(Baonghean) - Những con đường, triền núi, dòng sông… ấy xanh mát bóng cây, ríu rít tiếng chim và bình yên đến độ người ta thật khó hình dung, cách đây mấy chục năm về trước, đó là những “toạ độ lửa”, nơi đổ xuống đạn bom, máu và nước mắt...

images1159754_qu_n_th__di_t_ch_tru_ng_b_n_dang_du_c_x_y_d_ng__4__h__phuong.jpgQuần thể di tích lịch sử Truông Bồn đang được xây dựng. Ảnh: Hồ Phương

Lắng lại lòng mình, trong gió, trong cây, đặt dấu chân mình trên đất thiêng, thấy quá khứ dường như vẫn đồng vọng. Đâu đây tiếng cuốc đất mở đường, tiếng hát trong mưa bom, tiếng gọi “mẹ ơi” dần xa… đã vang lên trong tâm trí chúng tôi trong chuyến đi như một vòng cung, từ Cột mốc số 0 (Tân Kỳ), qua Truông Bồn (Đô Lương), tới Phà Bến Thuỷ (T.P Vinh), ngược về Cầu Cấm, kênh Nhà Lê (Nghi Lộc) đến hang Hoả Tiễn (Hoàng Mai)…

Tượng đài Chiến thắng Truông Bồn. Ảnh: H.P
Cột mốc số 0, nơi bắt đầu của con đường chạy thành vệt son giữa những trang lịch sử hào hùng và giờ đây là con đường lớn dậy những sôi động vươn tầm phát triển mới của đất nước. Đất này hiện hữu thế núi, dáng sông hữu tình, đắp bồi phù sa bao đồng bãi mà khiêm nhường xưng là sông Con, đỉnh cao tự nhận là lèn Rỏi, như cột mốc khởi nguồn cho con đường huyền thoại, góp phần quan trọng nối non sông đất nước liền một dải, thì lại là Cột mốc số 0. Giản dị và thiêng liêng làm nên cốt cách một vùng đất, đại diện cho bao vùng đất khác trên xứ Nghệ gió Lào.
 
Cầu Bến Thủy (TP. Vinh). Ảnh: X.H
Có mấy ai hay, trên mảnh đất này, những năm từ 1965 – 1972, gần như không giờ phút nào ngơi tiếng đạn bom. Đã có 1.081 con em ưu tú của Tân Kỳ hy sinh, 1.486 người mang thương tật… Tân Kỳ vững vàng với vai trò “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn”. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Tân Kỳ huy động hơn 20.000 lượt người tham gia bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến.  
 
Cột mốc số 0 (Tân Kỳ). Ảnh: X.H
Chúng tôi gặp ông Lê Công Xưởng (khối 2, Thị trấn Lạt), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Tân Kỳ từ năm 1981 - 2000. Ông nói về Tân Kỳ với tình yêu không giấu nổi dành cho nơi chốn định cư, dẫu rằng ông quê gốc ở xã Thượng Sơn (Đô Lương). Chúng tôi hình dung người đàn ông nghiêm nghị ngồi trước mặt, khi còn là chàng thanh niên Lê Công Xưởng tuổi 20, phơi phới niềm tin viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ấy là những năm tháng khốc liệt nhất của chiến trường miền Nam, nhưng ông bảo, dẫu vậy, mỗi lần cắt phép trở ra Bắc, về đến Tân Kỳ mới thấy, mảnh đất này cũng dạn dày đạn bom chẳng kém nơi tiền tuyến. 
 
Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đi vào giai đoạn quyết định, đồng thời, để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 27/11/1972, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường vận tải bằng xe cơ giới từ Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, nối đến tận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từ đó, Thị trấn Lạt trở thành nơi tập kết để cán bộ, chiến sỹ và hậu cần, vũ khí chuẩn bị vào miền Nam. Điểm khởi công tuyến đường được chôn xuống một phiến lớn làm từ xi măng, sỏi và cát đúc lại, như một cách đánh dấu. Vị trí ấy lọt lòng Thị trấn Lạt ngày nay, nhưng bấy giờ, Thị trấn Lạt nằm giữa núi rừng hoang vu, những hố bom do chiến tranh để lại.  Từ ngày mở đường đến kết thúc chiến tranh, trên con đường huyền thoại này, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam…  góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Nhưng sau ngày toàn thắng, sau bao hân hoan hạnh ngộ, có một thời gian dài, Cột mốc số 0 chìm vào quên lãng! Cũng dễ hiểu, sau chiến tranh, chính quyền và nhân dân huyện nhà lao vào công cuộc phục hồi, dựng xây, kiến thiết. Ông Lê Công Xưởng, bấy giờ là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Tân Kỳ trở thành “người lạ”, khi đề nghị với đảng bộ, chính quyền huyện nhà tìm lại dấu tích của Cột mốc số 0, để dựng nên một biểu tượng bất khuất, can trường cho vùng đất này. Lời đề nghị ấy được đưa ra vào năm 1988 – 13 năm sau ngày toàn thắng. 13 năm, nhiều đổi thay trên mảnh đất đạn bom năm nào, giờ chẳng còn thấy vết tích nào của Cột mốc số 0 huyền thoại. Thế là lặn lội dò hỏi, tìm kiếm mãi đến năm 1990, niềm vui vỡ òa khi tìm thấy 2 Cột mốc số 0 (cột đầu tiên xây dựng năm 1972, cột thứ hai là cột gỗ lim, dựng năm 1975). Sau đó không lâu, Cột mốc số 0 được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. 
 
Cầu Cấm (Nghi Lộc).
Chúng tôi đã chạm tay vào hai “nhân chứng” bền bỉ cùng thời gian, hiện diện trong gian phòng trưng bày ngay dưới chân cột mốc, trang nghiêm như một lời nhắc nhớ. 40 năm đã trôi qua, tất thảy những đau thương đã tạm lắng lại, màu xanh đã bền bỉ vươn mầm trên đất cằn sỏi đá, nhà cao tầng mọc lên trên những hố bom. Thị trấn Lạt năm xưa là đồng hoang, bãi vắng, nay đã ngời diện mạo và khí thế mới. Cột mốc số 0 hiện nay được xây dựng lại vào năm 2004, sừng sững như chứng tích của một thời bi tráng, ngay sát bên đường cái quan nhộn nhịp những dòng xe. Quá khứ cứ thế song hành cùng hiện tại, nhắc nhớ hiện tại, và nhịp phát triển hôm nay được chắp cánh từ sức vươn kiên cường ngày hôm qua!
 
Từ Cột mốc số 0, xuyên cung đường chiến lược 15A, chúng tôi tìm về với Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương). Tọa độ lửa Truông Bồn chiều dài vẻn vẹn 5 km, trở thành tuyến đường độc đạo, nối các nút giao thông như Cột mốc số 0, Quốc lộ 1A, đường 7 và đường 34. Ngày ấy, 6.000m2 đất Truông Bồn gần như bị san phẳng. Có những ngày cao điểm, không lực Hoa Kỳ điên cuồng đánh phá 131 lần, ném hàng trăm, hàng ngàn bom phá, tên lửa và rocket.
 
Gần 19.000 quả bom các loại đã ném xuống Truông Bồn, và chỉ bằng một phép chia đơn giản cũng cho thấy một con số khủng khiếp: cứ mỗi mét vuông nơi đây phải gánh chịu sức công phá của hơn 3 quả bom tấn. Và khoảnh khắc 6h10’ sáng 31/10/1968, đã mãi ghi dấu lòng quả cảm của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi- những người đi về phía đạn bom mà quên nghĩ đến chính mình. 13 cuộc đời đã lặng lẽ nằm lại nơi dốc núi, nơi những bức thư đã từng chung đọc, nơi những mảnh gương đã từng chung soi, nơi chia cho nhau từng vắt cơm, từng manh áo ấm và từng trái bồ kết gội đầu. Chỉ một ngày nữa thôi, Hiệp định ngừng bắn sẽ được ký kết, bầu trời miền Bắc sẽ xanh yên ả, nhưng họ đã không kịp bước chân về phía hòa bình!...
 
Những thanh xuân vĩnh viễn tuổi 20 ấy đã chắp cánh cho màu xanh niềm tin và hy vọng trên mảnh đất lửa năm nao. Truông Bồn giờ đây nhận được sự quan tâm của chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân đã khang trang diện mạo mới. Trên chính dốc Kỳ Lợn- nơi 13 liệt sỹ hy sinh năm nào, nay là Khu mộ chung được xây cất trang nghiêm, thành kính. Đây là một trong những hạng mục nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Truông Bồn gồm 3 khu vực chính: khu vực Tượng đài Chiến thắng, khu vực Trung tâm và khu vực bảo tồn, tôn tạo nhà dân xóm 9 với mục đích tái hiện lại sinh hoạt, đời sống của nhân dân trong những năm tháng chìm trong bom đạn đầy cam go, khốc liệt. 
 
Hang Hỏa tiễn (Hoàng Mai). Ảnh: Xuân Hoàng
...Rồi nữa, là hang Hỏa Tiễn (Thị xã Hoàng Mai) – nơi 33 nam, nữ công nhân và TNXP ngã xuống năm 1966. Chúng tôi đã đến hang đá linh thiêng ấy, chạm tay vào từng vỉa tầng lành lạnh và hun hút gió, lòng khẽ run lên bởi cảm giác mơ hồ về sợi dây kết nối hiện thực và quá khứ… 33 TNXP hy sinh năm ấy là thành viên của Tổ 4, C271, có nhiệm vụ khai thác đá để xây dựng đoạn đường sắt vào Ga Hoàng Mai, khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường này khi máy bay giặc Mỹ đánh phá. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình … Bất chấp khó khăn, lửa đạn, bất chấp cả muôn thiếu thốn của hoàn cảnh sống khắc nghiệt trong hang đá, ngần ấy con người vẫn luôn phơi phới lạc quan, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Địch phá đường, ta đắp ta đi” và được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, động viên. 
 
Trong không gian trang nghiêm của Nghĩa trang liệt sỹ đường sắt, cách di tích hang Hỏa Tiễn không xa, chúng tôi gặp ông Đặng Ngọc Kim (65 tuổi) – người trông coi nghĩa trang đặc biệt này đã ngót chục năm nay. Bất chấp những thử thách trong đời sống, ông vẫn chọn ở lại với mảnh đất này, di tích này như một sự nặng ơn với quá khứ, lịch sử. Thắp nén tâm hương lên từng phần mộ chí, ông Kim bồi hồi tưởng nhớ: Khoảng 9h sáng ngày 28/4/1966, Tổ 4 đang vận chuyển những khối đất đá để hoàn thành đoạn đường ray còn lại thì bất ngờ tiếng kẻng báo động vang lên. Lập tức, Tổ trưởng Thắm ra lệnh cho đồng đội vào hang gần đó trú ẩn. Khi phần lớn TNXP Tổ 4 đã vào hang ẩn nấp, thì máy bay Mỹ ập đến rải bom làm rung chuyển cả khu vực.
 
Tiếp nữa là một loạt đạn rốc két bắn phá cửa hang, khiến cửa hang bị đánh sập hoàn toàn. Ông Đặng Ngọc Kim, bấy giờ đang lùa bò lên đồi đối diện, chứng kiến nguyên vẹn thời khắc định mệnh ấy. Cũng chính đôi bàn tay ông đã hối hả và run run cùng những người dân quanh vùng đào bới, tìm kiếm từng thi thể ngay khi tiếng bom vừa dứt. Suốt đêm ấy, bầu không khí tang thương trùm lên ngôi làng nhỏ. Không ai ngủ được. Những tiếng khóc thầm dội vào vách đất miệng hầm. Mãi đến sáng hôm sau, khi khai thông được cửa hang thì tất cả dường như chết lặng khi nhìn thấy cảnh tượng đau thương: những thi thể nằm ngổn ngang, bất động và không còn ai nguyên vẹn…
 
Đất Nghệ có bao nhiêu hang Hỏa Tiễn, bao nhiêu Truông Bồn ghi dấu những chiến công? Chẳng ai có thể tính đếm được sự hy sinh, mất mát.  Không chỉ làm trọn vai trò “hậu phương lớn” cho “tiền tuyến lớn” miền Nam, xứ Nghệ còn thực sự trở thành trận tuyến kiên cường, thành “lá chắn thép” cho một dải Bắc Trung bộ. Từ di tích hang Hỏa Tiễn, xuôi theo QL 1A, chúng tôi tìm về trọng điểm Cầu Cấm năm xưa - nơi nút thắt của 3 huyết mạch giao thông đường bộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường thủy (kênh Nhà Lê). Giữa năm 1966, khu vực cầu Cấm còn phải hứng chịu hàng vạn quả đạn pháo 175 ly, 230 ly từ chiến hạm của Hải quân Mỹ cầm canh câu vào thâu đêm, suốt sáng.  Mặt đất, mặt sông, triền núi thung lũng cầu Cấm đêm, ngày mù mịt, khét lẹt khói bom, đất cát bầm đen, trộn lẫn mảnh gang quăn queo, sắc lạnh.
 
Ký ức vẫn còn vẹn nguyên trong dòng hồi tưởng của ông Nguyễn Thế Hiền (Nghi Yên, Nghi Lộc) – nguyên Trung đội trưởng dân quân tự vệ xã giai đoạn 1966 – 1967. Ông bảo, thời kỳ ấy, trên trời thì đạn bom giặc Mỹ, dưới đất, người dân phải khoét vách núi, đào hầm sinh hoạt, bám đất phục vụ chiến đấu và  che chở cán bộ, chiến sỹ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy vượt qua trọng điểm cầu Cấm. Nhớ nhất là 8 giờ 30 phút tối mồng 5/2/1967, một đợt pháo kích tọa độ dội xuống đội hình TNXP đang hối hả san lấp hố bom phía Bắc cầu Cấm, giây lát cướp đi sinh mạng của 15 cán bộ, chiến sỹ đang rực rỡ độ thanh xuân. Đêm tàn khốc ở mố Bắc cầu Cấm năm ấy, ông đã cùng cán bộ, pháo thủ, đồng đội TNXP gạt nước mắt, nhặt nhạnh, khâm lượm thi thể liệt sỹ rồi cùng dân quân Nghi Yên, Nghi Long an táng 15 liệt sỹ tại Nghĩa trang Cây Dừa, thuộc địa phận xóm Bắc Long, cạnh trận địa cao xạ Cầu Hói.
 
Lặng lẽ trong gian nhà nhỏ, ngước nhìn di ảnh người con trai – liệt sỹ Nguyễn Thế Yến – hy sinh khi vừa tròn tuổi 18, ông Nguyễn Thế Hiền chậm rãi bảo, mất mát, hy sinh trong chiến tranh, dường như mái nhà người Việt nào cũng trải qua và thấm thía. Nói về lòng yêu nước bao nhiêu là đủ, chỉ biết dâng hiến những tình yêu riêng tư làm nên tình yêu chung mang tên Đất nước! Tình yêu ấy, hòa mạch thiêng liêng trên trận tuyến chống quân thù, vút lên trên những con đường, dòng sông vận tải, chi viện cho miền Nam. Cùng với tọa độ lửa Cầu Cấm, kênh Nhà Lê cũng là địa danh gánh nhiều tổn thất trong chiến tranh chống Mỹ, được ví là “đường Hồ Chí Minh” trên sông, tuyến giao thông thủy nội địa nối liền mạch tiếp viện vào Nam. Hàng ngàn TNXP đã được huy động để sẵn sàng khơi dòng khi bị không quân Mỹ đánh phá.
 
Chớm hè năm 1966, đúng thời điểm cả trăm chiếc thuyền bị mắc cạn trên kênh Nhà Lê đoạn qua Diễn Vạn do nước rút, thủy triều xuống thì không may địch phát hiện ra. Lúc ấy ta lại chưa kịp cất giấu, ngụy trang tàu thuyền. Máy bay địch cấp tập rải thảm, tàn sát. Trong khoảnh khắc, máu hòa với dòng nước xanh, nhuộm đỏ cả khúc sông dài. Riêng trận này, đội TNXP C206 đã vĩnh viễn mất đi hơn 10 người con ưu tú, những con người vừa qua tuổi đôi mươi chưa được bao lâu, cùng với đó là rất nhiều người dân vô tội của các xã Diễn Vạn, Diễn Hồng, Diễn Hải … 
 
Giờ đây, cầu Cấm, kênh Nhà Lê đã được tôn tạo lại, phần nào xứng đáng với tầm vóc và sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống tại chiến địa này. Những người đã góp phần làm nên lịch sử năm xưa, họ cũng trở về bình dị với đời thường. Ở TP. Vinh có một “vị anh hùng” bình dị như thế - “anh hùng” của tọa độ lửa Phà Bến Thủy – Nguyễn Đăng Chế. Với ông, trọn cuộc đời đã hướng về điểm phà ấy. Bao ký ức trở thành máu thịt. “Anh hùng” Nguyễn Đăng Chế gắn tuổi trẻ của mình với điểm phà Bến Thủy trong những năm tháng giao tranh ác liệt nhất. Năm 1969, khi đang là Đại đội trưởng Đại đội rà phá bom mìn, ông được chuyển về làm Trưởng Phà Bến Thủy. Bấy giờ, tập thể Phà vừa vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, trọng trách đặt lên vai người trưởng phà trẻ tuổi là rất nặng nề.
 
Khi ông về nhận nhiệm vụ ở Phà Bến Thủy, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chỉ có vài xà lan, mấy đầu máy ca nô, trụ sở làm việc đã bị máy bay Mỹ đánh sập. Ông cùng anh em công nhân đặt mìn phá đá, đào hang sâu trong núi Quyết để thành nơi làm việc cho 300 con người quả cảm. Nhằm đảm bảo an toàn cho những đoàn xe vận tải, phà chỉ hoạt động vào ban đêm để máy bay địch không phát hiện ra. Bom đạn ác liệt đến nỗi, trước mỗi lần kéo phà ra sông là một lần lặng lẽ truy điệu sống. Trải qua 8 năm chiến đấu qua hai cuộc chiến tranh phá hoại, mỗi cán bộ, chiến sỹ phà Bến Thủy phải “chịu” 150 quả bom và đạn các loại. 26 cán bộ, chiến sỹ bến phà hy sinh, 92 người bị thương, đã có lúc số hy sinh và thương vong lên tới 75% quân số, nhưng bến phà vẫn thông suốt. Trưởng Phà Bến Thủy năm nao rưng rưng trong dòng hồi ức: “Có những cuộc chôn cất người ngã xuống kéo dài từ 7h sáng đến 0h đêm vì liên tục ngắt quãng bởi máy bay Mỹ đánh phá. Đồng đội rưng rức ôm choàng lấy quan tài những người hy sinh, như muốn mở lòng chở che, bao bọc lấy nhau lần cuối. Cảnh tượng ấy chẳng bao giờ có thể nguôi quên!”.
 
Vâng, nguôi quên làm sao được! Dẫu non nửa thế kỷ trôi qua, dẫu lớp vỏ bình yên đã bồi lắng những đau thương quá khứ … vẫn còn đó vẹn nguyên vỉa tầng lịch sử trong mỗi chúng ta. Như một lẽ hiển nhiên nhất trên đời, hành trình trở về những tọa độ lửa năm xưa của chúng tôi đã trở thành hành trình tìm về về với cảm thức nhân văn bản ngã của chính mình.
 
Phương Chi - Thùy Vinh