(Baonghean) - Một sáng cuối tuần nắng nhẹ, gió miên man, y hẹn với anh bạn người Đô Lương, chúng tôi mang theo câu thơ của người xưa tìm về mảnh đất một thời vang danh “xứ lường”.
 
“Muốn ăn khoai sọ chấm đường
Xuống đây mà ngược đò Lường cùng anh.
Đò Lường bến nước trong xanh
Gạo ngon, lúa tốt bến thành ngược xuôi”.
 
Cung đường đến với xứ Lường của chúng tôi từ TP. Vinh theo hướng Tây dài chừng 70 km theo Quốc lộ 46. Mải miết hút theo cảnh vật yên bình, miên man hồi tưởng về những bậc danh nhân được sinh ra từ những làng quê nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước nằm êm đềm bên dòng Lam chở nặng phù sa, chúng tôi chạm đến mảnh đất xứ Lường lúc nào không hay. 
 
images1159752_4._l__h_i_d_n_qu__son_thu_h_t_d_ng_d_o_du_kh_ch.__nh_h_u_ho_n.jpgLễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh: Hữu Hoàn
Hòa chung nhịp phát triển của đất nước, từ phố thị đến thôn quê, mảnh đất Đô Lương đang khoác lên mình tấm áo mới với nhiều gam màu tươi sáng. Nhưng còn đây bao màu xưa cũ luyến lưu trên vùng đất văn vật này. Theo hướng dẫn của anh Lê Văn Lương, Trưởng Phòng VH – TT huyện Đô Lương, chúng tôi men theo dòng Lam hiền hòa về với đất Bồi Sơn thăm đền Quả. Với mỗi người dân xứ Nghệ, đây là 1 trong 4 ngôi đền lớn và linh thiêng nhất vốn đã đi vào câu ca: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền nằm tại chân núi Quả, mặt hướng ra sông Lam; đền thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ, người có công rất lớn trong việc ổn định, phát triển cả đời sống kinh tế, văn hóa lẫn tinh thần cho người dân xứ Nghệ dưới thời nhà Lý. Ngôi đền đã được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia.
 
Cách đền Quả Sơn không xa, tại địa bàn xã Lam Sơn là chùa Bà Bụt còn được gọi là Tiên Tích tự. Hàng năm, vào tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Đền Quả Sơn để làm lễ tạ bà Bụt đã trợ giúp Uy Minh vương Lý Nhật Quang và thu hút du khách thập phương về dự lễ hội rất đông. Cụ thủ từ tại đền Quả Sơn cho biết: “Vào dịp lễ hội, mồng Một hay ngày Rằm, du khách thập phương về đi lễ đền rất nhiều. Nơi đây đã thực sự trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh trong hành trình du lịch về với Nghệ An”.
 
Chia tay mảnh đất Bạch Ngọc, chúng tôi ngược trở về xã Thái Sơn để chiêm ngưỡng đình Long Thái. Giữa khung cảnh của một làng quê thuần nông, ngôi đình Long Thái uy nghiêm, cổ kính như nét chấm phá tạo sức cuốn hút lạ kỳ đối với du khách. Ông Thành Đặng Cử, một người con quê hương Thái Sơn sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, nghỉ hưu trở về quê hương đã dành rất nhiều tâm huyết sưa tầm những câu chuyện dân gian liên quan đến đình Long Thái, cũng như coi sóc ngôi đình cổ hiếm có này, nhiệt tình làm “hướng dẫn viên du lịch” cho chúng tôi.
 
Dưới mái đình rêu phong, trầm mặc, tay chỉ ra cánh đồng, ông Cử kể: Tại làng Vĩnh Long, tổng Bạch Hà, nay là làng Long Thái, xã Thái Sơn, huyện Đô Lượng, cách đây mấy thế kỷ, cái thuở dân làng chưa đông đúc như bây giờ, xung quanh làng nhiều cây cối to, rậm rạp, đường đi lại còn nhỏ hẹp; một hôm có một người con gái mang thai đi vào làng, nói là chạy loạn. Cái thai trong bụng cũng đã đến ngày hạ sinh, cũng có lẽ trời xui đất khiến, cô chuyển dạ. Người dân làng có một số người biết chuyện nhưng do tập tục nên họ không dám để cô sinh con trong làng, bèn đưa cô về gò đất phía Tây làng để sinh nở. Tại đây cô sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú. Lúc cô sinh con, trên trời nổi lên ánh vân la ngũ sắc rất đẹp, dân làng thấy đây là điều linh dị liền bàn nhau đưa cô vào làng dựng lều, người bát gạo, người bó củi… chăm sóc giúp đỡ mẹ con cô qua cơn hoạn nạn. Người con được mẹ đặt tên là Lê Ninh, hơn một năm sau khi con đã cứng cáp cô bế con về quê ngoại.
 
Một thời gian sau người con trai lên làm vua Miếu hiệu Lê Trang Tông niên hiệu Nguyên Hòa, dân gian hay gọi là chúa Chổm. Để trả ơn dưỡng dục lúc sơ sinh, vua ban cho dân làng nhiều ân huệ. Lúc vua băng hà, dân làng lập đình miếu thờ. Theo các bậc cao niên lưu truyền lại, đình Long Thái được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII bằng gỗ lim. Đến thời nhà Nguyễn, đời vua Thiệu Trị, năm 1842 người dân làm thêm tòa đình bằng gỗ mít, chính là ngôi đình còn tồn tại đến ngày nay. Liên quan đến vua Lê Trang Tông, cách xã Thái Sơn không xa còn có đền Đức Hoàng tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương. Theo chuyện xưa kể lại, sau khi lên ngôi, để ghi nhớ công lao vùng đất đã cưu mang mình và công ơn tiên tổ, vua Lê Trang Tông đã cho lập đền để thờ ông bà, cha mẹ.
 
Sau khi vua mất, nhân dân đã lập bài vị và rước vào thờ trong đền và lấy tên là đền Đức Hoàng. Hàng năm, vào dịp ra Giêng, nhân dân Đô Lương tổ chức Lễ hội Đền Đức Hoàng với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh đặc sắc… Những câu chuyện xưa về mảnh đất Đô Lương ắt hẳn có thực, có hư, song những công trình di tích lịch sử có thật vẫn mãi trường tồn theo năm tháng và điều quan trọng hơn cả là vẫn sống mãi trong tâm thức của người dân địa phương từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tất cả đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. 
 
Một góc Thị trấn Đô Lương. Ảnh: Trần Hải
Xuôi Quốc lộ 15A từ Thị trấn Đô Lương về xã Mỹ Sơn, cảm xúc của chúng tôi đọng lại vì những câu chuyện chiến đấu và hy sinh anh dũng của các TNXP, bộ đội và nhân dân Mỹ Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi từng được xem là “rốn bom”, tọa độ lửa, bị cày xới đến từng tấc đất bởi bom đạn đang hiện lên sinh động và tràn đầy sức sống. Những đóa sim, đóa mua tỏa hương sắc trong chiều nắng nhạt. Một khu tưởng niệm trang nghiêm, bề thế đã cơ bản hoàn thiện đang hàng ngày đón tiếp du khách thập phương tìm về thắp nén hương thơm, dâng bó hoa tươi thể hiện tấm lòng tri ân lên khu mộ của 13 liệt sỹ TNXP đã ngã xuống trong ngày định mệnh 31/1/1968, cũng như hơn 1.200 cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này trong kháng chiến chống Mỹ. 
 
Trời ngả chiều, chúng tôi tiếp tục xuôi Quốc lộ 15A để về Vinh, kết thúc hành trình một ngày đến với mảnh đất Đô Lương địa linh nhân kiệt, ẩn chứa trong đó bao điều cuốn hút. Dẫu vậy, khi chia tay anh Trưởng phòng VH –TT Đô Lương vẫn chèo kéo: “Đô Lương còn nhiều địa điểm du hấp dẫn lắm. Trên địa bàn chúng tôi có 177 di tích, trong đó 10 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, địa điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn như: suối nước khoáng nóng Giang Sơn, xã Giang Sơn Đông…”. Lời giã bạn cũng là lời hẹn ngày hội ngộ. Hẹn gặp lại xứ Lường để lại được đắm mình trên những triền đê bên dòng Lam, để được sống lại cùng quá khứ, lịch sử dân tộc qua những di tích rêu phong cổ kính.
 
Nhật Lệ