(Baonghean) - “Ơi, chứ ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh…”. Có ai đó đang hát chăng, giữa chốn xa này, hay là tiếng hát cất lên từ trong chính lòng tôi, đứa con xa xứ, đứa con đã muôn trùng dâu bể, trắng tóc đời người mà nhớ thương ví, giặm khôn nguôi? Người ơi, người đang “lên núi hái một trái sim” hay người đang chèo đò dọc, người có gặp tôi chăng? Tôi - cậu bé đầu trần, phong phanh áo vá, khỏa nước sông Lam mỗi chiều. Cậu bé ngồi trên bờ đê hút gió ngóng mẹ tan chợ về trên quãng đường xa. Cậu bé ngồi bên ngọn đèn dầu mỗi đêm “chăm lo đèn sách cho tày áo cơm” theo câu hát dặn của bà?...
Cứ tưởng chừng đã lắng lại cùng thời gian, những hồi hộp, nhớ thương, những xót xa, mong đợi. Thế sao chỉ một câu hát, bỗng chốc ùa về. Ai tóc trắng mà ngỡ mình trẻ dại? Ai đã lên thác xuống ghềnh mà vẫn ngần ngại một tiếng yêu? Có phải ta đang soi bóng dòng sông trong câu ví ấy để gặp quê hương vời vợi phía chân trời. Nào nhút mặn chua cà, nào nắng lửa mưa chan, nhưng đùm bọc, nghĩa tình “Con gái gả chồng cả xóm có trầu vui” (Nguyễn Sỹ Đại). Nơi ấy có chính ta, nông nổi mà cũng mấy lắng sâu “đã yêu thì yêu cho chắc”. Nơi ấy có người con gái ta thương tuổi thanh xuân đang chờ ta với bao nhiêu khắc khoải: “Bóng trăng em tưởng bóng đèn/ Bóng cơn em tưởng bóng thuyền anh xuôi”… Như đã từ hàng trăm năm trước, đến ngàn đời sau người ở lại vẫn vững niềm tin, người ra đi chẳng quên lối về…
Tôi mãi nhớ, trong một căn gác nhỏ, chiều Hà Nội, tôi được ngồi cùng ông nhạc sỹ tài hoa xứ Nghệ- nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Hai chúng tôi, gõ trên mặt bàn gỗ một giai điệu để hát “Mơ quê”. “Mơ quê”- một nhạc phẩm rút ruột của ông mang nặng âm hưởng của ví, giặm quê hương. Hai chúng tôi, khi ấy cùng một giấc mơ… Phía quê nhà “khuất nẻo hoàng hôn” kia, chợ Rạng hay có thể là chợ Bộng, chợ Vẹo, sông Lam hay có thể sông Dinh, sông Bùng…, chúng tôi còn gửi lại bao ước hẹn. Dặn lòng “về đi thôi, ta về đi thôi”, sao mà nặng đến thế bước chân thương nhớ đời mình?
Có phải ta - “ông trạng” lớn lên từ củ khoai, củ sắn, từ chắt bóp tảo tần mồ hôi của mẹ để rồi “ông trạng áo dài ông trạng sông ly quê”? Để mỗi khi nhớ thương, đành cất lòng vào câu ví? Như sông kia có nông sâu, bồi lở, như phận mình cũng lắm nỗi đa đoan, vin vào câu hát để nhắc mình không quên thủy chung tình nghĩa, mỗi ngã rẽ biết chọn dòng trong mà bước tiếp quãng đường…
Ta đã đi chân trời góc bể, ấy vậy mà vẫn chưa đi hết câu ví kia “ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh”. Phải không, ví giặm ấy là hồn cốt, là cội rễ trong ta, đã xanh lên và tỏa bóng mát xuống đời ta…
Thùy Vinh