Tính đến nay, tại Việt Nam đã phát hiện 213.413 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 63.373 người đang ở trong giai đoạn AIDS, lũy tích tử vong do HIV/AIDS là 65.133 người.

816361_small_106280.jpg

Cán bộ y tế tư vấn cho người nhiễm HIV. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trung bình 5 tháng đầu năm 2013, mỗi ngày cả nước phát hiện thêm 29 người nhiễm HIV. Nhiều địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV tăng nhiều so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm năm 2013 như Lai Châu (54%), Nghệ An (29%), Ninh Bình (63%), Gia Lai (119%), Bắc Ninh (45%)...

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS," được tổ chức ngày 24/9, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm đánh giá đến nay, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính phủ đã xây dựng Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2003-2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với các hệ thống giải pháp toàn diện và đồng bộ, bao gồm dự phòng, chăm sóc, điều trị, giảm tác động tiêu cực của HIV/AIDS. Những chiến lược này cũng đã được xây dựng với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức cộng đồng của những người sống chung với HIV.

Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm liên tiếp trong 3 năm liền về số người nhiễm mới và triển khai Chương trình Methadone một cách có hiệu quả...

Phó Thủ tướng biểu dương những kết quả đáng khích lệ của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/ AIDS và mong muốn các tổ chức xã hội tiếp tục có những đóng góp tích cực trong công tác này, nhất là khi Nhà nước chủ trương tăng cường việc điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, đẩy mạnh chương trình methadone với mục tiêu cung cấp điều trị cho 80.000 người lệ thuộc vào ma túy dạng heroin, thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ y tế và xã hội cho phụ nữ hành nghề mại dâm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ như dịch có nguy cơ lan rộng sang cộng đồng những người có ít nguy cơ hoặc nguy cơ thấp, yêu cầu nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS ngày càng cao cho cả dự phòng, chăm sóc và điều trị cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của HIV/AIDS đến phát triển xã hội, trong khi nguồn lực quốc tế có chiều hướng suy giảm.

"Trước tình hình đó, chủ trương xã hội hóa và huy động cộng đồng cần được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức dựa vào cộng đồng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc làm chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, thực hiện tốt truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ điều trị, gắn phòng, chống HIV/AIDS với phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo đối thoại thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng để tháo gỡ những khó khăn về khung pháp lý, tài chính, đầu tư và tận dụng dịch vụ của các tổ chức xã hội nhằm thực hiện Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu “Ba không: Không người nhiễm mới, không người chết vì AIDS, không kỳ thị và phân biệt đối xử” mà Việt Nam đã cam kết với nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Tiến sỹ Kristan Schoultz, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho rằng công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Số người nhiễm HIV trong quan hệ tình dục đồng giới đang tiếp tục gia tăng, tỷ lệ nhiễm HIV do tiêm chích ma túy ở các thành phố lớn và các vùng miền núi vẫn còn rất cao, kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhiều nơi vẫn còn nặng nề... Đó là khoảng trống trong điều trị và là cơ hội để HIV lây lan từ những người này sang nhiều người khác. Một thách thức khác là các nhà tài trợ quốc tế, khối hiện đóng góp hơn 70% tổng chi tiêu cho phòng chống HIV ở Việt Nam, đang giảm dần hỗ trợ tài chính.

Bà Kristan Schoultz cũng đề xuất với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi Chính phủ và các nhóm cộng đồng thực hiện một số hành động ưu tiên, trong đó có việc bảo đảm cơ chế rõ ràng để các tổ chức xã hội và các nhóm tiếp tục cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về HIV khi nguồn lực quốc tế ngày càng ít đi và không còn nữa./.


Theo TTXVN - L.T