng trưởng. Ở Mỹ, các báo cáo về chỉ số thất nghiệp tích cực bao giờ cũng làm cho thị trường chứng khoán thăng hoa và ngược lại. Rất tiếc, ở ta có khi đây là một con số chưa được quan tâm đúng mức.
 
Như đã đề cập ở trên, chỉ còn ít tháng nữa chúng ta sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đứng ở góc độ tích cực, có thể khẳng định cơ hội việc làm sẽ mở rộng không gian với người lao động. Tuy nhiên, cơ hội cũng gắn liền với thách thức. Cái gọi là “tự do” ấy nếu không biết tranh thủ nắm bắt thì nguy cơ mất việc làm ở đội ngũ lao động chất lượng cao là tất nhiên. Theo cam kết, 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sỹ, bác sỹ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Cũng thời điểm này, dự báo nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng. Luật việc làm có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và quốc tế. 
 
Nước đã đến chân rồi, ấy vậy mà rất nhiều người lao động vẫn cứ “bình chân như vại”. Trong con số thất nghiệp vừa được công bố, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến con số 178 ngàn thạc sỹ và cử nhân đang “ăn không ngồi rồi” trong xã hội. 
 
Một căn bệnh lâu nay vẫn lũng đoạn tâm lý người Việt - bệnh sính bằng cấp? Không biết tự bao giờ, cũng  chẳng biết  xuất  phát  từ  đâu hình thành  trong tư duy nhiều người Việt quan niệm: Đại học là cánh cửa duy nhất để thành công khi vào đời. Và thế là họ tìm mọi cách để lọt qua cổng trường đại học. Học giỏi thì không nói làm gì, số này hiển nhiên tìm trường “xịn”. Số còn lại thì vào các trường tốp hai, tốp ba, sau nữa thì vào các trường dân lập… Hệ chính quy không qua thì vào hệ mở, hệ tại chức, hệ từ xa. Thậm chí nếu “căng” quá thì học trung cấp rồi “bò” lên đại học theo đường liên thông. 
 
Ngoài một bộ phận có học lực tốt tiếp tục lên các chương trình sau đại học. Số còn lại chưa kiếm được việc lại… học! Có một bộ phận học cao học cho nó khỏi phí thời gian. Thế là phong trào “nhà nhà thạc sỹ, người người thạc sỹ” được âm thầm cổ súy,  nhất là ở các đô thị. Chính họ đã, đang và sẽ góp phần làm nên con số 1,1 triệu người thất nghiệp kia. Còn nhớ năm ngoái trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện cửa hàng nọ tuyển nhân viên bán bánh mỳ nhưng tiêu chuẩn đặt ra là phải tốt nghiệp thạc sỹ. Đúng là cười ra nước mắt! 
 
Cần phải thay đổi ngay quan niệm về bằng cấp và việc làm. Tạm thời chưa nói đến chất lượng thật sự của những tấm bằng hào nhoáng kia. Nhưng bằng cấp để làm gì nếu nó trái tuyến với nhu cầu của xã hội. Nhu cầu lao động tay nghề bậc cao vẫn đang có và các em học sinh cần  trau dồi một nghề nào đó phù hợp với sở trường, năng lực, phù hợp với nhu cầu thiết thực của xã hội, đó mới là khôn ngoan, đó mới là “có học”, đó mới là trách nhiệm. 
 
Trước khi đặt bút viết bài này tôi vừa nhận được thông tin, sáng 18/7, Trường Trung cấp nghề  kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành tổ chức lễ cấp bằng tốt nghiệp và bàn giao 100 lao động cho các công ty, doanh nghiệp trong nước. Ở Trường Việt - Hàn, Trường Việt - Đức, Trường dạy nghề số 4, dạy nghề số 1 trên địa bàn tỉnh cũng đã không dưới một lần các doanh nghiệp “đón tại nhà” như vậy, đấy mới là thiết thực! Hội nhập sâu rộng đang đến rất gần, với vấn đề lao động cũng không nên để cho đối tác “nắm đằng chuôi” khi chúng ta là một trung tâm đào tạo nghề. 
 
Nguyễn Khắc An