(Baonghean) - Một chiều đi làm về sớm, tôi mở cửa vào nhà mà bé Lính Chì và Hạt Dẻ vẫn mải mê chơi trò xếp hình. Nhớ, lúc còn nhỏ, tôi cũng thường ham chơi, chơi đủ trò, chơi quên cả nhiệm vụ nấu cơm, quên cả về nhà. Trò chơi của chúng tôi là “Giang trốn Tiến bắn”, là đánh trận giả chia hai phe ta và địch để “đánh nhau”... Còn lũ trẻ, hôm nay chúng đang say sưa xếp hình, hết hình ô tô du lịch, thì xếp hình du thuyền, rồi hình sân vận động bóng đá, nhà hát opera...
Hình như tuổi thơ thời nào cũng đều mê mải với các trò chơi. Sự mê mải là giống nhau, nhưng trò chơi của lũ trẻ đã rất khác trò chơi của chúng tôi thời trước.
Có mối liên hệ gì giữa trò chơi con trẻ sau gần 40 năm đất nước kết thúc chiến tranh? Rất có thể, mỗi trò chơi trẻ thơ cũng phản chiếu ít nhiều hiện thực cuộc sống.
Tôi sinh ra sau thời hậu chiến, nhưng những trò chơi, và cả những bài hát, những bài học của tôi và bạn bè, vẫn có rất nhiều những hồi quang của khói lửa, đạn bom. Bài hát của tôi có “Bé đi sơ tán bế em đi cùng” (Bé bé bằng bông – Phạm Đức Lộc). Còn bài hát của Lính Chì và Hạt Dẻ bây giờ là “Em đi chơi thuyền trong thảo cầm viên” (Em đi chơi thuyền – Trần Kiết Tường). Điều đó khác nhiều lắm chứ!
Không ai mong muốn chiến tranh xảy ra? “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền đã nói lên tiếng nói của bao người ra trận. Cả dân tộc “đã nhân nhượng”, nhưng ta “càng nhân nhượng” kẻ thù “càng lấn tới”, buộc ta phải, và sẵn sàng lên đường.
Còn trong ước mơ, hẳn rằng bất kỳ trái tim nhân hậu tốt đẹp nào cũng chỉ mơ ước về cuộc sống thanh bình. Ai mà chẳng muốn mình và người thân sau giờ làm việc, cống hiến, rồi sẽ được nghỉ ngơi, được đi du lịch, đá bóng, hay đến nhà hát.
Và, chính khi được sống trong hòa bình, được quyền hưởng thụ những giá trị chỉ trong thời bình mới có như được đi du lịch, đi đá bóng hoặc nghe hát, ta lại càng cảm thấy sự hy sinh, cống hiến, cả tính mạng, máu xương và tuổi trẻ của cha anh ngày trước, có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Cây Ngô Đồng