(Baonghean) - Cách đây 226 năm, trong bước chân thần tốc hướng về kinh đô Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh, khi dừng chân trên vùng đất Yên Trường, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã thốt lên rằng: Nơi đây "hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới, thật là chỗ đẹp để đóng đô vậy".
 
images1159596_den_quang_trung.jpgĐền Quang Trung trên núi Dũng Quyết.
Nhận thấy đây là một vị trí hội đủ nhiều điều kiện thuận lợi để lập đô, ngày 1/10/1788 Hoàng đế Quang Trung đã quyết định cho xây dựng đế đô tại vùng đất Yên Trường, nay thuộc phường Trung Đô - Thành phố Vinh và đặt tên là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Ngay từ buổi đầu lập nghiệp, người Anh hùng áo vải cờ đào đã nhìn thấy những ưu việt hiếm có của vùng địa linh nhân kiệt với sự hiển linh của hình sông, thế núi và sức mạnh lòng dân của con người xứ Nghệ. 
 
Trải qua các giai đoạn của lịch sử dân tộc, từ đời vua Gia Long đến các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, vùng đất Yên Trường tiếp tục được coi trọng xây dựng. Thị xã Vinh chính thức được thành lập và có tên trên bản đồ Việt Nam vào ngày 12/7/1899 bằng đạo dụ của Vua Thành Thái và với sự chuẩn y của toàn quyền Đông Dương. Tiếp sau đó, ngày 11/3/1914 Vua Duy Tân ra đạo dụ thành lập Thị xã Bến Thuỷ; ngày 28/2/1917 Vua Khải Định ra đạo dụ thành lập Thị xã Trường Thi. Ngày 10/12/1927, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định sát nhập 3 đơn vị hành chính: Thị xã Vinh, Thị xã Bến Thuỷ và Thị xã Trường Thi, đặt tên là Thành phố Vinh - Bến Thuỷ, có diện tích khoảng 10km2 với 10 phố, từ phố Đệ Nhất, phố Đệ Nhị đến phố Đệ Thập.
 
Núi Quyết - sông Lam.
Từ lâu, Vinh đã phát huy vai trò một đô thị quan trọng. Ngay thời thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, người Pháp coi Vinh là một trong những trung tâm trọng điểm ở nước ta, bắt đầu hình thành các cơ sở công nghiệp thương mại, dịch vụ, cải tạo hệ thống giao thông từ đường sắt, đường bộ và đường sông, tạo cho Vinh có vị trí quan trọng về đầu mối giao thông ở khu vực và quốc gia. Đây là một trong những nhân tố tạo điều kiện để hình thành các cơ sở công nghiệp, dịch vụ như: sửa chữa đầu máy xe lửa, dịch vụ vận tải, nhà máy sản xuất diêm, chế biến gỗ...
 
Theo sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà số 11 ngày 24/1/1946, Vinh - Bến Thuỷ được “tạm coi như là thị xã”. Ngày 10/10/1963 là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Vinh ngày nay, đó là ngày TP. Vinh chính thức được thành lập theo Nghị định số 148/NĐ-CP của Chính phủ. Vinh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Nghệ An. 
 
Di tích Nhà máy điện Vinh. Ảnh: L.T
Lịch sử hình thành và phát triển của TP. Vinh cũng đồng hành với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Với vị trí là trung tâm công nghiệp - thương mại của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX, phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Vinh phát triển mạnh, đặc biệt lực lượng công nhân ngày càng có tinh thần giác ngộ và ý thức cách mạng cao. Đó là một trong những yếu tố hình thành nên các phong trào yêu nước mà đỉnh cao là Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Truyền thống đó càng thể hiện rõ nét trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX. Nhân dân thành phố đã cống hiến, hy sinh về người và tiêu thổ kháng chiến. Kết thúc chiến tranh, toàn thành phố không còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, các khu dân cư, hệ thống giao thông, các trường học, bệnh viện và cở sở văn hoá đều chung cảnh hoang tàn. 
 
Ngày 1/5/1974, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCH Đảng Cộng sản Việt Nam, bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố quê hương Bác Hồ. Những công trình đầu tiên đã được hình thành trong sự mong chờ của nhân dân địa phương và đồng bào cả nước. Những công trình đã đưa Vinh phát triển theo hướng tiếp cận một đô thị hiện đại từ khâu quy hoạch, tổ chức hệ thống các khu chức năng trung tâm và các vùng phụ cận. 
 
Cửa Hữu - Thành cổ Vinh
Càng ngày, TP. Vinh đang chứng minh về một đô thị đẹp nhất nước khi nằm bên bờ sông Lam đẹp như một dải lụa, đầy ắp phù sa và huyền tích. Phía Đông thành phố là khu rừng ngập mặn thâm nghiêm, là Cửa Lò, Cửa Hội giàu thuỷ hải sản và hấp dẫn. Phía Tây là núi Đại Huệ, Kim Liên - Nam Đàn, quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, là nơi giàu bản sắc văn hoá truyền thống của người dân xứ Nghệ... Phía Nam là Hồng Lĩnh quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du; là sông Lam, núi Dũng Quyết - biểu tượng cho khí phách của người dân đất Phượng Hoàng - Trung Đô. Phía Bắc là huyện Nghi Lộc - nơi có tiềm năng đất đai đang được định hướng sáp nhập dần và trở thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, cao sản cho thành phố, tại đây còn có Khu kinh tế Đông Nam, hành lang phát triển kinh tế bền vững cho cả tỉnh. 
 
Với yêu cầu phát triển, địa giới hành chính của TP. Vinh nhiều lần được điều chỉnh, mở rộng. Ngày 13/8/1993, TP. Vinh được công nhận là đô thị loại II. Cuối năm 2008, Vinh được công nhận là Đô thị loại I. Quá trình mở rộng thành phố diễn ra nhanh chóng, riêng năm 2008 diện tích thành phố đã tăng 55% so với trước, đáp ứng yêu cầu xây dựng TP. Vinh trở thành đô thị trung tâm kinh tế - văn hoá vùng Bắc Trung bộ theo Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 14/01/2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Vinh sẽ được quy hoạch 250 km2, bao gồm toàn bộ diện tích hiện nay, toàn bộ Thị xã Cửa Lò, phần lớn huyện Nghi Lộc... Những yếu tố đó để Thành phố Vinh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, lan tỏa trong nước và mở rộng mối quan hệ giao thương hợp tác quốc tế.
 
Vân Nhi